Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường công tác thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật 

 Năm 2022, tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù vì lý do khách quan, một số đơn vị còn chậm triển khai nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra so với thời gian ghi trong kế hoạch thanh tra của Bộ được phê duyệt, chậm ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra; nhưng với sự nỗ lực đổi mới và quyết tâm nâng cao chất lượng thực thi công vụ, công tác thanh tra của Bộ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về khối lượng và hiệu quả thiết thực.

 Cụ thể, năm 2022, các đơn vị thuộc Bộ đã triển khai thực hiện 142 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 763 tổ chức; trong đó có 03 cuộc kiểm tra hành chính và 139 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 142 tổ chức với số tiền là 33.729 triệu đồng, tước quyền sử dụng 02 Giấy phép khai thác với thời hạn 05 tháng của 02 tổ chức.

 Ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trong đó, các đơn vị chức năng đã thực hiện 03 cuộc kiểm tra hành chính đối với 05 đơn vị thuộc Bộ, gồm: 01 cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; việc thực hiện pháp luật về thanh tra và pháp luật về PCTN; việc thực hiện công tác chuyển đổi mục đích đất lúa giai đoạn 2015-2021 tại Tổng cục Quản lý đất đai; 01 cuộc kiểm tra công tác giao khu vực biển và cấp giấy phép nhận chìm ở biển giai đoạn 15/7/2014 đến nay tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; 01 cuộc kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo từ năm 2020-2022 tại Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường và Cục Quản lý tài nguyên nước.

Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện 04 cuộc kiểm tra đối với 65 tổ chức thuộc lĩnh vực đất đai; 12 cuộc thanh tra, kiểm tra (có 04 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất) đối với 170 tổ chức thuộc lĩnh vực môi trường, ban hành 48 quyết định xử phạt hành chính với số tiền là 11.473 triệu đồng; Thực hiện 87 cuộc thanh tra, kiểm tra (có 71 cuộc kiểm tra đột xuất) đối với 282 tổ chức thuộc lĩnh vực khoáng sản, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 67 tổ chức với số tiền 13.556 triệu đồng; tước quyền sử dụng 02 Giấy phép khai thác với thời hạn 05 tháng của 02 tổ chức; thực hiện 07 cuộc thanh tra, kiểm tra (có 02 cuộc kiểm tra đột xuất) đối với 44 tổ chức thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, ban hành 27 quyết định xử phạt hành chính với số tiền là 8.700 triệu đồng; thực hiện 06 cuộc kiểm tra (có 01 cuộc kiểm tra đột xuất) đối với 06 tổ chức thuộc lĩnh vực biển và hải đảo; thực hiện 07 cuộc kiểm tra đối với 28 tổ chức thuộc lĩnh vực khí tượng thủy văn; 05 cuộc kiểm tra đối với 112 tổ chức thuộc lĩnh vực đo đạc và bản đồ; 01 cuộc kiểm tra đối với 03 tổ chức thuộc lĩnh vực biến đổi khí hậu; 03 cuộc kiểm tra đối với 03 tổ chức thuộc lĩnh vực viễn thám; thực hiện 04 cuộc thanh tra kết hợp đối với 12 tổ chức; 03 cuộc thanh tra trách nhiệm đối với 33 tổ chức.

Về công tác kiểm tra thường xuyên, thực hiện Văn bản số 52/BTNMT-TTr, ngày 05/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc chấp thuận kế hoạch kiểm tra năm 2022 của các đơn vị trực thuộc Bộ; các đơn vị đã triển khai đầy đủ các nội dung kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua kiểm tra phát hiện thấy một số sai sót trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, các đoàn kiểm tra đã hướng dẫn, đề nghị các cơ quan kịp thời khắc phục, sửa chữa.

Để thực hiện có hiệu quả khối lượng công việc lớn trên là do các đơn vị chức năng đã tiến hành khảo sát trước khi ban hành quyết định thành lập đoàn và kế hoạch thanh tra theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng và hướng dẫn của Thanh tra Bộ. Đồng thời, giữa Bộ và các địa phương đã có sự phối hợp tích cực trong triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, công tác phối hợp giữa Thanh tra Bộ và các đơn vị cũng được tăng cường.

Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng được thanh tra, đồng thời kiến nghị chấn chỉnh khắc phục các bất cập, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; hiệu quả và vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã được nâng lên, kết quả thanh tra đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi tham nhũng, lãng phí về tài nguyên và môi trường.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác thanh tra năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Thanh tra trách nhiệm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị trực thuộc Bộ. Thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực đối với các tổ chức quản lý hồ chứa thủy điện, thủy lợi và đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Tăng cường công tác thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua các phương tiện thông tin đại chúng và phản ánh của người dân, doanh nghiệp nhằm tạo ra một bước đột phá quan trọng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra./.

 

Theo ThanhtraVietNam.vn