Văn hóa Trường Đảng - Những giá trị văn hóa tích cực nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” 

Trường Chính trị Quảng Bình là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ Quảng Bình, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 71 năm hình thành và phát triển, Trường Chính trị Quảng Bình luôn quan tâm đầu tư cho mọi hoạt động để đạt được kết quả tốt trên mọi lĩnh vực. Trong đó, xây dựng, thực hiện văn hóa trường Đảng là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. 

Văn hóa Trường Đảng là phạm trù văn hóa của các cơ quan đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Văn hóa trường Đảng là toàn bộ những giá trị mang tính chuẩn mực về tri thức, niềm tin, giá trị, thói quen, lý tưởng, truyền thống… được đội ngũ công chức, viên chức thừa nhận và làm theo nhằm: “Giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Trường Đảng: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử”. Vì vậy, đây là quá trình kế thừa, vun đắp, phát huy những giá trị của văn hóa Đảng trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trường chính trị ở các địa phương (gọi chung là trường Đảng) - những giá trị văn hóa tích cực tồn tại trong nhà trường, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để nhằm đưa nhà trường phát triển ổn định và đạt được mục đích giáo dục.

Từ đó, yêu cầu nhà trường phải chú trọng xây dựng Văn hóa Trường Đảng. Bỡi lẽ, văn hóa Trường Đảng không phải là một công sở có đầy đủ tiện nghi, vật dụng hiện đại, lại càng không phải là một trụ sở được xây dựng khang trang, nằm ở mặt tiền, vị trí đắt đỏ... mà chính là hành vi ứng xử phù hợp, hài hòa của người cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, cán bộ quản lý lớp, cán bộ phục vụ và học viên trong các mối tương tác, hỗ trợ, mà ở đó việc kiểm soát hành vi của các chủ thể bằng các chuẩn mực, thủ tục, quy trình, quy tắc, nội quy, quy chế, góp phần làm hạn chế tiêu cực, giúp công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt hiệu quả, chất lượng. Vì vậy, xây dựng văn hóa Trường Đảng là việc làm hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Trường trong thời kỳ mới.

Để làm được điều này, trước hết đội ngũ giảng viên  phải gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, tri thức chuyên môn, lối làm việc; trong đó, đạo đức là “linh hồn”, còn chuyên môn là “thể xác”. Phải ứng xử văn hóa với đồng nghiệp, học viên khi trò chuyện, giao tiếp, bàn bạc, trao đổi, phối hợp trong thực thi công vụ, nhiệm vụ và trong cuộc sống đời thường hằng ngày. Một người cư xử đúng mực, hành động cũng như lời nói của họ tạo nên sự thoải mái và nhã nhặn khiến người khác hài lòng, được yêu quý và tôn trọng. Ngược lại có thể gây ức chế, tạo tâm lý nặng nề, thậm chí là sự phản ứng mạnh mẽ.

Thứ hai, văn hóa ứng xử căn cứ vào vị trí, nhiệm vụ mà mỗi người đảm trách và mối quan hệ tương tác trong công việc.

Trong Trường Chính trị Quảng Bình hiện nay có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học; cán bộ quản lý lớp, cán bộ phục vụ và đội ngũ học viên. Vì vậy, cách ứng xử phải vừa phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, truyền thống, bản sắc dân tộc, có phong cách ứng xử chuẩn mực của người cán bộ, của người học viên trong công tác, trong học tập và làm việc; xây dựng môi trường làm việc, học tập chuyên nghiệp, dân chủ, văn minh, hiện đại, gương mẫu, khoa học và nhân văn. Chẳng hạn:

Đối với công việc: Giảng viên, chuyên viên cần có trách nhiệm, chủ động, sáng tạo; đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; không ngừng nghiên cứu học hỏi, tích lũy tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chịu trách nhiệm về lĩnh vực mà mình được phân công phụ trách.

Đối với cấp trên: Viên chức, cán bộ phải trung thực, khách quan trong báo cáo; chấp hành sự phân công của lãnh đạo, của tổ chức, của cấp trên; đề xuất, đóng góp ý kiến và tham mưu hiệu quả đối với lĩnh vực mình được phân công phụ trách.

