GÓP PHẦN NĂNG CAO NHẬN THỨC CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG 

 Tham nhũng không phải là hiện tượng mới xuất hiện. Nó ra đời và gắn liền với sự tồn tại, phát triển của nhà nước. Tham nhũng đang hiện diện ở mọi quốc gia không phân biệt sắc tộc, văn hóa và chế độ xã hội. Tuy nhiên, tính chất, mức độ, loại hình tham nhũng ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực là khác nhau và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, chế độ chính trị.

Tại kỳ họp thứ 6, khóa XIV, ngày 20/11/2018, Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua (công bố ngày 04/12/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019) quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”[1]. Với quan niệm này tham nhũng có ba đặc trưng cơ bản: thứ nhất, chủ thể tham nhũng phải là những người có chức vụ, quyền hạn và theo luật hiện hành đó là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Thứ hai, chủ thể tham nhũng có hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” được giao để tham nhũng. Chức vụ, quyền hạn được xem như là một phương tiện để chủ thể thực hiện hành vi tìm kiếm lợi ích không chính đáng. Thứ ba, mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Vụ lợi ở đây được hiểu là lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng mà người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Như vậy, hành vi tham nhũng phải có đầy đủ ba yếu tố: người có chức vụ, quyền hạn; lợi dụng chức vụ, quyền hạn và có mục đích vụ lợi.

PCTN không phải là công việc riêng của Đảng. Cuộc chiến này chỉ có thể thành công khi tạo ra được sự đồng tình, ủng hộ và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội mà trước hết chính là nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, của những người có chức vụ, quyền hạn. Vậy nên, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN được chú trọng, vai trò của báo chí được phát huy, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động cho cán bộ và Nhân dân, nhất là giúp cho đội ngũ cán bộ có quy tắc ứng xử chuẩn mực trong công tác đấu tranh PCTN. Cấp ủy các cấp đã chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN gắn với việc triển khai thực hiện các Chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương IV, những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý...

Một số vấn đề đặt ra…

Phải khẳng định rằng, công tác PCTN thời gian qua đã thu được những kết quả tốt, song đây vẫn là một cuộc chiến cam go, phức tạp và lâu dài. Để góp một phần nhỏ vào công tác PCTN trong thời gian tới, tác giả bài viết xin nêu ra một số ý kiến góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về quy tắc ứng xử trong công tác PCTN thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại các văn kiện của Đảng, nhất là sáu giải pháp tại Nghị quyết Trung ương V khóa XI. Những nhiệm vụ, giải pháp này đã được Đảng, Nhà nước ta xác định, kế thừa và hoàn thiện cho phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn. Đây là những định hướng lớn cho công tác PCTN trên phạm vi toàn quốc. Trên cơ sở định hướng chung đó, gắn với thực tiễn công tác PCTN thời gian qua ở địa phương, đơn vị để đưa ra các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm thực hiện một cách thực chất quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, đơn vị mình. Để thực hiện điều này, thiết nghĩ nên:

- Trên cơ sở quy định chung, cụ thể hóa vào quy định nội bộ (nội quy, quy chế) của cơ quan, đơn vị; trong đó, cần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tại đơn vị.

- Không chỉ gắn công tác PCTN với công tác cán bộ, mà cần phải nhấn mạnh yếu tố xử lý nghiêm minh, kịp thời, dù là lỗi nhỏ. Việc xử lý cán bộ cần thực sự đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, không có vùng cấm, không loại trừ ai.

- Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chi bộ, ủy ban kiểm tra trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên.

- Cụ thể hóa quyền hạn, trách nhiệm để phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, đoàn thể trong PCTN.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức; có cơ chế đảm bảo thực hiện nói đi đôi với làm trong cán bộ, công chức, viên chức.

 

Ảnh: (Internet)

 

Thứ hai, đường lối, quyết tâm chính trị về PCTN của Đảng là đúng đắn, phù hợp và kịp thời, song thời gian tới cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; có cơ chế cụ thể ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời, xử lý nghiêm, kịp thời cán bộ, công chức, viên chức là người đứng đầu tham nhũng, bao che tham nhũng, thực hiện không hiệu quả cuộc đấu tranh PCTN thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

Thứ ba, cần nâng cao nhận thức và hành động cụ thể của cán bộ, công chức, viên chức trong PCTN; cần phải phê phán, xử lý cả tình trạng cán bộ, công chức, viên chức còn ngần ngại, chùn bước trong đấu tranh PCTN.

Thứ tư, vấn đề minh bạch trong kê khai tài sản thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức, những người có chức vụ trong các cơ quan nhà nước vẫn có nơi chưa thực sự hiệu quả nên việc thu hồi tài sản tham nhũng đối với một số trường hợp trong thời gian qua là hết sức khó khăn, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Do vậy, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của các cơ quan, đơn vị có chức năng, thẩm quyền trong kiểm soát việc kê khai không trung thực; trong  kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Tin rằng, với quan điểm chính trị đúng đắn, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là với sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, tin tưởng rằng công cuộc đấu tranh PCTN của chúng ta sẽ gặt hái nhiều kết quả vượt bậc hơn nữa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình phát triển của Việt Nam, tạo một vị thế mới cho Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Nguyễn Thị Trà Giang

                                                                    Trường Chính trị Quảng Bình


[1] Khoản 1, Điều 3, Luật Phòng chống tham nhũng  năm  2018