Bài 2: Xây dựng bộ quy tắc ứng xử và Bộ quy tắc ứng xử chống tham nhũng của Cộng hòa Liên bang Đức 
 Tham nhũng, tiêu cực là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến:, “tự chuyển hóa” trng nội bộ; làm mất đi sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và Nhà nước; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, đạo đưc và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng; đồng thời, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì thế, phòng, chống tham nhũng cần gắn chặt với phòng, chống tiêu cực và là vấn đề cấp thiết và cấp bách.

Nhằm giúp bạn đọc quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (viết tắt PCTN, TC) có thêm dữ liệu để tham khảo và nhận diện rõ bản chất của tham nhũng, tiêu cực, tác giả xin trích một số kết quả thực tiễn và những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong công tác PCTN, TC.

 1. Bộ Quy tắc ứng xử; mục đích xây dựng bộ Quy tắc ứng xử.

          Có nhiều cách định nghĩa về bộ Quy tắc ứng xử (viết tắt là bộ QTUX). Theo nghĩa rộng nhất đó là một tập hợp những nguyên tắc và kỳ vọng chung được chấp nhận phổ biến trong một nhóm người nào đó và ràng buộc những ai là thành viên của nhóm. Trong bối cảnh một tổ chức, một bộ QTUX của một tổ chức có thể được hiểu là tuyên bố hoặc sự mô tả của tổ chức ấy về chuẩn mực hành xử, trách nhiệm và hành động mà tổ chức mong các thành viên của mình thực hiện. Một cách giải thích khác cho rằng, bộ QTUX là một tập hợp những hướng dẫn dưới dạng văn bản do một tổ chức đề ra cho những thành viên của họ sao cho phù hợp với những giá trị và chuẩn mực đạo đức cơ bản mà tổ chức trân trọng.

          Do đó, mục đích của việc xây dựng bộ QTUX là nhằm góp phần nâng cao khả năng công chức sẽ hành động theo một cách nhất định nào đó; bộ QTUX khiến cho công chức phải quan tâm tới những hành động mà kết quả của những hành động đó sẽ dẫn đến việc họ làm điều đúng vì những lý do đúng đắn; đồng thời, bộ QTUX như một cam kết của công chức đối với các tiêu chuẩn đạo đức công vụ.

          2. Các nguyên tắc trong xây dựng bộ Quy tắc ứng xử

          Thứ nhất, bộ QTUX phải phù hợp với những chuẩn mực đạo đức phổ biến.

Đây là một nguyên tắc nền tảng, bất di bất dịch. Đạo đức, với ý nghĩa là cách thức, lối sống của các cá nhân trong xã hội buộc mọi người phải làm theo, đòi hỏi bất kỳ bộ QTUX của tổ chức nào cũng tôn trọng. Điều này có nghĩa là dù được thiết kế như thế nào và bao hàm những quy định gì thì nội dung bộ QTUX của bất kỳ một tổ chức hay ngành nào cũng không được vượt ra khỏi những giá trị chuẩn mực chung có tính phổ biến đã được xã hội thừa nhận.

Thứ hai, bộ QTUX phải phù hợp với những quy định của pháp luật.

Đây là nguyên tắc có tính căn bản và bắt buộc thể hiện sự điều chỉnh của pháp luật đối với đạo đức công vụ như đã trình bày. Bộ QTUX phải thể hiện rằng những chuẩn mực mà nó đề ra cho thành viên trong tổ chức không đi ngược lại hoặc làm phương hại đến những quy định pháp luật của riêng ngành hoặc lĩnh vực mà tổ chức đó hoạt động. Một điều quan trọng là các thành viên trong tổ chức phải thấy được rằng tổ chức của họ tin tưởng vào việc chấp pháp và chấp quy và do vậy khi thực thi nhiệm vụ họ cũng phải hành xử như vậy.

Thứ ba, bộ QTUX phải phù hợp với mục tiêu, đặc điểm của cơ quan, tổ chức hoặc ngành.

Điều này là để phù hợp với tính chất của bộ QTUX đó là tính riêng biệt của nó. Tuy cùng là hoạt động công vụ nhưng mỗi ngành nghề, cơ quan, tổ chức lại chuyên môn hóa trong lĩnh vực chuyên môn khác nhau với những yêu cầu khác nhau về phẩm chất của người làm nghề. Vì vậy, bộ QTUX của một tổ chức ngành phải thể hiện được yêu cầu có tính đặc trưng của tổ chức ngành đó với các cá nhân thì mới phù hợp với thực tiễn và có tính khả dụng cao.

Thứ tư, bộ QTUX phải bảo đảm dân chủ và nhân văn.