Đối với cấp dưới: Phải bao dung, tôn trọng, gương mẫu về đạo đức lối sống; dân chủ, bình đẳng, không phân biệt đối xử; bố trí, sắp xếp, giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, giảng viên, chuyên viên của khoa, phòng mình phụ trách; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát công việc và đánh giá khách quan việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cấp dưới.

Trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các khoa, phòng: cần phối hợp một cách khoa học, chặt chẽ, đặt lợi ích chung lên hàng đầu, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khoa, phòng nào được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ thì khoa, phòng đó phải chủ động sắp xếp, gặp gỡ bàn bạc, trao đổi và thống nhất công việc với khoa, phòng phối hợp nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhà trường. 

Thực tế thời gian qua cho thấy, vẫn còn số ít giảng viên, chuyên viên, cán bộ công chức trong nhà trường chưa thể hiện đầy đủ, đúng đắn nhận thức về vai trò, trách nhiệm đối với vị trí công việc được giao, nên đã dẫn đến một số thắc mắc, khiếu nại, gây khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến chất lượng chung của nhà trường.

Tại điểm a, mục 3 của Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ có quy định: “Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền”. Theo Khổng Tử, xã hội loạn lạc do Danh - Thực rối loạn, dẫn đến xã hội xa rời đạo lý và nhân nghĩa. Ông cho rằng phải giáo hoá đạo đức và thực hiện chủ nghĩa “chính danh, định phận”. Chính danh là làm việc cho ngay thẳng; chính danh thì người nào có địa vị, bổn phận chính đáng của người ấy; danh không chính thì ngôn không thuận; ngôn không thuận thì việc không thành.

Vì vậy, từ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho đến viên chức, người lao động, ai cũng phải xác định đúng chức trách, nhiệm vụ, chức phận của mình, tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương, biết tôn trọng người phối hợp thực hiện nhiệm vụ, thẳng thắn bàn bạc, trao đổi và thống nhất công việc thì chắc chắn cơ quan, đơn vị ấy ít xáo trộn, ít chia rẽ, ít bè cánh và không mất đoàn kết nội bộ.

Thứ ba, ứng xử văn hóa trong trang phục hằng ngày, trong phát ngôn, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với học viên

Trang phục trong Trường Đảng đòi hỏi khắt khe hơn những nơi khác, là nơi thể hiện một phong thái lịch sự, trang nhã của người thầy giáo, cô giáo nên phải kín đáo, gọn gàng, thanh thoát, lịch lãm. Ở Trường Chính trị Quảng Bình, giảng viên nữ lên lớp là trang phục áo dài truyền thống, giảng viên nam là áo sơ mi trắng và quần tối màu, thắt cà vạt, đeo bảng tên sẽ khiến chúng ta tự tin trong giao tiếp, chiếm được thiện cảm của học viên.

Còn về phía học viên Trường Đảng, cần ăn mặc lịch sự, kín đáo, đeo bảng tên học viên để thể hiện sự tôn trọng bản thân, thầy cô giáo và những người xung quanh, ngoài yếu tố đẹp, còn phải mang đến sự thoải mái và tiện lợi khi đi học.

Ông bà ta có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” hay “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Học ăn, học nói, học gói, học mở”… đều đề cập đến văn hóa trong giao tiếp, ứng xử. Lời ăn tiếng nói trong cuộc sống là những gì rất giản dị như cơm ăn áo mặc hằng ngày. Nhưng nói làm sao cho hay, cho đẹp, có lễ nghĩa, có văn hóa là điều cần có sự rèn luyện và tu dưỡng của mỗi cá nhân. Hiện nay, ở nhà trường vẫn còn đâu đấy “sự dễ dãi” trong lời ăn tiếng nói, như: nói trống không, nói với âm lượng quá lớn, nóng nảy,... lẫn lộn/lồng ghép việc cá nhân với việc cơ quan, .... chưa thể hiện đúng chuẩn mực đạo đức dẫn đến vi phạm những quy tắc cơ bản thông thường trong giao tiếp ứng xử, làm cho mọi người không thiện cảm, không dám lại gần.

