XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhiều bài viết của Người về cán bộ làm kim chỉ nam, định hướng cho cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn sau này. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người còn chỉ rõ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Từ yêu cầu của nhiệm vụ và tính chất hoạt động cách mạng rất khó khăn, mà người cán bộ phải có đạo đức cách mạng và đòi hỏi phải được đào tạo, rèn luyện để nâng cao ý chí quyết tâm để đưa đến thắng lợi cho chách mạng. Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đảng ta luôn luôn coi trọng công tác cán bộ trong mọi hoạt động, từ Đại hội V đến Đại hội XII, Đảng ta thường xuyên quan tâm và vận động các tầng lớp nhân dân, các cơ quan Nhà nước luôn luôn nâng cao tinh thần đổi mới tư duy, sáng tạo nói chung, trong đó chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, sử dụng cán bộ, công chức, giới thiệu những người có đức, có tài vào làm việc các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyên khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân”
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, các cơ quan không ngừng không ngừng xây dựng các chủ trương, nghị quyết, văn bản, để thực hiện việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, uy tín đáp ứng sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước. Cùng với việc thực hiện lời dạy của Bác, Nhà nước ta ban hành, dần dần hoàn chỉnh Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành phù hợp với từng giai đoạn, từng cơ quan, tổ chức, từng công việc của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Song song với việc ra đời các văn bản quy phạm pháp luật, các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, xây dựng nội dung, chương trình được đưa vào tập huấn, hội thảo và giảng dạy ở các ngành các cấp và trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Cách nhìn nhận mới về cán bộ, công chức là một bước phát triển vượt bậc trong những năm qua đưa lại những kết quả đáng khích lệ cho toàn bộ hệ thống chính trị nước ta:
Vấn đề đầu tiên, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức tiến bộ vượt bậc về kiến thức lẫn kỹ năng làm việc trong hệ thống các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Trong đó phải nói đến khả năng đáp ứng những đòi hỏi mà xu thế phát triển của thời đại đặt ra.
Thứ hai, hình thành nhiều hoạt động tích cực trong thi tuyển cũng như bầu cử cán bộ, công chức nhằm tuyển dụng người đủ năng lực vào làm việc cho các cơ quan, trong đó phải nói đến các cuộc thi công chức tại các cơ quan trong hệ thống chính trị, thông qua nhiều hoạt động tuyển chọn những cán bộ, đảng viên để giới thiệu cho nhân dân bầu cử vào các cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ ba, hệ thống pháp luật ngày càng chặt chẽ chuyển đổi dần dần sang cách thức tuyển chọn theo vị trí việc làm nhằm phát huy các mặt tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức theo từng ngành nghề, cơ quan, đơn vị, bên cạnh đó hoạt động luân chuyển cán bộ, công chức, cũng được quan tâm đến hiệu quả công việc của người được luân chuyển. Việc đánh giá hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức ngày được tiến triển trên nhiều phương diện về chất lượng lẫn hiệu quả công việc.
Thứ tư, Nhà nước đầu tăng cường đầu tư, hiện đại hóa vào hệ thống các công cụ, phương tiện hỗ trợ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ đã đưa lại hiệu quả và rút ngắn thời gian làm việc cho mọi cấp, mọi ngành trong toàn quốc. Chế độ tiền lương của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng đươc cải thiện, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm công tác tại các cơ quan.
Thứ năm, nhiều văn bản quy định về hoạt động công vụ dần dần được minh bạch hóa trong tuyển dụng cung như trong hoạt động công vụ, nhằm đưa những người có khả năng làm việc tốt vào các cơ quan công quyền, đồng thời loại bỏ những người không đủ năng lực, đạo đức vào các cơ quan, chấn chỉnh hành vi của cán bộ công chức trong hoạt động công vụ cũng như sinh hoạt đời thường.
Với những thành tựu đạt được trong việc đổi mới tuyển chọn và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị nước ta, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn luôn luôn khắc ghi công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn không quên những lời dạy của Người, những hành động, việc làm của Người đã trở thành những những hành động thiết thực cho mọi người tự rèn luyện và chấn chỉnh bản thân mọi lúc, mọi nơi.