Nguyên tắc này để tránh trường hợp bộ QTUX là sản phẩm của sự lạm dụng quyền lực của lãnh đạo tổ chức, trở thành sự áp đặt ngặt nghèo, phi lý của họ lên các thành viên trong tổ chức. Nguyên tắc này bảo đảm rằng bộ QTUX sẽ được các thành viên trong tổ chức chấp nhận vì tính hợp lý và giá trị nhân bản của nó chứ không phải vì ép buộc chấp nhận. Do đó, khi xây dựng bộ QTUX rất cần thiết phải tạo điều kiện cho các thành viên tham gia đóng góp ý kiến và phản biện, đặc biệt là góp ý cho các biện pháp và hình thức kỷ luật sẽ áp dụng khi xử lý các vi phạm.

3. Bộ QTUX chống tham nhũng của Cộng hòa Liên bang Đức

Tại Công hòa Liên bang Đức, Bộ QTUX chống tham nhũng với mục đích để thông tin cho nhân viên công quyền các tình huống trong đó họ có thể vô tình dính líu đến tham nhũng. Ngoài ra, bộ quy tắc này còn hướng tới thúc đẩy nhân viên công quyền thực hiện nhiệm vụ của mình một cách phù hợp, đúng pháp luật và cảnh báo những hậu quả của hành vi tham nhũng.

Quy tắc 1: Hành vi tham nhũng xung đột với những những nhiệm vụ công vụ và làm giảm uy tín của hoạt động công. Tham nhũng phá hủy sự tin tưởng vào sự không thiên vị và khách quan của quản trị công và đây là những nền tảng cho sự tồn tại cùng nhau như một cộng đồng.

Tham nhũng trong quản trị Liên bang có thể được ngăn chặn tốt hơn nếu mọi người tạo lập mục tiêu chống tham nhũng. Điều này đồng hành với những nhiệm vụ mà tất cả các nhân viên đã chấp nhận vào thời điểm được tuyển dụng. Trên cơ sở tuyển dụng, mỗi nhân viên đồng ý tuân thủ Hiến pháp và các luật của Cộng hòa Liên bang Đức, đồng ý thực hiện các nhiệm vụ của họ một cách đúng đắn, thận trọng. Các nhân viên phải hành động phù hợp, đúng đắn với tư cách là một nhân viên công quyền và họ phải hành động theo cách bảo đảm sự ủng hộ cho các nền tảng cơ bản về dân chủ, tự do theo nội dung của Đạo luật cơ bản. Bởi vậy, tất cả nhân viên thực hiện các chức năng của họ một cách công bằng và không thiên vị. Mọi nhân viên công quyền có trách nhiệm hành động trong cách để tạo lập hình ảnh điển hình cho các đồng nghiệp, cán bộ giám sát và công chúng.

Quy tắc 2: Trong giải quyết mối quan hệ với cá nhân bên ngoài cơ quan, như người tham gia thầu, người ký kết hợp đồng hoặc trong trường hợp cần các hoạt động điều tiết lợi ích, phải đặt các vấn đề trên nền tảng đúng đắn ngay từ ban đầu và ngăn chặn lập tức bất cứ nỗ lực tham nhũng nào. Nghiêm cấm một biểu hiện nào đó chứng tỏ sự sẵn sàng chấp nhận các món quà biếu. Nếu làm việc trong lĩnh vực quản trị liên quan đến đấu thầu hợp đồng công phải có sự hiểu biết cụ thể đối với những nỗ lực của các bên thứ ba ảnh hưởng đến quyết định của mình. Đây là lĩnh vực nơi hành vi tham nhũng xảy ra nhiều nhất. Vì lý do này, tuân thủ nghiêm túc luật, các quy tắc và theo hướng dẫn này để ngăn chặn việc nhận các khoản thưởng hoặc quà biếu. Nếu một bên thứ ba đề xuất một lợi ích đáng nghi ngờ, cần thông tin lập tức cho các cán bộ giám sát và cán bộ chuyên trách ngăn ngừa tham nhũng.

Quy tắc 3: Đôi khi có thể phải gặp những người mà chúng ta nghĩ họ có thể cố gắng lôi kéo chúng ta vào một hoạt động đáng nghi ngờ, nhưng không dễ dàng để từ chối gặp họ thì không nên một mình cố gắng giải quyết tình huống này mà yêu cầu đồng nghiệp tham gia cùng. Bàn thảo trước về tình huống và yêu cầu đồng nghiệp hành động theo cách để ngăn chặn bất cứ nỗ lực tham nhũng nào.

