Những kết quả nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư 

Ngày 04/9/2012 , Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

 Quảng Bình là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 8.065 km2, trong đó, 85% diện tích tự nhiên là đồi núi; có bờ biển dài trên 116,4 km, với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km2; có chung biên giới với nước bạn Lào với chiều dài trên 222 km; có 05 loại hình giao thông vận tải là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không (Quốc lộ 1A dài 122 km, đường Hồ Chí Minh cả 02 nhánh Đông và Tây dài 362 km, Quốc lộ 12A dài 107 km và đường sắt Bắc Nam dài 174,5 km).

Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư, ngày 14/11/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 15-CTr/TU và Kế hoạch số 104-KH/TU ngày 02/4/2020 về thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 10/4/2013 về thực hiện Chương trình hành động số 15-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Kế hoạch số 703/KH-UBND ngày 16/5/2020 về thực hiện Kết luận số 45-KL/TW. Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 18-CT/TW đến các tổ chức đảng trực thuộc và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch tổ chức quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW tới toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân; ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn cấp huyện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 367-CV/TU ngày 28/5/2013 đôn đốc các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, Mặt trận, tổ chức chính trị- xã hội cấp tỉnh tiếp tục quán triệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị cơ sở triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 15-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch kiểm tra việc triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW trên toàn tỉnh và trực tiếp kiểm tra tại 04 đơn vị, gồm: Sở Giao thông - Vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), UBND xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) và UBND phường Nam Lý (thành phố Đồng Hới). Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và Công an, Ban an toàn giao thông cấp huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; đồng thời, đã tổ chức nhiều hội nghị để chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn.

Công an huyện Bố Trạch ra quân đảm bảo an toàn giao thông (nguồn: Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Bình)

Ủy ban nhân dân tỉnh đã hoàn thành và tổ chức công bố, đưa vào quản lý thực hiện các quy hoạch, chiến lược phát triển giao thông, vận tải của tỉnh, như: Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình đến năm 2020; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Quảng Bình đến năm 2020; Quy hoạch các điểm đấu nối với các tuyến quốc lộ và đường Hồ Chí Minh trong quy hoạch hệ thống giao thông vận tải đến năm 2020 của tỉnh Quảng Bình; Quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách bằng xe ô tô trên tuyến cố định nội tỉnh; vị trí các điểm dừng đón, trả khách trên tuyến cố định trên mạng lưới đường bộ tỉnh Quảng Bình đến năm 2030; Quy hoạch phát triển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2012 - 2020; Quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; công bố bãi bỏ các quy hoạch hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 69 Luật Quy hoạch; công bố Danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh; các điểm dừng đỗ phục vụ cho phương tiện kinh doanh vận tải đón, trả khách trên địa bàn tỉnh Quảng Bình để thay thế các Quy hoạch đã hết hiệu lực.

Các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối liên vùng, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội. Mạng lưới đường giao thông, hệ thống cầu cống, biển báo và đèn tín hiệu, hàng rào, hộ lan,… trên địa bàn luôn được chú trọng đầu tư, phát triển, nâng cấp và hoàn thiện. Tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 12A được nâng cấp, đầu tư mở rộng, đảm bảo chất lượng mặt đường. Hệ thống các tuyến đường đô thị ở thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, thị trấn Hoàn Lão… được quy hoạch, xây dựng vỉa hè, lắp đặt đèn đường, đèn tín hiệu. Tuyến đường tránh thành phố Đồng Hới, đường tránh lũ Quốc lộ 1A đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả. Hệ thống giao thông nông thôn từng bước được nhựa hóa, mở rộng và kết nối với các khu vực xung quanh.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng và toàn hệ thống chính trị, nhân dân, trong 10 năm qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh được đảm bảo an toàn, thông suốt, không xảy ra đua xe trái phép, ùn tắc giao thông và các đột biến phức tạp khác, góp phần bảo đảm tốt trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Việc siết chặt quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông từ tỉnh đến cơ sở đã được đẩy mạnh, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó làm cho người dân tham gia giao thông thấy rõ trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện "Nếp sống văn hóa giao thông".

Tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí, về số vụ, số người chết, số người bị thương trong 12 năm liên tiếp (2009 - 2021). Tuy nhiên, tình trạng các phương tiện tham gia giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ xảy ra phổ biến là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. Từ ngày 15/9/2012 đến ngày 14/5/2022, xảy ra 2.336 vụ, làm chết 1.040 người, bị thương 2.080 người, thiệt hại tài sản 21.315.128.000 đồng; giảm 632 vụ (-27.05%), giảm 1.191 người chết (-114.52%), giảm 620 người bị thương (-29.87%) so với giai đoạn từ tháng 01/2002 - tháng 6/2011. Trong đó: Đường bộ xảy ra 2.302 vụ, làm chết 1.014 người, bị thương 2.067 người; đường thủy nội địa xảy ra 3 vụ, làm chết 4 người; đường sắt xảy  ra 31 vụ, làm chết 22 người, bị thương 13 người. Tai nạn giao thông đường bộ rất nghiêm trọng xảy ra 64 vụ, làm chết 119 người, bị thương 39 người; tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 07 vụ, làm chết 34 người, bị thương 28 người.