Mặc dù đã có những mặt tích cực trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch vững mạnh, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để phục vụ nhân dân nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức nhật định.
Tình trạng tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhiều hoạt động chạy chức, chạy quyền, chạy án trong đội ngũ cán bộ, công chức đã xảy ra, tiêu cực trong các khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bố trí việc làm đã xảy ra, Nghị quyết trung ương 4 khóa XII đã khẳng định “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước” Nhiều bài viết đã làm rõ không ít số lượng cán bộ, Đảng viên vi phạm đạo đức, tư tưởng, lối sống, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng mà đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định đó là “giặc nội xâm” và cần phải có những hoạt động tích cực để loại bỏ những thành phần đó khỏi bộ máy lãnh đạo của Đảng, bộ máy Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Quán triệt Nghị quyết của ban chấp hành trung ương đảng lần thứ tư, khóa XIII, để làm tốt việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong những năm tới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần phải quán triệt các quan điểm của đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch vững mạnh, đủ năng lực uy tín đáp ứng nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới và làm tốt các công việc sau:
Một là: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung làm cơ sở nền tảng cho mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước, trong hệ thống pháp luật chú trọng xây dựng pháp luật về cán bộ, công chức, rõ ràng, chặt chẽ, chuyển dần sang mô hình việc làm đối với đội ngũ cán bộ công chức, lương của cán bộ, công chức cần phải dựa trên hiệu quả, khối lượng và độ khó của công việc để trả lương cho phù hợp, khuyến khích được người tài. Tạo sức cạnh tranh trong việc tuyển chọn cán bộ, công chức vào các vị trí làm việc, cơ chế bầu cử rộng rãi hơn để tuyển chọn được người có đủ khả năng vào làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội.
Hai là: Tăng cường đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí trong hoạt động tuyển dụng, bố trí, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức ở tất cả mọi cơ quan trong hệ thống chính trị nước ta. Muốn đấu tranh phòng chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức thì phải có nhiều cơ quan cùng thực hiện, đồng bộ, hệ thống pháp luật phải logic, chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức các ngành các cấp, xử lý nghiêm đối với tình trạng tham nhũng, không có “khu vực cấm”, khu vực “nhạy cảm”, “việc nhạy cảm”, “vấn đề nhạy cảm”, để bỏ qua, phải đặt mọi hoạt động của cán bộ, công chức phải trong vòng pháp luật.
Ba là: Tăng cường sử dụng hệ thống phương tiện khoa học kỹ thuật vào hoạt động công vụ của các cơ quan, tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức. Áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật vào hoạt động công vụ một mặt là để nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, mặt khác là để kiềm tra năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị vào việc ứng dụng khoa học công nghệ cho sự phát triển.
Bốn là: Xây dựng cơ chế đào thải đội ngũ cán bộ, công chức, nhằm loại bỏ những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực làm việc, phai nhạt về đạo đức tư tưởng, tạo cơ hội cho những người có năng lực trách nhiệm và đạo đức vào thực thi công vụ trong hệ thống chính trị.
Năm là: Xây dựng hệ thống tiền lương cho phù hợp với từng công việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Có hệ thống tiền lương bảo đảm sự công bằng trong hoạt động công vụ, bảo đảm và khuyến khích cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm thực thi công vụ.
Đội ngũ cán bộ, công chức là vấn đề quyết định sự thành bại trong công cuộc đổi mới của đất nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong giai đoạn mới là yêu cầu khách quan toàn Đảng, toàn dân phải ra sức thực hiện mà Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra, đòi hỏi mỗi một cán bộ, công chức, viên chức phải đồng sức đồng lòng vung đắp cho cuộc cách mạng về đổi mới bước tới thành công.
Theo Nguyễn Thành Lê, Trường Chính trị Quảng Bình
|