Quy tắc 4: Các phương pháp làm việc nên rõ ràng và dễ hiểu đối với tất cả mọi người. Khi chúng ta có thể rời vị trí khác (thăng chức, thuyên chuyển) hoặc tạm nghỉ việc trong thời gian ngắn (ốm, nghỉ lễ), các phương pháp làm việc cần rõ ràng để tạo thuận lợi cho người tiếp quản hoặc hỗ trợ họ làm quen với nhiệm vụ trong bất kỳ thời điểm nào. Sự rõ ràng trong trong việc lưu giữ hồ sơ còn giúp bảo vệ chính chúng ta, trong các cuộc rà soát hoặc kiểm tra, chống lại những cáo buộc gián tiếp hay trực tiếp về sự không trung thực. Không nên giữ những “hồ sơ thứ cấp” nhằm tránh việc thể hiện sự không trung thực dù là nhỏ nhất. Các hồ sơ phụ chỉ nên giữ khi chúng thực sự cần thiết cho công việc.

Quy tắc 5: Những nỗ lực tham nhũng thường bắt đầu khi bên thứ ba vượt qua những mối quan hệ cá nhân. Khó khăn để từ chối việc bảo đảm một “lợi ích” cho một người, khi chúng ta đang có mối quan hệ cá nhân rất tốt với họ và khi chúng ta hoặc gia đình chúng ta đã có được các tiện ích và lợi ích. Do đó, cần làm rõ quan hệ cá nhân ngay từ đầu, trong đó có nghĩa vụ để bảo đảm công việc tách biệt rõ ràng khỏi đời sống riêng tư nhằm tránh những nghi ngờ về việc nhận những khoản lợi ích. Cần phải kiểm soát sự tách biệt rõ ràng giữa những mối quan hệ cá nhân và nhiệm vụ công sở trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả không liên quan đến rủi ro tham nhũng trong tất cả các hoạt động công quyền.

Quy tắc 6: Tham nhũng có thể được ngăn chặn và đánh bại chỉ khi mọi người thực hiện có trách nhiệm và tất cả theo đuổi mục tiêu về một công sở không có tham nhũng. Nghĩa là, mội người phải xem xét để bảo đảm rằng các bên thứ ba không thể có tác động không đúng đắn đến tiến trình ra quyết định. Ngoài ra, nội dung trên còn có nghĩa là chúng ta không nên bảo vệ những đồng nghiệp tham nhũng vì lý do lo sợ mất sự đoàn kết nội bộ hoặc sự trung thành. Mọi người cần hỗ trợ cho các hoạt động điều tra hành vi phạm tội và để phòng ngừa công sở khỏi sự tổn hại.

Quy tắc 7: Thông thường, các quy trình làm việc được thực hiện trogn thời gian dài sẽ trở thành một “ốc đảo” tạo điều kiện dễ dàng cho tham nhũng. Đó là các quy trình trong đó một nhân viên công quyền có trách nhiệm độc lập trong việc bảo đảm các lợi ích. Hoặc có thể là các quy trình hoạt động không rõ ràng làm khó khăn hoặc thậm chí ngăn chặn hoạt động giám sát. Trong phần lớn các trường hợp, thay đổi cấu trúc tổ chức có thể sửa chữa được tình trạng trên. Đây là lý do tại sao tất cả các nhân viên cần cung cấp thông tin liên quan nhằm góp phần làm cho các quy trình công việc trở nên rõ ràng, minh bạch. Trong các đơn vị, bộ phận của cơ quan, các quy trình công việc cũng cần phải đủ minh bạch để ngăn chặn tham nhũng trước khi nó bắt đầu.

Quy tắc 8: Nếu làm việc trong các lĩnh vực dễ bị tổn thương đặc biệt bởi tham nhũng, trước hết cần tham gia các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao được tổ chức với các nội dung là: các hình thức tham nhũng, các tình huống rủi ro, các biện pháp ngăn chặn và các hậu quả của tham nhũng theo luật về hình sự, dịch vụ công và lao động. Sau đó, sẽ học về cách thức để ngăn ngừa tham nhũng cho bản thân và xử lý các tình huống làm chúng ta có thể dính líu đến tham nhũng hoặc khi phát hiện ra tham       nhũng trong môi trường làm việc. Với những khóa đào tạo này, có thể bảo đảm chúng ta sẽ có khả năng giải quyết tham nhũng theo cách đúng luật và chính xác.

4.Hướng dẫn về xây dựng bộ QTUX chống tham nhũng của Cơ quan Chống tham nhũng Cộng hòa Pháp (AFA)

AFA quy định bộ QTUX chống tham nhũng (cách gọi có thể khác nhau tùy từng cơ quan) để cụ thể hóa quyết định của ban lãnh đạo trong cam kết quyết tâm thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện các hiện tượng và hành vi tham nhũng tại cơ quan. Bộ quy tắc này do đó cần phải rõ ràng, không khoan nhượng, không mập mờ, bao gồm các cam kết và nguyên tắc chống tham nhũng của cơ quan trong hoạt động của mình. Bộ quy tắc xác định các hành vi cụ thể được xếp vào diện có thể coi là hành vi tham nhũng, có đi kèm các trường hợp minh họa cụ thể.

