LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG QUẢNG BÌNH - VÌ MỘT THỊ TRƯỜNG “SẠCH, AN TOÀN VÀ ỔN ĐỊNH” 

Năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từng bước phục hồi và có dấu hiệu phát triển tích cực, thị trường hàng hoá đa dạng, phong phú về chủng loại và mẫu mã, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Công tác cân đối cung cầu thị trường hàng hóa, bình ổn giá được quan tâm thực hiện tốt. Tuy nhiên, tình hình vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả mạo sở hữu trí tuệ; vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, lĩnh vực giá, đăng ký kinh doanh … vẫn còn xảy ra và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Công tác xử lý vi phạm hành chính đã được thực hiện nghiêm minh, đúng trình tự theo quy định pháp luật. Trong năm, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành 891 cuộc kiểm tra, phát hiện 529 vụ vi phạm, xử lý 521 vụ với 556 hành vi vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp, tiền bán hàng tịch thu, giá trị tang vật tịch thu chưa bán, giá trị tang vật tịch thu tiêu huỷ, buộc tiêu huỷ là 7.272.950.000 đồng.

Lực lượng Quản lý thị trường xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Một số kết quả nổi bật như: (1) Các Đội Quản lý thị trường đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Quảng Bình tiến hành đón dừng phương tiện vận tải để kiểm tra và phát hiện 41 vụ vi phạm. Số tiền xử phạt thu nộp ngân sách Nhà nước: 573.250.000 đồng, giá trị tang vật vi phạm bị tịch thu, tiêu hủy và trị giá hàng tạm giữ ước tính: 2,8 tỷ đồng. Chuyển giao cho cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Bố Trạch và Công an huyện Quảng Trạch 02 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; giá trị tang vật vi phạm được chuyển giao là trên 7,4 tỷ đồng. (2) Phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Quảng Bình kiểm tra 01 cơ sở kinh doanh, phát hiện 01 vụ vi phạm về 02 hành vi, phạt tiền 28 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy tang vật vi phạm gồm 78 lọ nước hoa không rõ xuất xứ và 73 hộp mỹ phẩm các loại do Hàn Quốc sản xuất, với tổng giá trị trên 42 triệu đồng. (3) Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Đội Hình sự - Kinh tế - Ma túy Công an huyện Minh Hóa kiểm tra 01 vụ việc, phát hiện cơ sở kinh doanh tàng trữ 02 cá thể Tê Tê đã chết, nuôi nhốt 06 cá thể Cầy vòi hương, 03 cá thể Rùa. Kết quả: đã xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật với số tiền phạt: 10 triệu đồng; tịch thu 06 cá thể Cầy vòi hương, 03 cá thể Rùa để thả về với môi trường tự nhiên trong lâm phần rừng tự nhiên VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; chuyển Viện kiểm sát khởi tố hình sự về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” đối với 02 cá thể Tê Tê đã chết. (4) Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) kiểm tra 01 vụ, phát hiện tang vật gồm 2.094 chai rượu các loại do nước ngoài sản xuất. Trị giá tang vật tạm giữ ước tính: 1 tỷ đồng. (5) Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô đầu kéo kéo theo rơ moóc, đầu kéo biển kiểm soát số 86H-4139, rơ moóc biển kiểm soát số 51R-003.06 do ông Nguyễn Xuân Lộc có địa chỉ tại Khu phố 2, phường Đức Long, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận điều khiển. Kết quả kiểm tra phát hiện số tang vật gồm: 2.520 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng, 2.314 đơn vị sản phẩm dược phẩm, 9.809 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm và 19.000 đơn vị sản phẩm trang thiết bị y tế có xuất xứ và sản xuất tại Thái Lan, Đức, Ý, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Hàn Quốc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa ngay tại thời điểm kiểm tra. 

Lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm đếm hàng hóa vi phạm

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện trên một số lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc lá, mũ bảo hiểm triển khai chưa đạt hiệu quả; một số Đội đánh giá, dự báo diễn biến thị trường chưa sâu sát nên việc tham mưu, đề xuất xử lý kết quả chưa cao; việc thu thập chứng cứ, dấu hiệu vi phạm, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động thương mại điện tử còn khó khăn, khó tiếp cận với sản phẩm thực tế, khó xác định địa điểm kinh doanh cũng như nơi cất giấu hàng hóa…

Dự báo năm 2023, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi, đặc biệt là đối với các mặt hàng có lợi nhuận cao như thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung, đồ điện tử đã qua sử dụng…Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, xu hướng kinh doanh thông qua thương mại điện tử ngày càng phát triển, các đối tượng dễ dàng lợi dụng và tận dụng tối đa tiện ích của không gian mạng trên các website, các ứng dụng trên nền tảng số và mạng xã hội như Facebook, Zalo… để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Để công tác Quản lý thị trường đạt hiệu quả cao, góp phần bảo đảm ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, trước mắt là phục vụ Tết Nguyên đán đang đến gần, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình xác định sẽ thực hiện nghiêm túc các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; tham mưu có hiệu quả cho UBND tỉnh, Bộ Công Thương, Tổng cục Tổng cục Quản lý thị trường và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa phương. Triển khai thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Thường xuyên làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, diễn biến, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát, nắm bắt các đối tượng kinh doanh về phương thức, thủ đoạn, các địa điểm cất giấu hàng hóa là hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả để xây dựng phương án kiểm tra phù hợp. Xây dựng các cơ sở cung cấp thông tin chính xác, chủ động phối hợp với các Phòng Nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố - Công an tỉnh trong công tác đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. 

Tập trung chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường triển khai việc kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm theo chỉ đạo của cấp trên như: xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng, lĩnh vực thương mại điện tử, thuốc lá, đường cát; an toàn thực phẩm; hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;...

Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức công vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động công vụ; chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường.

 

Minh Hương (Phòng Nội chính)