TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHỦ NGHĨA QUAN LIÊU VÀ CHỐNG CHỦ NGHĨA QUAN LIÊU 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng của Người là một kho tàng lý luận vô giá, luôn có giá trị thời sự cho cách mạng Việt Nam. Một trong những tư tưởng nổi bật đó là về chủ nghĩa quan liêu và chống chủ nghĩa quan liêu.

Trong công cuộc đổi mới đất nước từ Đại hội VI, các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương đặt ra yêu cầu xã hội hơn lúc nào hết; đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu. Tư tưởng sâu sắc của Người về chủ nghĩa quan liêu và chống chủ nghĩa quan liêu chỉ dẫn, vạch đường cho chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp và lâu dài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cung căm ghét chủ nghĩa quan liêu, Người coi chủ nghĩa quan liêu là kẻ thù nguy hiểm của Nhân dân, là giặc nội xâm và cần phải tẩy sạch. Trong cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì, bền bỉ vạch trần tội ác, bộ mặt xấu xa của chủ nghĩa quan liêu, đồng thời Người còn nêu ra và xây dựng các biện pháp đấu tranh chủ nghĩa quan liêu, làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Người luôn tôn trọng Nhân dân và có niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh vô hạn của Nhân dân. Trong tâm trí của Người luôn luôn lấy dân làm gốc, dân là gốc của cách mạng, lực lượng của toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết và không có gì chiến thắng nổi; cách mạng là vì tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Người nói; “Ngày nay chúng ta xây dựng nước Việt nam dân chủ cộng hòa, nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” , “Dân chỉ bết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no mặc đủ”1[i]. Đối với dân, cán bộ và toàn bộ bộ máy cách mạng từ trên xuống dưới đều là đầy tớ cho dân chứ không phải để đè đầu Nhân dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của phong kiến, thực dân.

Chủ nghĩa quan liêu đi ngược lại tư tưởng và lợi ích của Nhân dân, nó thực sự nguy hại cho Nhân dân, cho Đảng và chính quyền nhà nước, Người chỉ rõ cho mọi người phải có trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu.

Chủ nghĩa quan liêu ra đời từ khi xuất hiện giai cấp, xuất hiện nhà nước, phát triển mạnh trong xã hội phong kiến và tư sản, sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa quan liêu gắn liền với việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, phụ thuộc vào điều kiện và trình độ phát triển, tổ chức bộ máy của mỗi quốc gia, nó không nhất thành, bất biến mà khả năng tự thay đổi tự thích nghi và mang sắc thái riêng với những điều kiện thay đổi của xã hội.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, khi quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, nền dân chủ được mở rộng và bảo đảm thực hiện, sở hữu xã hội chủ nghĩa được xác lập và phát triển, chế độ bóc lột bị tiêu diệt, không còn giai cấp thù địch, lợi ích của nhà nước, Nhân dân, tập thể đều thống nhất với nhau, mọi người đề có khả năng để phát triển về mọi mặt, sự thống nhất giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân được củng cố v.v…thì về nguyên tắc không có cơ sở cho chủ nghĩa quan liêu tồn tại và phát triển.

Trên thực tế chúng ta chưa có chủ nghĩa xã hội đích thực mà đang còn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay, chủ nghĩa quan liêu vẫn tồn tại và phổ biến, không chỉ là “tàn tích” mà chúng lại “tái sinh” trong xã hội xã hội chủ nghĩa hiện nay và chúng có những “mảnh đất” để “bám rễ”, “dâm cành”, sinh sôi nảy nở. Trình độ của lực lượng sản xuất, năng suất lao động thấp, người lao động bị tách khỏi sở hữu trên thực tế, khi quyền lực nhà nước xa rời đời sống Nhân dân và sự kiểm tra của toàn xã hội, quyền làm chủ của Nhân dân còn bị biến dạng và không được bảo đảm, cơ chế quản lý còn thô sơ và lỏng lẻo, pháp luật và pháp chế bị thu hẹp và xem thường, trình độ văn hóa cũng như trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và Nhân dân còn hạn chế.v.v…đó là cơ sở rất quan trọng để chủ nghĩa quan liêu tồn tại và phát triển, hiện diện trong xã hội.

Nói đến cơ sở tồn tại của nghĩa quan liêu ở nước ta hiện nay có phần xuất phát từ tàn dư của chế độ phong kiến, cuộc chiến tranh lâu dài và khốc liệt, từ nền sản xuất nhỏ, đại bộ phận dân cư nằm trong nền sản xuất nông nghiệp, nền văn hóa, khoa học kỹ thuật ở trình độ thấp.

