Một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW 

Năm 2022, hoạt động tư pháp và công tác cải cách tư pháp ở tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp ngày càng được nâng lên. Không có trường hợp phê chuẩn khởi tố oan, sai, bắt, tạm giữ, tạm giam thiếu căn cứ hoặc đình chỉ do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc Tòa tuyên không phạm tội. Công tác xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được nâng cao.

Trong năm, lực lượng Công an tiếp nhận, giải quyết 780 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố (tiếp nhận mới 696 tin, kỳ trước chuyển qua 61 tin, phục hồi 23 tin), đã giải quyết 707 tin. Cơ quan Điều tra Công an các cấp đã thụ lý điều tra 924 vụ án, 1.564 bị can; bắt 798 đối tượng các loại phục vụ công tác điều tra, xử lý. Công tác bắt, giam giữ, điều tra xử lý tội phạm bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không xảy ra oan, sai, bức cung, nhục hình. Chất lượng điều tra, khám phá án được nâng lên.

Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tiếp tục xác định nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, xuyên suốt quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự. Kiểm sát chặt chẽ các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ngay từ khi tiếp nhận, thụ lý. Thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong điều tra vụ án hình sự, gắn công tố với hoạt động điều tra, không để xảy ra trường hợp đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội, hoặc đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can không đúng quy định của pháp luật. Đã giải quyết 752 tin báo, đạt tỷ lệ 95,5%. Kiểm sát điều tra 877 vụ/1.527 bị can; đã giải quyết 701 vụ/1.217 bị can (đạt 79,9%). Kiểm sát trong giai đoạn truy tố 638 vụ/1.184 bị can (tăng 49 vụ so với năm 2021); đã giải quyết 631 vụ/1.161 bị can (đạt tỷ lệ 98,9%). Thụ lý kiểm sát xét xử sơ thẩm 779 vụ/1.428 bị cáo; đã giải quyết 653 vụ/1.212 bị cáo. Kiểm sát xét xử án phúc thẩm 146 vụ/198 bị cáo, đã giải quyết 137 vụ/186 bị cáo.

Tòa án nhân dân hai cấp đã giải quyết, xét xử 2.574/3.329 vụ, việc các loại, đạt tỷ lệ 77,32%. Số vụ án còn lại chưa giải quyết hầu hết là mới thụ lý, đang trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Chất lượng xét xử nhìn chung đảm bảo, tỷ lệ án bị cải sửa, bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán chiếm tỷ lệ 1,34% (Nghị quyết Quốc hội đề ra không quá 1,5%). Tổ chức 14 phiên tòa xét xử lưu động; 54 phiên tòa rút kinh nghiệm. Công tác hòa giải, đối thoại tiếp tục được chú trọng và thực hiện có hiệu quả (tỉ lệ hòa giải thành 46,7%). Đã khắc phục được tình trạng xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp, khiếu kiện hành chính, thời hiệu khởi kiện, tư cách tố tụng của đương sự... là nguyên nhân chủ yếu của cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy án, sửa án.

Các tổ chức bổ trợ tư pháp hoạt động ngày càng có hiệu quả, thể hiện vai trò tích cực. Đoàn Luật sư tỉnh đã kết nạp thêm 1 luật sư trẻ, phát triển thêm 1 công ty luật, chi nhánh Văn phòng luật sư tại huyện Quảng Ninh. Các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 121 việc (43 việc tham gia tố tụng, 60 việc tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác và 18 việc trợ giúp pháp lý miễn phí); thực hiện chỉ định bào chữa theo yêu cầu của các cơ quan tố tụng cho 49 bị can, bị cáo.

Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 14 thủ tục hành chính; kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ giúp các tổ chức hành nghề công chứng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động hành nghề; trả lời các phản ánh, kiến nghị của công dân liên quan đến việc công chứng. Các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 55.032 việc công chứng, tăng 24,04% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số phí công chứng thu được trên 27,1 tỷ, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2021. Các tổ chức giám định thực hiện được 1.824 vụ việc, trong đó giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng 1.384 vụ việc, giám định theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân khác là 440 vụ việc.

Các tổ chức bổ trợ tư pháp hoạt động ngày càng có hiệu quả, thể hiện vai trò tích cực, công tác luật sư có nhiều đổi mới. Cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan dân cử các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp. 

Cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan dân cử các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của các cơ quan tư pháp tiếp tục được quan tâm đầu tư, hỗ trợ.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, các tổ chức bổ trợ tư pháp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh

Năm 2023 và thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp sau:

Xây dựng Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 28/11/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đồng thời nghiên cứu, có kế hoạch tuyên truyền những điểm mới về chủ trương cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Với việc xác định xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá trong cải cách tư pháp thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án và chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; tổng kết thực tiễn công tác xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, góp phần phát triển án lệ; tăng cường phối hợp trong công tác xét xử để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của Thông tư liên tịch số 01/2021-TTLT-BCA-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 của liên ngành Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong lĩnh vực thi hành án dân sự: Giải quyết dứt điểm một số vụ việc tồn đọng, kéo dài, nhất là các vụ có giá trị tài sản lớn và các vụ phức tạp, cần phải thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế.

Đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp: Xây dựng Đề án phát triển các tổ chức hành nghề công chứng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Phát triển tổ chức Hội luật gia ở các xã, phường, thị trấn.

Để các hoạt động tư pháp được tiến hành thuận lợi, ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí cho các cơ quan tư pháp, tổ chức bổ trợ tư pháp; tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực cải cách tư pháp.

Năm 2023, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác giám định pháp y trong lĩnh vực tố tụng dân sự và tố tụng hình sự trên địa bàn tỉnh.

Thanh Minh