Tai nạn giao thông xảy ra 1.676 vụ trên quốc lộ, 86 vụ trên tỉnh lộ, 249 vụ trong nội thị, 285 vụ tại nông thôn, 40 vụ tại các tuyến khác. Tình trạng các đối tượng tham gia giao thông điều khiển phương tiện mô tô sau khi đã sử dụng các chất kích thích, như: Rượu, bia,… xảy ra khá phổ biến. Nguyên nhân gây tai nạn: Vi phạm tốc độ 721 vụ; tránh, vượt không đúng quy định 456 vụ; không nhường đường 436 vụ; đi không đúng phần đường 415 vụ; thiếu chú ý quan sát 238 vụ; chuyển hướng sai quy định 234 vụ; tự gây tai nạn 101 vụ; thao tác kỹ thuật 51 vụ; do người đi bộ 46 vụ; bỏ chạy 6 vụ; nguyên nhân khác 167 vụ. Đã xảy ra 3 vụ mà đối tượng vi phạm luật giao thông là thanh niên, thiếu niên coi thường pháp luật, có hành vi chống lại lực lượng Cảnh sát giao thông khi thi hành công vụ.

Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội, tác động mạnh đến các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe chấp hành quy định về vận tải đường bộ; từ đó, tình trạng xe ô tô chở hàng quá tải đã giảm nhiều, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm tai nạn giao thông.

Cảnh sát Giao thông trật tự Công an thị xã Ba Đồn dẫn đoàn xe chở công dân từ miền Nam trở về đến các khu cách ly tập trung (nguồn: Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Bình)

Tuy nhiên, vấn đề tổ chức giao thông ở một số nơi chưa hợp lý: Nhiều đường phụ giao cắt với đường chính; hệ thống biển báo hiệu giao thông chưa đồng bộ, thống nhất; hệ thống đèn chiếu sáng ở một số đoạn đường phức tạp về trật tự, an toàn giao thông chưa được lắp đặt; tầm nhìn trên một số tuyến bị hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Hệ thống camera lắp đặt trên Quốc lộ 1A còn nảy sinh nhiều bất cập (có độ phân giải thấp, tầm quan sát ngắn, khó nhận diện được biển số kiểm soát và đặc điểm của một số loại phương tiện; hình ảnh do hệ thống giám sát ghi nhận vào ban đêm chỉ hiển thị biển số xe, không phân biệt được màu biển, không có hình ảnh xe, không gian, địa điểm nơi xảy ra vi phạm…). Việc trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, vũ khí chiến đấu và các phương tiện khoa học kỹ thuật phục vụ cho lực lượng chức năng còn thiếu; một số trang thiết bị, như: Máy đo tốc độ ghi hình, cân trọng tải, bộ đàm... chất lượng thấp, thường xuyên hư hỏng. Xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường bộ sau một thời gian xử lý. Việc thông báo vi phạm về cơ quan, đơn vị, trường học và nơi cư trú của người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đã được triển khai nhưng hiệu quả mang lại trong việc giáo dục người vi phạm chưa cao.

Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông ngày càng phức tạp; xuất hiện một số tội phạm mới với phương thức, thủ đoạn mới rất tinh vi. Nổi lên là tình trạng vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc; đối tượng tham gia giao thông có hành vi cất giấu vũ khí thô sơ, súng tự chế; lái xe, phụ xe sử dụng chất kích thích, ma túy; các đối tượng có lệnh truy nã, đối tượng có tiền án, tiền sự về ma túy; tội phạm gây án địa phương khác trên đường tẩu thoát đi qua địa bàn; vi phạm pháp luật về vận chuyển trái phép tài nguyên, khoảng sản,...

Đáng chú ý, sau sự cố môi trường biển miền Trung (năm 2016), nổi lên tình trạng người dân tụ tập đông người trên Quốc lộ 1A để phản đối liên quan sự cố môi trường biển, làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao thông và gây mất an ninh, trật tự ở địa phương: (1) Tắc 48h từ ngày 30/4/2016 đến ngày 01/5/2016 tại km 613+800 và km 606 trên Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Quảng Tùng và xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch); từ ngày 16/11/2016 đến ngày 15/5/2017, đã 13 lần xảy ra tình trạng tổ chức tụ tập đông người, gây ách tắc Quốc lộ 1A; (2) tắc 8h ngày 15/10/2016 tại km 625 Quốc lộ 1A thuộc địa phận phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) do ngập lụt, hư hỏng công trình giao thông trên tuyến.

Đ/c Vũ Đại Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên họp của Thường trực Tỉnh ủy họp ngày 04/5/2021 cho ý kiến về công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh (nguồn: Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Bình)

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông, phòng tránh ùn tắc giao thông trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định các nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đó là:

Một là: Tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025; Chỉ thị số 02/2015/CT-BCA ngày 03/4/2015 của Bộ Công an về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới và các chương trình, kế hoạch có liên quan.

Hai là: Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và các chủ trương của Trung ương, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, phê phán, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm để nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Ba là: Lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; thường xuyên kiểm tra, rà soát những bất cập, vướng mắc trong tổ chức giao thông, nguy cơ mất an toàn giao thông trên các cung, tuyến giao thông để kịp thời kiến nghị, đề xuất, phòng ngừa nảy sinh “điểm đen giao thông” và tai nạn giao thông.

Bốn là: Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chú trọng cải thiện và phát huy tính năng, hiệu quả của các trang thiết bị, phương tiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là hệ thống camera giám sát.

Đồng thời, để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến trong thời gian tới, tỉnh đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành nghiên cứu ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tỉnh ổn định và phù hợp thực tiễn các địa phương; sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông. Bộ Công an cần tăng cường trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông điều tra, xử lý các vụ tai nạn giao thông, để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; quan tâm đầu tư, nâng cấp và nhân rộng lắp đặt hệ thống các thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, như: Hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự trên các tuyến đường quốc lộ, nội thành, nội thị. Bộ Giao thông vận tải cần quan tâm, huy động các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chở hàng quá tải tận gốc ở tại nơi bến, kho, bãi; chú trọng đầu tư, nâng cấp, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo lái xe của người dân theo hướng ngày càng tiện lợi, hiện đại và văn minh.

Thanh Minh (Phòng Nội chính)