Chủ tich Hồ Chí Minh đã chỉ ra những dấu hiệu của chúng như bộ máy nhà nước cồng kềnh, ngày càng phình to, xa rời thực tế, không nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi xây dựng, chung chung, đại khái, xa rời Nhân dân, sợ phê bình, thích dùng mệnh lệnh hành chính trong quản lý, thủ tục phiền hà, chuyên quyền độc đoán… Người cũng phân tích tác hại của chủ nghĩa quan liêu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhà nước và Nhân dân trong mỗi giai đoạn cụ thể.

Chủ nghĩa quan liêu là một căn bệnh xã hội nguy hiểm, nó tha hóa bộ máy nhà nước từ chỗ bộ máy nhà nước sinh ra để phục vụ Nhân dân, đầy tớ của Nhân dân biến thành bộ máy của những ông quan cách mạng, đứng trên Nhân dân, ở đâu có chủ nghĩa quan liêu phát triển thì quyền tự do, dân chủ của Nhân dân bị xâm phạm và đẩy lùi.

Trong bài thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “…Bệnh quan liêu dù cố ý hay không cũng là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến. Vì nó làm chậm trễ cuộc kháng chiến kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc phục gian khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần kiệm, liêm chính” 2[ii]

Ở đâu chủ nghĩa quan liêu phát triển, nạn tham nhũng, cửa quyền, tham ô, hối lộ, lãng phí, hủ hóa cán bộ v.v…Bởi lẽ, chủ nghĩa quan liêu là bạn đồng hành, là kẻ đồng hành và nuôi dưỡng các tệ nạn xã hội đó.

Bệnh quan liêu gắn liền với xã hội, việc tổ chức thực hiện quyền lực chính trị, chủ nghĩa quan liêu không chỉ ăn sâu, bám rễ trong bộ máy Nhà nước, nó lây sang các cơ quan Đảng, các tổ chức xã hội, làm xói mòn mối quan hệ giữa Đảng với dân, làm giảm vai trò, uy tín của Đảng, làm tha hóa đến đến các tổ chức cầm quyền, tha hóa bộ máy nhà nước, làm cho mối quan hệ sinh động giữa các tầng lớp, tổ chức Nhân dân, tổ chức trong Đảng, Nhà nước ngày càng trở nên nghèo nàn và xơ cứng và làm cho các tổ chức của mình, thờ ơ và xa lánh quần chúng Nhân dân.

Chủ nghĩa quan liêu đi ngược lại các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền, xem thường lợi ích sáng tạo và sức manh vô song của người dân, chúng xáo trộn làm biến dạng và kìm hãm những giá trị cao cả và sự phát triển nhân cách toàn diện của con người trong xã hội văn minh, chúng đẻ ra và nuôi dưỡng một tầng lớp xã hội đặc biệt - những người quan liêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra cái bản chất ở người mắc bệnh quan liêu: “Ở cương vị phụ trách thì tự cho mình có quyền hơn hết thẩy, định đoạt mọi việc; ở ngành nào, địa phương nào thì coi đó như là một giang sơn riêng, không biết đến lợi ích toàn cục. Họ coi thường những quyết định của tổ chức, họ là những “ông quan liêu” chỉ thích dùng mệnh lệnh đối với đồng chí và Nhân dân... Số người đó coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống Nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình…”3[iii] Người nhấn mạnh chủ nghĩa quan liêu là “tội ác” và chúng ta có trách nhiệm phải đấu tranh kiên quyết nhằm quyết sạch nó đi.

Theo chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ rằng, đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu là để thực hiện cần kiệm, liêm chính, để xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa, “để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”. Người cho rằng, vì chủ nghĩa quan liêu có hại cho dân, cho Đảng, cho Nhà nước, cho đoàn thể như vậy nên “mọi người có quyền và có nghĩa vụ phải chống”. Chủ nghĩa quan liêu là một hiện tượng xã hội có những cơ sở kinh tế, tư tưởng, chính trị, xã hội, tâm lý và văn hóa phức tạp, là “kẻ thù bên trong, nằm ngay trong các tổ chức của ta”, “ngấm ngầm ngăn cản”, “ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng” nên cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu không thể là công việc đơn giản, làm xong trong ngày một ngày hai mà là một cuộc cách mạng, thực sự lâu dài, đòi hỏi sự cố gắng bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và là một “nhiệm vụ quan trọng của mỗi người chúng ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra một tổng hợp các biện pháp hết sức cơ bản và cụ thể chống bệnh quan liêu chủ nghĩa. Trước hết và quan trọng nhất là thực hành dân chủ, tôn trọng và bảo đảm quyền làm chủ thực sự của Nhân dân, dân chủ là chiếc chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Người nói: “Quần chúng thực sự có quyền dân chủ và cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu thì chắc chắn ngăn ngừa được những tệ quan liêu, mệnh lệnh...”, “việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt” tôn trọng và phát huy trên thực tế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân mới có thể khắc phục được căn bản sự tách rời bộ máy Nhà nước với Nhân dân.

