Gửi thông báo vi phạm về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang 

Ngày 06/9/2022, Ban an toàn giao thông tỉnh vừa có Công văn số 171/BATGT về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội những tháng cuối năm 2022. Công văn nêu rõ: Thời gian gần đây, tình hình tai nạn giao thông (TNGT), nhất là các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại một số tỉnh liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân (Hòa Bình, Bắc Giang,...), gây nhiều lo lắng trong dư luận xã hội. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong 08 tháng đầu năm 2022, tình hình TNGT cơ bản được kiềm chế, số vụ TNGT giảm sâu so với cùng kỳ năm 2021 (xảy ra 71 vụ, giảm 19 vụ = 26,7%). Tuy nhiên, vẫn xảy ra 02 vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. TNGT xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân nổi lên là: Do vi phạm về nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, thiếu chú ý quan sát, tự ý cải tạo phương tiện và chở quá trọng tải.


Ảnh trang đầu Công văn

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban ATGT tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện các công tác trọng tâm sau:

1. Triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các hoạt động bảo đảm TTATGT theo Kế hoạch số 09/KH-BATGT ngày 18/01/2022 của Ban ATGT tỉnh về triển khai Năm ATGT 2022 với chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19"; Kế hoạch số 299/KH-BCA-C08 ngày 13/6/2022 của Bộ Công an về cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT; Công văn số 1300/UBND-NCVX ngày 19/7/2022 của UBND tỉnh về việc chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia; năm 2022 phấn đấu kéo giảm số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT từ 5% - 10% so với năm 2021; từ nay đến cuối năm quyết tâm không để xảy ra TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

2. Chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý tận gốc các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự, tập trung 4 nhóm hành vi sau: (1) Vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; (2) Vi phạm tốc độ trên đường bộ; (3) Vi phạm về “cơi nới” thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ; 4 Phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớm nước an toàn, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ, cảng, bến thủy nội địa không phép để kiềm chế các vụ TNGT rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
 
3. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, tập trung: Tuyên truyền, vận động các chủ nhà hàng, karaoke, quán bar, vũ trường... nhắc nhở khách hàng chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tổ chức tuyên truyền, vận động chấp hành nghiêm chỉnh việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không “cơi nới” thùng xe đến từng doanh nghiệp, nhà máy, chủ bến bãi, xưởng cơ khí, sửa chữa ôtô... Tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vụ TNGT điển hình, do nguyên nhân vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá tải trọng... để răn đe, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. 
 
4. Chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục tổ chức khảo sát, kiến nghị các bất hợp lý trong tổ chức giao thông; kiến nghị việc giải quyết các “điểm đen”, điểm mất ATGT. Rà soát các tuyến, địa bàn tập trung nhà hàng, karaoke, quán bar, vũ trường, khu du lịch... ở các thị trấn, thị xã, thành phố để phối hợp tập trung xử lý nồng độ cồn; rà soát các tuyến liên quan đến kinh doanh vận tải hàng hóa, nhất là xe chở vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, bến bãi, các mỏ đất, đá, cát; các công trình xây dựng, đường giao thông, san lấp mặt bằng để kiểm soát, quản lý chặt chẽ. 
 
5. Phát huy hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm TTATGT (các thiết bị đo nồng độ cồn, ma túy, tải trọng phương tiện, tốc độ...). Tăng cường áp dụng biện pháp xử lý vi phạm về TTATGT qua hình ảnh để răn đe, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tăng dày camera giám sát giao thông ở các điểm, các trục đường chính. 
 
6. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong việc để tình tình TNGT trên địa bàn tăng, nhất là để xảy ra TNGT gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; đánh giá, xem xét các danh hiệu thi đua năm 2022 của địa phương, ngành chức năng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
Đối với các trường hợp vi phạm là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... gửi thông báo vi phạm về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định. Nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức can thiệp, xin bỏ qua các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa của bản thân hoặc người thân dưới mọi hình thức. 
VBP (Phòng Tổng hợp)