Cán bộ quản lý lớp, cán bộ phục vụ và học viên là những chủ thể không thể thiếu, có ảnh hưởng, tác động lẫn nhau theo hai chiều tích cực và tiêu cực trong văn hóa ở Trường Chính trị Quảng Bình hiện nay. Nếu không có đội ngũ giảng viên giỏi, cán bộ quản lý tốt, phục vụ chu đáo thì khó có được học viên giỏi, tốt; ngược lại, hành vi, thái độ của học viên sẽ tác động đến giảng viên, cán bộ quản lý, phục vụ, nhất là khi thầy thực hiện phương pháp giảng dạy tích cực, nâng cao chất lượng quản lý đào tạo, lấy người học làm trung tâm và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.

Học viên học ở Trường hiện nay đa số là người có chức vụ trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể; họ là người có năng lực, trình độ nhất định; có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác; một số học viên có học vị bằng hoặc cao hơn giảng viên; mục đích, thái độ học tập của học viên khác nhau; độ tuổi của học viên không đồng đều, một số học viên tuổi đời cao hơn giảng viên. Thực tế, có trường hợp học viên đi học “mang chức vụ công tác” vào trường, từ đó có thái độ không tôn trọng giảng viên... Ngược lại, cũng có trường hợp giảng viên, cán bộ quản lý lớp quát nạt, hạch sách học viên, lạnh lùng, xa cách, xem thường học viên...đây đều là những điều nên tránh.

Do vậy, để hướng đến xây dựng Trường chính trị Quảng Bình đạt chuẩn cần thực hiện nghiêm túc kỷ luật phát ngôn. Cán bộ, giảng viên Trường chính trị Quảng Bình trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp phải hòa nhã, lịch sự, không xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhau; phải biết nói cảm ơn, xin lỗi, chào hỏi, tôn trọng, học hỏi người giỏi, người trên, nhường nhịn và chỉ bảo người dưới. Với học viên phải lịch sự, đúng mực khi giao tiếp, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của học viên. Học viên với cán bộ nhà trường cũng phải lịch sử, tôn trọng, lễ độ và hợp tác theo tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND ngày 19/06/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Quy định về công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính sai sót, quá hạn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình 

Thứ tư, cần đề cao tự phê bình và phê bình trong nhà trường

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã nêu: “…Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”.

Do vậy, là cán bộ Trường Đảng nói chung và Trường Chính trị Quảng Bình nói riêng phải tuân thủ nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Mấu chốt của tự phê bình và phê bình là “phê bình việc, chứ không phê bình người” để giúp nhau tiến bộ; phê bình tránh tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, mượn phê bình để lấy lòng nhau; phê bình phải tôn trọng thực tế khách quan, công tâm, thẳng thắn, không nghi ngờ, vội vàng quy kết cho đồng chí, đồng nghiệp mình, đừng vì thích thì tốt, không thích và trái ý mình thì xấu, thì sai; phê bình phải công khai, tránh tình trạng trước mặt thì không nói nhưng lại soi mói sau lưng; phê bình cũng giống như chữa bệnh cứu người, cho nên phải chân thành, tế nhị, phải thân ái trên tinh thần đồng chí, đồng đội, người bị phê bình cũng thành khẩn nhận để có hướng khắc phục, sửa chữa. 

Tóm lại, “tăng tốc” xây dựng văn hóa Trường Đảng tại Trường Chính trị Quảng Bình là một trong những nội dung quan trọng để sớm trở đưa nhà trường trở thành trường đạt chuẩn. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi Lãnh đạo nhà trường cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện ra những hành vi của viên chức và người lao động có ứng xử chưa phù hợp để uốn nắn, giáo dục; kiên quyết xử lý, không đưa vào quy hoạch, loại ra khỏi quy hoạch hoặc có những biện pháp xử lý cứng rắn đối với những người chậm sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, có biểu hiện suy thoái, gây mâu thuẫn, chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ nhằm góp phần xây dựng Trường Chính trị Quảng Bình thành trường đạt chuẩn trong thời gian tới nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

 

Theo Ths. Nguyễn Thị Trà Giang, Trường Chính trị Quảng Bình