Kinh nghiệm của Singapore trong cuộc chiến chống tham nhũng 

 Tham nhũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, bởi vậy đấu tranh chống tham nhũng được xem là một cuộc chiến không khoan nhượng. Chính vì vậy, mọi quốc gia đều coi chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, trong đó có Singapore.

 Nhiều năm qua, Singapore luôn nằm trong nhóm các quốc gia “trong sạch” nhất thế giới theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Vậy điều gì đã giúp Singapore đạt được thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go này? Trong một bài viết tại tuyển tập được biên soạn cho Hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng tổ chức ở London, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đưa ra nhận định về bốn yếu tố then chốt góp phần mang lại thành công cho Singapore trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng:

Thứ nhất, sau khi rời khỏi Singapore, người Anh đã để lại một hệ thống làm việc, bộ máy luật pháp hợp lý, dịch vụ công đang vận hành thông suốt và cơ quan tư pháp làm việc trung thực, hiệu quả. Quan trọng hơn, các công chức làm việc trong hệ thống dịch vụ công của chính quyền thuộc địa đã luôn duy trì các tiêu chuẩn cao.

 Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Thứ hai, khi người Anh rời đi, các nhà lãnh đạo tiên phong của Singapore đã quyết tâm giữ gìn hệ thống làm việc trong sạch này. Sau khi Singapore đạt được chính quyền tự trị, Đảng Hành động Nhân dân (PAP) lần đầu tiên lên nắm quyền vào năm 1959. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Đảng Hành động Nhân dân không phải đưa ra bất kỳ những cải cách, sửa đổi nào để giành chiến thắng trong Cuộc Tổng tuyển cử năm 1959.

Khi đó, Singapore đã phải đối mặt với nhiều thử thách khó khăn như: nghèo đói, nền y tế công cộng còn nghèo nàn, tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng, nền kinh tế trì trệ và dân số bùng nổ. Vậy liệu PAP có muốn kế thừa những vấn đề trầm trọng này?

Và quyết định cuối cùng của ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng đầu tiên của Singapore và nhóm của ông, là ngăn chặn và phá bỏ các dịch vụ công đang trở nên thoái hóa biến chất. Họ nhận thức rằng phải chống tham nhũng thì mới đạt được mục tiêu phát triển. Với lập trường mạnh mẽ như vậy, PAP đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và thành lập Chính phủ. Trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Lý Quang Diệu cùng các đồng nghiệp của mình đã mặc áo sơ mi trắng và quần trắng. Điều này tượng trưng cho quyết tâm của chính quyền mới trong việc giúp cho Chính phủ trong sạch, liêm chính và không tham nhũng. Đây cũng chính là mục tiêu tiên quyết mà Singapore đặt ra ngay từ khi mới thành lập.

Thứ ba, với ý chí chính trị mạnh mẽ, Singapore đã thể chế hoá một khuôn khổ chống tham nhũng toàn diện và mạnh mẽ bao gồm các luật, thực thi, dịch vụ công và tiếp cận công cộng. Singapore đã ban hành Đạo luật Ngăn chặn Tham nhũng (PCA). Bất kỳ một nguồn thu nhập nào được kê khai mà không có giải trình hợp lý sẽ bị điều tra và có thể bị tịch thu.

Điều đặc biệt của PCA đó là cung cấp thẩm quyền ngoài lãnh thổ đối với các hành vi tham nhũng của công dân Singapore ở nước ngoài. Theo đó, những hành vi tham nhũng của công dân Singapore dù diễn ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia thì đều được xử lý giống như hành vi của công dân trong nước, dù hành vi tham nhũng ấy có gây ra hậu quả đối với Singapore hay không.

