Công tác định giá đất trong Dự thảo Luật đất đai mới góp phần phòng, chống tham nhũng tiêu cực và lãng phí 

Dự thảo Luật Đất đai hiện nay đang lấy ý kiến rộng rãi toàn dân. Về cơ bản, Dự thảo xây dựng bám sát tinh thần, chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nội dung dự thảo Luật Đất đai đã giải quyết cơ bản đầy đủ các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới, đáp ứng đúng mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết.

Công tác quản lý đất đai sau 09 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, khá chặt chẽ cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý và có hiệu quả. Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, nhiều chính sách, pháp luật liên quan quản lý, sử dụng đất đai đã bổ sung, thay đổi nên Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: Các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch sử dụng đất; nguồn lực về đất đai chưa thực sự phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của một số dự án chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhân dân với Nhà nước, những tồn tại trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về định giá đất và phương pháp định giá đất còn nhiều bất cập.

  

Hội thảo lấy ý kiển dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì (nguồn: Sưu tầm)

Thời gian qua, khung giá đất trên địa bàn tỉnh không theo kịp biến động giá đất trong thực tế, điều chỉnh chưa kịp thời, biên độ quá rộng, khung giá đất ban hành thấp hơn so với thị trường, dẫn đến các địa phương, đơn vị khó khăn khi áp dụng. Do đó, việc bỏ khung giá đất nhằm hoàn thiện cơ chế định giá đất, trao quyền chủ động cho các địa phương ban hành bảng giá đất phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, các phương pháp định giá đất để đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế; chưa xử lý tình trạng chênh lệch giá đất giáp ranh giữa các huyện, thành phố, thị xã; chưa có chế tài mạnh để xử lý hành vi sai phạm trong xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất; quy trình định giá đất cụ thể, thẩm định giá đất chưa bảo đảm tính khách quan để quyết định giá đất theo cơ chế thị trường.
Dự thảo Luật đất đai mới đã thể chế hoá chủ trương bỏ khung giá đất, ưu tiên việc xác định giá đất theo nguyên tắc chuyển dịch tự nguyện theo thể chế kinh tế thị trường. Đây được coi là một quy phạm mang tính đột phá, nếu thi hành một cách nghiêm túc và khoa học thì sẽ là công cụ hữu hiệu để xoá bỏ khoảng cách vô hình giữa giá trị thực, giá trị ảo và các biến động giả tạo, tăng giảm không tuân theo quy luật cung cầu, góp phần ngăn chặn các hành vi đầu cơ, trục lợi làm mất cân bằng về lợi ích của các đối tượng sử dụng đất khi thiểu số các nhà đầu tư vung tiền thâu tóm đất giá rẻ rồi “ém hàng” chờ cơ hội tăng giá để mua đi, bán lại dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai hoặc dùng thủ đoạn thổi giá khiến giá bất động sản tăng cao nhưng không tạo ra giá trị thực cho nền kinh tế. Để hiện thực hóa chủ trương này, dự thảo Luật đã trao quyền và định vị vai trò cho UBND cấp tỉnh được chủ động xây dựng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động dựa trên giá trị thực tế của từng địa phương và trình HĐND cùng cấp thông qua để công bố công khai vào ngày 01/01 hàng năm thay vì phụ thuộc vào mức giá trần, giá sàn mà Chính phủ sẽ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất như quy định của Luật Đất đai hiện hành. Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa đổi quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất, thẩm định giá đất. Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt và xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần đảm bảo thông tin minh bạch và khách quan của thị trường tài chính về đất đai.
Như vậy, nếu Luật Đất đai mới được thông qua, công tác định giá đất thay đổi, bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc, theo thể chế kinh tế thị trường, ngăn chặn các hành vi đầu cơ, trục lợi, góp phần tích cực trong việc phòng, chống tham nhũng tiêu cực và tránh lãng phí về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội của các địa phương và cả nước trong thời gian tới./.

 

Lê Văn Mạnh, Phòng TDCT PCTN