Kết quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2023 

Toàn tỉnh hiện có 171 công chức trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), gồm 04 công chức cấp tỉnh, 16 công chức cấp huyện, 151 công chức cấp xã; 55 công chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tham gia thực hiện PBGDPL; có 75 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 183 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.740 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; 1.217 tổ hòa giải với 8.154 hòa giải viên; 245 giáo viên giảng dạy môn GDCD, GDPL; 146 báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật nòng cốt về lĩnh vực tôn giáo tham gia PBGDPL, 04 tập huấn viên hòa giải ở cơ sở cấp tỉnh, 49 tập huấn viên hòa giải ở cơ sở cấp huyện. Đội ngũ thực hiện nhiệm vụ PBGDPL đã tích cực tham mưu lãnh đạo triển khai các hoạt động PBGDPL tại đơn vị, địa phương và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức 11.684 hội nghị, cuộc họp cho trên 1.200.000 lượt người; tổ chức 125 cuộc thi với 131.784 lượt người tham gia; in ấn, phát hành 331.119 tài liệu tuyên truyền, trong đó có 21.171 tài liệu đăng tải trên Internet. Đặc biệt, đã tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” với sự tham gia của 48.678 thí sinh tham gia. Chỉ đạo Sở Tư pháp lồng ghép tổ chức 16 hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ và Nhân dân ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; thực hiện 24 chuyên mục “Pháp luật và Đời sống” trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình và chuyên mục PBGDPL đăng trên Báo Quảng Bình; in ấn và cấp phát hơn 37.900 tài liệu tuyên truyền; đăng tải nhiều lượt tin, bài trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp; Facebook, Fanpage, Zalo: Phổ Biến Pháp Luật Quảng Bình; hàng tháng, cung cấp tài liệu tuyên truyền trên loa truyền thanh ở cơ sở.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho các đối tượng đặc thù. Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tổ chức 12 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ và Nhân dân các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức 590 hội nghị cho 62.264 lượt cán bộ, nhân dân vùng biên giới, cấp phát 2.968 tờ rơi pháp luật. Công an tỉnh tổ chức 50 hội nghị cho 500 đối tượng bị phạt tù được hưởng án treo và trên 150 đối tượng cải tạo không giam giữ trên địa bàn, tổ chức 200 buổi tuyên truyền PBGDPL cho thanh niên, trẻ em lang thang cơ nhở. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 12 lớp tập huấn, tuyên truyền công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và bình đẳng giới với 835 người tham gia.

Xét xử lưu động - một hình thức tuyên truyền, PBGDPL mang lại hiệu quả thết thực

Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 439/KH-UBND ngày 22/3/2022 thực hiện Đề án "Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025" năm 2022. Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở cho tập huấn viên hoà giải ở cơ sở cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức 10 lớp tập huấn/8 huyện, thị xã, thành phố cho 1.234 Tổ trưởng tổ hòa giải các huyện, thị xã, thành phố. Năm 2022, các tổ hòa giải đã thụ lý 794 vụ việc; hòa giải thành 608 vụ việc; hòa giải không thành 163 vụ việc; số vụ việc chưa giải quyết xong 23 vụ việc. Trong đó, hòa giải thành đạt tỷ lệ 79%, tăng 6,7% so với năm 2021.

Trong công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, các địa phương đã chú trọng hướng dẫn, tăng cường thực hiện các tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 143/151 xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỉ lệ 95%; có 08 xã tại 5 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Minh Hóa chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm tỷ lệ 5,0%).

Về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, khai thác TSPL theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2177/UBND-NC ngày 31/12/2019. Đến nay, toàn tỉnh có 107 tủ sách pháp luật tại xã đặc biệt khó khăn, tủ sách pháp luật của cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân; Tủ sách pháp luật cấp xã (không thuộc xã đặc biệt khó khăn) đã thực hiện sáp nhập thành bộ phận sách, tài liệu pháp luật của Thư viện, nhà văn hóa các thôn, bản, tiểu khu, Trung tâm học tập cộng đồng; tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị đã thực hiện lưu giữ, quản lý các sách, tài liệu pháp luật hiện có theo quy định về quản lý tài sản công.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 600 câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”; “Nông dân với pháp luật”. Chính quyền địa phương các cấp đã hối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thành lập các “Nhóm nòng cốt”, “Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”, “Khu dân cư điển hình chấp hành pháp luật”, câu lạc bộ “An toàn giao thông”, câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”… Các câu lạc bộ đã lựa chọn từng hình thức và nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng mô hình câu lạc bộ, từng thời điểm và phù hợp với từng đối tượng, địa bàn góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền ở cơ sở.

Thực hiện Kế hoạch số 1010/KH-UBND ngày 23/6/2022 về tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2022 và hướng dẫn thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ hướng dẫn và tình hình thực tiễn đã triển khai nhiều hoạt động phù hợp và có hiệu quả như: thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Ninh... UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2022 với sự tham gia của 140 đại biểu. Sở Tư pháp phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện phóng sự “Quảng Bình triển khai Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2022”.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các kế hoạch, chương trình hành động về nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, trọng tâm là Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư; Công văn số 1027-CV/TU ngày 27/10/2020 của Tỉnh ủy Quảng Bình về việc Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Từ đó, nâng cao hơn vai trò của lãnh đạo các đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ PBGDPL.

Nhân rộng những hình thức PBGDPL có hiệu quả đã thực hiện như tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các phiên tòa giả định, các phiên tòa xét xử lưu động, các hội thi, cuộc thi, qua hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là thông qua các Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; mạng xã hội; lựa chọn nội dung PBGDPL phù hợp với nhu cầu thực tế của cán bộ và Nhân dân, trong đó chú trọng tăng cường phổ biến các Bộ luật, Luật mới ban hành; các Luật, Bộ luật và các văn bản chuyên ngành trong các lĩnh vực; tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật theo Công văn số 2177/UBND-NC ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh.

Đẩy mạnh công tác PBGDPL đến cơ sở; chú trọng đối tượng đặc thù theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, đối tượng chính sách cần quan tâm trong xã hội, các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, khu công nghiệp, địa bàn có tỷ lệ vi phạm pháp luật và nguy cơ vi phạm pháp luật cao. Gắn công tác PBGDPL với công tác theo dõi, thi hành pháp luật.

Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; triển khai có hiệu quả nhiệm vụ chuẩn tiếp cận theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh.

Triển khai nội dung kế hoạch PBGDPL năm 2023, trong đó chú trọng thực hiện có hiệu quả các đề án trong công tác PBGDPL đang triển khai thực hiện: Các Đề án: “Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025”; “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản QPPL giai đoạn 2022-2027”; “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”; Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”; “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân”; “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn”.

Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó tập trung rà soát đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật bảo đảm gọn về số lượng nhưng nâng cao hơn về chất lượng. Quan tâm trang bị thêm cơ sở vật chất, phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện nhiệm vụ. Chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng đội ngũ làm công tác PBGDPL, trong đó đặc biệt chú trọng việc định hướng nội dung PBGDPL thường xuyên cho đội ngũ này.

Phát huy hơn nữa vai trò của các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác PBGDPL tại các ngành, đơn vị, địa phương. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực để triển khai có hiệu quả công tác này trên địa bàn toàn tỉnh.

Thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra và sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ PBGDPL, hòa giải ở cơ sở... tại các ngành, địa phương.

Thanh Minh