Một số giải pháp phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước 

 Vấn đề phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên những tồn tại, hạn chế nhất định trong khu vực này cần thiết phải có những giải pháp vừa cấp bách trước mắt vừa căn cơ lâu dài để xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức ngoài nhà nước – nói không với tham nhũng.

 Theo Điều 2, Luật Phòng, chống tham nhũng, các hành vi tham nhũng được quy định: Thứ nhất, các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Thứ hai, các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Trên thực tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương chú trọng tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước; đồng thời tuyên truyền, tập huấn cho các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, công ty đại chúng, các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán…về các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, rửa tiền và taì trợ khủng bố; tăng cường quản lý trong việc cấp phép các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ…

Doanh nghiệp chủ động công bố thông tin, phối hợp với các cơ quan báo chí minh bạch các hoạt động của mình là một giải pháp phòng, ngừa tham nhũng (nếu có) ở các quy trình, hoạt động của mình. Ảnh: Tràng An 

Theo TS. Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 25 đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ và 40 đoàn kiểm tra đột xuất về hoạt động chào bán, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu, chào mua công khai, việc thực hiện nghĩa vụ công ty đại chúng, tổ chức niêm yết…việc tuân thủ quy định quy định pháp luật chứng khoán đối với các công ty. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC và các công ty có liên quan; Khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và tổ chức, cá nhân liên quan…

“Qua hoạt động trên, góp phần phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực tại doanh nghiệp và khu vực ngoài nhà nước”,  TS Hà nhấn mạnh.

Để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng bộ các nguyên tắc cơ bản về: Công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

Trong đó, nội dung công khai, minh bạch bao gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, thành viên; chế độ lương, thưởng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các chế độ phúc lợi xã hội khác; quy tắc ứng xử, điều lệ doanh nghiệp, tổ chức; công tác tổ chức, bố trí nhân sự và các nội dung khác phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện còn phải công khai, minh bạch các nội dung về: Quy chế huy động, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện; quyền lợi và nghĩa vụ của người đóng góp, người được hưởng lợi; mục đích huy động các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện; đối tượng, hình thức và mức huy động các khoản đóng góp; kết quả huy động, bao gồm: danh sách các đối tượng đóng góp, tài trợ, hình thức và mức đóng góp, tài trợ của từng đối tượng; kết quả quản lý, sử dụng các khoản huy động vào mục đích từ thiện.

Ngoài các nội dung về kiểm soát xung đột lợi ích thì việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cần chú ý cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý. Đồng thời, quy định hình thức xử lý trách nhiệm, các trường hợp được xem xét loại trừ, miễn, giảm hoặc bị tăng nặng trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý. Tiếp đó, quy định trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý…

Thực tế từ kinh nghiệm thực tiễn từ các tỉnh, thành phố có tập trung nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước cho thấy, cần phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. UBND cấp tỉnh cần ban hành các văn bản chỉ đạo có liên quan về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng, triển khai nội dung để phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong đó, chú trọng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng ( thực hiện nghiêm quy tắc đào đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh); cũng như quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ; việc thực hiện các biện pháp công khai minh bạch, kiểm soát xung đột lợi ích. Kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo quy định. Đồng thời, kiến nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các tổ chức thành viên thực hiện và chỉ đạo thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các cấp trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, thực hiện các giải pháp nhằm phát huy vai trò của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, giám sát việc thực hiện quy định về phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, cần áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc tiếp nhận phản ánh những thông tin về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước qua các hình thức tổng đài góp ý online, góp ý qua đường dây nóng được UBND các cấp công khai hay các ứng dụng khác để tạo ra các kênh thông tin hữu ích để các cơ quan có trách nhiệm lắng nghe, kịp thời xử lý, phản hồi các ý kiến phản ánh của công dân, tổ chức đối với hoạt động của doanh nghiệp ngoài nhà nước…

Có như vậy, mới từng bước đem lại hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước. Xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức ngoài nhà nước./.

Theo ThanhtraVietNam.vn