Bài 1: Thực tiễn và những kinh nghiệm của quốc tế trong công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập 

Tham nhũng, tiêu cực là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến:, “tự chuyển hóa” trng nội bộ; làm mất đi sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và Nhà nước; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, đạo đưc và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng; đồng thời, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì thế, phòng, chống tham nhũng cần gắn chặt với phòng, chống tiêu cực và là vấn đề cấp thiết và cấp bách.

Nhằm giúp bạn đọc quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (viết tắt PCTN, TC) có thêm dữ liệu để tham khảo, phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tác giả xin trích một số kết quả thực tiễn và những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong công tác PCTN, TC.

1. Việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập của vợ chồng, con theo kinh nghiệm của một số nước

Những công chức bị xác định là đã lạm dụng công quyền hay sử dụng sai công quỹ nhằm mục đích tư lợi sẽ tìm cách né tránh các hệ thống giám sát. Tài sản hay thu nhập bất hợp pháp có thể được che đậy dưới tên của người nhà, kể cả vợ, chồng, con cái. Để đối phí với nguy cơ này, một số nước đã mở rộng phạm vi quy định kê khai bắt buộc đối với thành viên gia đình, đặc biệt là vợ, chồng, con cái và trong một số trường hợp là cả những cộng sự thân cận hay thành viên trong gia đình khác. Kênia, Nigiêria, Tanzania, Uganđa quy định kê khai riêng cho vợ, chồng, con cái. Những hệ thống khác cũng quy định công chức phải khai kèm chi tiết thu nhập, tài sản của vợ, chồng, con cái và các thành viên trong gia đình khác nếu có cơ sở hợp lý để nghi ngờ rằng một công chức đang che dấu thu nhập, tài sản thật. Mở rộng phạm vi đối tượng ra các thành viên trong gia đình và cộng sự sẽ bổ sung thêm một tầng kiểm soát nhưng cũng không bảo đảm sẽ ngăn cản được những công chức cố tình giấu giếm tài sản ở nơi khác.

Chính vì vậy, nhiều nước chỉ quy định phải kê khai, công khai tài sản, thu nhập của người thân trong gia đình, bạn bè, cộng sự gần gũi khi có cơ sở hợp lý cho thấy họ được sử dụng để che giấu, tẩu tán tài sản tham nhũng của những người có chức vụ, quyền hạn, ví dụ như một người thân có công việc và năng lực bình thường nhưng lại sở hữu một lượng tài sản lớn bất thường.

 

Ảnh (Internet)

 2. Thời điểm, phương thức kê khai tài sản, thu nhập của công chức

Kê khai ở thời điểm đầu và cuối nhiệm kỳ là một đặc điểm tiêu chuẩn cơ bản của hầu hết các cơ chế. Điều đó có nghĩa là công chức phải kê khai khi mới nhậm chức và khi rời vị trí, thường là trong một khoảng thời gian ấn định (như 30 ngày chẳng hạn) sau những thời điểm trên. Một số hệ thống cũng quy định phải kê khai cho thời gian sau khi công chức đã rời nhiệm sở (trong thời gian mà công chức bị cấm làm việc trong những ngành có liên quan đến chức trách trước đây), hay trong một số trường hợp đối với những ứng cử viên tham gia bầu cử.

Kê khai định kỳ: Phần lớn các hệ thống cũng quy định công chức phải kê khai khi còn tại chức, hoặc định kỳ - thường là mỗi năm một lần. Đây là một phương thức tương đối phổ biến và được áp dụng ở những nước như Áchentina, Xlôvia và Mỹ.

Kê khai đột xuất: Khi có phát sinh thay đổi đáng kể trong giá trị thu nhập, tài sản. Những hệ thống quy định kê khai đột xuất sẽ chuyển trách nhiệm tuân thủ cho người kê khai. Ví dụ ở Cộng hòa Pháp là nước áp dụng phương thức này, cũng như ở Croatia.

Kết hợp chế độ kê khai lúc bắt đầu và kết thúc nhiệm kỳ, cũng như cập nhật định kỳ trong thời gian đương chức là giải pháp được ưu tiên áp dụng. Cho phép người kê khai được chọn cách nộp tờ khai bổ sung, thay vì khai lại toàn bộ mỗi lần đến hạn kê khai là một cách để đơn giản hóa thủ tục kê khai định kỳ.