Năm 1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”4[iv]. Chủ nghĩa quan liêu đã lợi dụng sự thiếu kiểm tra từ phía xã hội, từ phía Nhân dân để biến những nhiệm vụ của Nhà nước thành những nhiệm vụ đem lợi ích của sự nghiệp phục tùng lợi ích cá nhân những người quan liêu và tầng lớp mình. Vì vậy chỉ có thể đẩy lùi được chủ nghĩa quan liêu khi thực hiện thường xuyên và nhất quán sự kiểm tra của Nhân dân và xã hội bàng mọi cách đẩy lùi sụ tha hóa, biến dạng của bộ máy quản lý, ngăn chặn hiện tượng chuyên quyền, độc đoán, giữ vững trật tự kỷ cương.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo đến việc phát triển kinh tế thực hiện công bằng xã hội. Tại hội nghị bàn về chỉnh huấn mùa xuân 1961, Người chỉ rõ: “Trong kháng chiến Đảng nêu khẩu hiệu: tất cả cho tiền tuyến, thì ngày nay, khẩu hiệu của chúng ta là: tất cả phục vụ sản xuất”5[v]. Cùng với phát triển sản xuất, Người luôn quan tâm việc quản lý kinh tế tài chính nếu quản lý không chặt chẽ thì công việc sẽ bị bế tắc, phải tăng cường việc quản lý từ trung ương đến địa phương. Người nhận thấy phương pháp quản lý kinh tế, tài chính của còn nhiều thiếu sót và lỏng lẻo nên cải tiến phương pháp quản lý là vô cùng quan trọng. Về thực hiện công bằng trong phân phối, Người nói câu nổi tiếng “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”. Sau này chúng ta phát triển tư tưởng đó lên một bước mới: công bằng xã hội.

Nhờ vào sự phát triển kinh tế, thay đổi cơ cấu kinh tế phương pháp quản lý mới theo hướng làm cho người lao động thực sự làm chủ tư liệu sản xuất và sản phẩm làm ra có giá trị quan trọng trong việc khắc phục tình trạng thiếu thốn trong quá trình cách mạng.

Đáng giá về bộ máy nhà nước Người đã nhận xét rằng: các bộ, các ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và ngày càng phình ra. Vì vậy mà sinh ra quan liêu, lãng phí. Bộ máy đó lại mắc bệnh giấy tờ, mệnh lệnh và xa rời quần chúng nên hiệu lực quản lý rất thấp, bệnh quan liêu trở nên trầm trọng. Do đó bộ máy cần phải được tinh giản và hoàn thiện bảo đảm sự quản lý thực hiện trên thực tế quyền lực Nhân dân, chịu sự kiểm tra và giám sát của Nhân dân, dân chủ hóa và công khai hóa, bộ máy gọn nhẹ với đội ngũ cán bộ tinh thông nghề nghiệp

Trình độ văn hóa của Nhân dân có vai trò hết sức quan trọng, ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Người đã kêu gọi chống “giặc dốt” và nhấn mạnh: “Mọi người Việt Nam phải hiểu hết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà...”. Khi sắp từ giã cõi đời, Người còn nhắc nhở trong di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”. Trình độ văn hóa thấp trong công cuộc xây dựng xã hội mới là một trở ngại to lớn, nó kìm hãm nhận thức và sáng tạo của Nhân dân trong việc chủ động xây dựng và quản lý xã hội mới. Chủ nghĩa quan liêu dựa vào tình trạng văn hóa thấp kém của Nhân dân để tồn tại và phát triển. Trình độ giáo dục và văn hóa chính trị, văn hóa pháp lý... của cán bộ và Nhân dân được nâng cao không ngừng là bảo đảm hiệu quả cho việc tham gia quản lý Nhà nước, kiểm tra hoạt động của bộ máy Nhà nước, ý thức trách nhiệm và trách nhiệm công dân, đấu tranh bảo vệ những nguyên tắc dân chủ và pháp chế của xã hội, những quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa quan liêu và đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu hiện đang chỉ đường cho chúng ta trong việc thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa quan liêu và chống chủ nghĩa quan liêu là cơ sở, tiền đề cho mọi cơ quan, tổ chức thấu hiểu và nhận diện và xây dựng các phương thức đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu trong thời đại mới.

 Nguyễn Thành Lê, Trường Chính trị Quảng Bình


[i] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4,NXB ST, Hà nội, 1984. Tr. 35-36

[ii] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. Tr. 266

[iii] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10,NXB ST, Hà nội, 1989. Tr. 22

[iv] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5,NXB ST, Hà nội, 1975. Tr. 156

[v] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9,NXB ST, Hà nội, 1989