Cơ quan chống tham nhũng của Singapore, cụ thể là Cục điều tra tham nhũng (CPIB), hoạt động một cách độc lập và có nguồn lực tốt. Cơ quan này có quyền điều tra bất kỳ người ai, đồng thời có nhiệm vụ giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức, xây dựng các chuẩn mực xã hội. Bên cạnh đó, Singapore cũng chú trọng xây dựng hệ thống lương của công chức trong khu vực công sát với khu vực tư nhân, bảo đảm không có độ chênh lệch quá lớn giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân và ngược lại, những công chức thuộc CPIB được yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về sự liêm khiết và hiệu quả công việc. Singapore coi việc bộ máy nhà nước hoạt động lành mạnh, sử dụng công quỹ đúng đắn, tăng thêm của cải xã hội, tăng sản lượng quốc gia, tăng mức sống của người dân và tăng lương cho công chức là biện pháp hữu hiệu để chống tham nhũng.

Thứ tư, Singapore đã luôn nỗ lực chạy đua với thời gian để phát triển một xã hội với nền văn hóa nói không với tham nhũng. Singapore đặt kỳ vọng và yêu cầu về một hệ thống hành chính trong sạch. Họ không chấp nhận hiện tượng "bôi trơn xã hội" để đạt được mục đích trong công việc. Khi đối mặt với những hành vi tham nhũng, người dân Singapore luôn sẵn sàng đứng ra tố cáo. Họ tin tưởng rằng bất cứ ai vi phạm luật pháp cũng sẽ bị trừng phạt nghiêm minh. Chính phủ không chấp nhận sự che đậy, dù quan chức vi phạm có chức vụ lớn.

Việc giữ cho hệ thống trong sạch không chỉ giúp cho nền kinh tế - xã hội của Singapore phát triển bền vững mà còn duy trì và bảo vệ uy tín trên quốc tế của quốc gia này. Do đó, Singapore luôn xử lý nghiêm những cá nhân hoặc tổ chức lợi dụng các tổ chức tài chính tại Singapore để rửa tiền hoặc giao dịch các nguồn lợi bất chính có được từ tham nhũng. Với tư cách là một trung tâm tài chính, trung tâm kinh doanh, Singapore luôn nhiệt huyết và tận tâm trong việc bảo vệ tính liêm chính và công bằng trong mọi hoạt động.

Để có một hệ thống liêm khiết, trong sạch phải bắt đầu ngay từ những người đứng đầu. Nhận thức được điều này, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng khẳng định, một khi những nhà lãnh đạo chủ chốt kém liêm khiết lúc đó sự liêm chính của hệ thống hành chính sẽ yếu đi và cuối cùng sẽ sụp đổ. Chính vì vậy, Luật pháp Singapore đã quy định rõ, trong trường hợp Thủ tướng bị tình nghi tham nhũng, CPIB có thể xin đặc quyền của Tổng thống để tiến hành cuộc điều tra, vì vậy có thể xóa bỏ mọi cản trở và điều này được quy định trong Hiến pháp. CPIB không hề bị can thiệp trong quá trình điều tra những vụ án tham nhũng.

Singapore luôn thể hiện sự quyết tâm trong việc duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về sự liêm chính ngay từ lãnh đạo cao nhất của Chính phủ. Singapore đề cao yếu tố minh bạch trong mọi hoạt động của các cơ quan hành chính, đây là tiêu chí cơ bản, được coi như: “Công cụ tẩy rửa tốt nhất và là người cảnh sát hữu hiệu nhất”.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chia sẻ, phải mất một thời gian rất lâu để có thể xây dựng được lòng tin trong người dân, nhưng một khi đã để mất đi thì khó có thể lấy lại được. Trải qua hơn 50 năm xây dựng lòng tin trên đất nước Singapore, sự liêm chính của Chính phủ, của hệ thống và của chính những con người làm việc trong bộ máy nhà nước chính là chìa khóa cho sự thành công của Singapore. Singapore luôn xác định rằng, sự liêm chính, uy tín và danh dự không bao giờ được để suy yếu, về lâu dài đây vừa là lợi thế cạnh tranh, vừa là niềm tự hào của đất nước Singapore.

Giáo sư John S.T. Quah, chuyên gia về tham nhũng và quản trị công hàng đầu thế giới đã nhận định, tham nhũng ở Singapore là một thực tế cuộc sống chứ không phải là một cách sống. Nói cách khác, tham nhũng tồn tại ở Singapore nhưng Singapore không phải là một xã hội tham nhũng.

 

Theo ThanhtraVietNam.vn