3. Tài sản, thu nhập nào của người có chức vụ, quyền hạn phải kê khai

Tài sản, thu nhập nào phải kê khai, công khai phụ thuộc vào quan niệm về tài sản, thu nhập – điều mà được hiểu ít nhiều khác nhau ở các quốc gia. Nghiên cứu cho thấy, tiền lương và bất động sản là những đối tượng phổ biến được yêu cầu kê khai, công khai ở các quốc gia, song còn có một số dạng khác cũng được xem là tài sản hoặc thu nhập. Theo Bộ chỉ số AGI/PAM(AGI - Chỉ số trách nhiệm trong quản lý nhà nước đây là công cụ cho biết tác động trực tiếp của cải cách thể chế đối với hoạt động của các tiểu hệ thống trong bộ máy nhà nước cụ thể; PAM – Sáng kiến hệ thống giải trình trách nhiệm trong khu vực công của Ngân hàng thế giới), danh mục các loại thông tin mà công chức phảo khai báo ở các quốc gia rất rộng, bao gồm: bất động sản; tiền mặt; tín dụng; nợ, thu nhập (từ lao động và được tọa hưởng); các khoản chi tiêu; những lợi ích băng tiền và không bằng tiền (ví dụ: thu nhập trong tương lai, các thỏa thuận bảo hiểm, kế hoạch lương hưu, …)

Về tài sản: Tại hầu hết quốc gia, tài sản được hiểu là bao gồm bất động sản (ví dụ: đất đai, nhà cửa, phương tiện đi lại, …). Ngoài ra, tiền mặt, cổ phiếu, trái phiếu và thậm chí cả nguyên, vật liệu xây dựng cũng có thể được coi là tài sản. Danh mục những tài sản phải kê khai, công khai ít nhiều khác nhau ở các quốc gia, song thường được xác định thông qua hai tiêu chí là giá trị và chủng loại.

Về thu nhập: Thu nhập theo nghĩa rộng được hiểu bao gồm tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng, tiền lãi tiết kiệm, cổ tức, thậm chí cả tiền trúng xổ số, … của một người. Tuy việc kê khai thu nhập và nguồn gốc là bắt buộc nhưng các dạng thu nhập phải kê khai và mức độ chi tiếtcủa thông tin về nguồn gốc ít nhiều khác nhau giữa các quốc gia. Mặc dù vậy, các quốc gia thường quy định mức tối thiểu mà một khoản thu nhập sẽ phải kê khai để tránh quá tải cho hệ thống, cũng như tránh việc gây quá nhiều phiền hà cho công chức.

Về quà tặng: Nhiều quốc gia xem quà tặng như là một dạng thu nhập đặc biệt phải kê khai và công khai. Tính chất đặc biệt Của loại thu nhập này là không chính thức (không phải chịu thuế) và không thường xuyên. Việc kê khai, công khai quà tặng ở các quốc gia ít nhiều khác nhau, song đa số quốc gia quy định quà tặng chỉ kê khai khi giá trị vật chất (quy ra) của nó đến một ngưỡng tối thiểu nhất định (theo số lượng tiền cụ thể hay theo tỷ lệ phần trăm mức lương mà công chức nhận được).

Về chi tiêu: Một số quốc gia quy định công chức phải kê khai cả các khoản chi tiêu đến một mức giá trị nào đó nhằm kiểm soát biến động về tài sản và thu nhập của họ. Việc kiểm soát chi tiêu có thể giúp phát hiện ra những hành vi tham nhũng của công chức, đặc biệt trong những trường hợp công chức có nhứng khoản chi tiêu vượt xa mức thu nhập mà họ đã khai báo…                                                                            

Lê Hà Anh Tâm, Ban Nội chính Tỉnh ủy (Tổng hợp)

 

Tài liệu tham khảo, trích dẫn:

1. 655 câu hỏi-đáp về PCTN, TC ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, NXB Chính trị quốc gia sự thật;

2. Bài viết trên các Trang thông tin điện tử khác.

Còn tiếp…

Bài 2:Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử và Bộ quy tắc ứng xử chống tham nhũng của Cộng hòa Liên bang Đức