Kết quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2022 

 

Tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 25/01/2022 theo dõi tình hình THPL năm 2022 trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện, đồng thời, chỉ đạo Sở Tư pháp - cơ quan tham mưu thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình THPL ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã kịp thời ban hành Kế hoạch và triển khai thực hiện trên các lĩnh vực thuộc phạm vi và địa bàn quản lý.

Về công tác kiểm tra, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và Quyết định kiểm tra công tác theo dõi tình hình THPL; việc THPL về xử lý vi phạm hành chính năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện kiểm tra công tác theo dõi tình hình THPL nói chung, tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành đối với: Trường Đại học Quảng Bình; UBND huyện Quàng Ninh (UBND các xã: Hải Ninh, Tân Ninh; UBND huyện Bố Trạch (UBND các xã, thị trấn: Đức Trạch, Hoàn Lão); Sở Tài nguyên và Môi trường.

Về công tác điều tra, khảo sát, Sở Tư pháp tổ chức khảo sát tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản của Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ bằng hình thức khảo sát qua phiếu.

Về xử lý kết quả theo dõi tình hình THPL, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành tập trung triển khai thi hành các văn bản pháp luật của Trung ương; tổng hợp những quy định vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, khó thi hành trên thực tế, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống, xã hội, để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung đối với 13 nhóm nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, các nội dung, hoạt động theo dõi tình hình THPL quy định còn chung chung, do đó khi xây dựng và thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình THPL tại một số ngành chưa sâu sát, cụ thể và thiếu chuyên sâu; các điều kiện bảo đảm cho công tác theo dõi THPL còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (biên chế được giao thực hiện nhiệm vụ theo dõi THPL chủ yếu là kiêm nhiệm, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là trong một số lĩnh vực đặc thù…). Các điều kiện đảm bảo cho công tác theo dõi THPL ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp, đời sống Nhân dân còn khó khăn mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế.

Trong năm 2022, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo đảm bảo tốt an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng tiêp tục tăng cường công tác kiêm tra việc chấp hành pháp luật trên một số lĩnh vực quản lý nhằm phát hiện kịp thời để chấn chỉnh những biểu hiện vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh và chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật thuộc địa bàn quản lý, qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện có hiệu quả 02 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, điều tra, khám phá 560 vụ phạm pháp, làm rõ 1.279 đối tượng.


Lực lượng chức năng đang tiến hành bắt giữ đối tượng Phạm Thị Quỳnh Trang, (SN 1998, trú tại TDP Diêm Thượng, phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới

(Chuyên án 119A, Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an tỉnh Quảng Bình)

Năm 2022, hoạt động của một số loại tội phạm, tệ nạn xã hội vẫn còn phức tạp; một số loại tội phạm ngày càng tinh vi, manh động, nhất là tội phạm về ma túy, công nghệ cao, hoạt động “tín dụng đen”, đánh bạc; tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng, sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn, cố ý gây thương tích gia tăng tại một số địa bàn. Bên cạnh đó, tình hình cháy, nổ, trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm.Tội xâm phạm TTXH: 284 vụ/463 đối tượng; tội đánh bạc: 267 vụ/1.104 đối tượng; tội phạm kinh tế, chức vụ: 224 vụ/189 đối tượng; tội phạm ma túy: 180 vụ/344 đối tượng; tội phạm môi trường: 08 vụ/07 đối tượng; tội phạm về pháo: 53 vụ/57 đối tượng; tình hình trật tự an toàn giao thông: xảy ra 107 vụ, chết 63 người, bị thương 82 người, thiệt hại tài sản 2,7 tỷ đồng. Trong năm 2022, Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 814 vụ án hình sự với 1.439 bị cáo, trong đó, đã giải quyết 724 vụ/1.269 bị cáo, chưa giải quyết 90 vụ/170 bị cáo. Vi phạm pháp luật hành chính xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, môi trường, giao thông, an ninh trật tự là các lĩnh vực nhạy cảm, thường xuyên phát sinh các mối quan hệ xã hội.

Trong năm 2022, không có tình trạng cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền hướng dẫn chưa chính xác hoặc thiếu thống nhất các quy định pháp luật; không có quyết định áp dụng pháp luật do cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền ban hành có vi phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Vi phạm của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực này xảy ra ít, chủ yếu trong lĩnh vực lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, do tình hình cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, đồng thời thói quen sử dụng hành lang nguồn nước của người dân đã hình thành từ lâu nên hiện nay tình hình vi phạm tại hành lang các sông, hồ vẫn còn xảy ra.

Thanh Minh (Ban Nội chính Tỉnh ủy)