Nội dung của bộ QTUX chống tham nhũng được ban lãnh đạo cơ quan đề ra, trong đó nhắc nhở các giá trị cốt lõi và cam kết của cơ quan trong phòng ngừa, phát hiện tham nhũng. Xây dựng được bộ QTUX chống tham nhũng sẽ giúp cơ quan phát triển được văn hóa tuân thủ quy định chống tham nhũng, văn hóa đạo đức và liêm chính trong đội ngũ nhân sự của cơ quan. Bộ QTUX chống tham nhũng bao gồm các quy định về các hành vi có thể dẫn đến tham nhũng trong đội ngũ nhân sự của cơ quan trong quá trình làm việc; mô tả các tình huống và các hành vi cần tránh, đi kèm theo các ví dụ minh họa từ thực tế hoạt động của cơ quan. Bộ QTUX có thể được xây dựng kèm theo các phiếu “thực hành” hoặc “quy trình” hay “tiến trình” cần tuân thủ. Các phiếu này sẽ liệt kê cụ thể các hoàn cảnh và hành vi có nguy cơ, mô tả chi tiết  các hành vi cần tuân thủ để có thể làm chủ được các tình huống, hoàn cảnh có nguy cơ đó và tránh rơi vào hành vi tham nhũng. Bộ QTUX chống tham nhũng không chỉ giới hạn nội dung ở các quy tắc và kinh nghiệm thực hành tốt, mà còn liệt kê các điều cấm, đặc biệt đối với các hành vi có thể vi phạm vào quy định liêm chính tại cơ quan, các điều cấm này sẽ được xác định tùy theo tình hình thức tế của cơ quan. Chẳng hạn các hành vi nhận quà biếu, nhận giấy mời, các khoản thanh toán cho chi tiêu cá nhân, các trường hợp có xung đột lợi ích, lòng thương người, các khoản tài trợ và thêm cả hành vi vận động hành lang, tùy theo từng hoàn cảnh. Bộ QTUX chống tham nhũng cũng xác định các biện pháp chế tài, xử phạt, kỷ luật cho việc vi phạm các hành vi bị cấm hoặc cần tránh và chung hơn là mọi hành vi cần tuân thủ các cam kết, nguyên tắc của cơ quan trong phòng ngừa, phát hiện các hành vi tham nhũng. Nếu các biện pháp kỷ luật đã được quy định trong nội quy cơ quan, bộ QTUX chỉ cần dẫn chiếu nội quy mà không cần quy định thêm. Đồng thời, cũng cần phải quy định việc phải bố trí một bộ phận tiếp nhận thông tin và tố cáo từ nhân sự trong cơ quan về các hành vi và tình huống có vi phạm các quy tắc ứng xử đã đề ra.

Phạm vi ứng dụng của bộ QTUX chống tham nhũng được áp dụng cho toàn bộ đội ngũ nhân sự của cơ quan, áp dụng bất kỳ nơi nào có hoạt động của cơ quan, kể cả ở nước ngoài (nếu có), không ảnh hưởng hoặc gây cản trở đối với việc áp dụng các quy định chống tham nhũng khác nghiêm khắc hơn nếu có.

Bộ QTUX chống tham nhũng được thể hiện dưới dạng văn bản, bằng tiếng Pháp, sử dụng ngôn ngữ đơn giản dễ hiểu, sáng rõ, nhằm tạo điều kiện để mọi người trong cơ quan đều hiểu và nắm được nội dung. Có thể dịch ra một hoặc nhiều ngoại ngữ khác nhau để nhân sự không phải là công dân Pháp làm việc cho cơ quan cũng có thể hiểu được và áp dụng được. Bộ QTUX được lưu hành nội bộ và mọi nhân sự trong cơ quan đều phải được tập huấn để nắm được và áp dụng. Có thể lồng ghép bộ QTUX chống tham nhũng vào bộ quy tắc “đạo đức” với phạm vi rộng hơn, không chỉ giới hạn trong công tác chống tham nhũng, nhưng với điều kiện phải đảm bảo sao cho cách trình bày các quy định hoàn toàn dễ hiểu, dễ đọc cũng như phải thống nhất đồng bộ với nội quy của cơ quan...

 

Lê Hà Anh Tâm

                                                                   Ban Nội chính Tỉnh ủy

Tài liệu tham khảo, trích dẫn:

1. 655 câu hỏi-đáp về PCTN, TC ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, NXB Chính trị quốc gia sự thật;

2. Thanhtra.com.vn

3.Đaibieunhandan.vn

4. Bài viết trên các Trang thông tin điện tử khác.

Còn tiếp…

 

Bài 3:  Kinh nghiệm quốc tế về tố cáo/báo cáo tham nhũng và bảo vệ người tố cáo/báo cáo tham nhũng