Giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 

 Thực hiện tốt việc chia sẻ và kết nối thông tin giữa các cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và là một giải pháp trong việc phát hiện và xử lý chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra doanh nghiệp, đồng thời phòng ngừa tham nhũng.

 Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính là 1 trong 10 chỉ số PCI cấp tỉnh

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố Báo cáo thường niên "Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh" (PCI) 2022.

Tốp 10 tỉnh/thành phố xếp đầu gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Long An. Trong khi đó, tốp cuối bảng xếp hạng có: Quảng Trị, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Điện Biên và Cao Bằng.

Việc công bố Báo cáo thường niên PCI 2022 các tỉnh là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho các tỉnh, thành phố cũng như các nhà hoạch định chính sách có thể xác định những ưu điểm, tồn tại trong điều hành kinh tế từ đó, tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất trong thời gian tới.

Chỉ số PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần, bao quát những lĩnh vực chính của điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố có liên quan tới sự phát triển của doanh nghiệp. Theo đó, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt; thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.

Lĩnh vực xuất nhập khẩu liên quan đến nhiều cấp, ngành đặt ra vấn đề cần tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Tràng An 

Một số giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp

Quá trình nghiên cứu về hoạt động thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp cho thấy, các đối tượng được thanh tra, nhất là doanh nghiệp cần phân biệt rõ hoạt động kiểm tra với thanh tra. Hoạt động kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với đối tượng, chịu sự quản lý về việc chấp hành pháp luật về quản lý trong các lĩnh vực, ngành. Hoạt động kiểm tra còn được thực hiện với kiểm tra nội bộ. Đây là hoạt động thường xuyên, trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cấp dưới, thuộc quyền quản lý.

Trong khi đó, hoạt động thanh tra theo hai hướng. Thứ nhất, hoạt động thanh tra hành chính tập trung vào giám sát, đánh giá hoạt động hành chính. Hoạt động thanh tra chuyên ngành chỉ tổ chức ở cấp có phạm vi quản lý nhà nước đủ lớn. Mục đích thanh tra để đánh giá việc tuân thủ chính sách pháp luật trong quản lý nhà nước ở cách ngành, lĩnh vực.

Theo các nhà nghiên cứu, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Không chỉ các cơ quan thanh tra cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật hiện hành đối với đối tượng thanh tra mà bản thân các doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn, phân biệt được rõ các hoạt động thanh tra, kiểm tra. Từ đó, có trao đổi với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra để phối hợp thực hiện tốt, đảm bảo “thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng” - 1 trong 10 tiêu chí thành phần của PCI cấp tỉnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, bên cạnh giải pháp về nhận thức nêu trên, thì nhóm giải pháp về hoàn thiện các quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Đi liền với đó cần tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định pháp luật, các nội dung nghị quyết, chỉ thị về hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần triển khai xây dựng tiêu chí quản lý rủi ro chấp hành pháp luật ở từng ngành, lĩnh vực. Khi đó, việc lựa chọn đối tượng để tiến hành thanh tra, kiểm tra không còn phụ thuộc vào đánh giá và ý muốn chủ quan của nhà quản lý mà dựa trên những căn cứ hiện đại, khoa học. Đặc biệt là đã bảo đảm được tính công khai, minh bạch, công bằng - những nguyên tắc vô cùng quan trọng trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm và đạo đức công vụ từ cấp lãnh đạo, chỉ đạo đến cấp thực thi trong việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật và các nghị quyết, chỉ thị về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, xử lý nghiêm vi phạm.

Đồng thời, thực hiện tốt việc chia sẻ và kết nối thông tin giữa các cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong việc phát hiện và xử lý chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra doanh nghiệp.

Tiếp đó, khắc phục ngay tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, cấp có thẩm quyền cần nhân rộng mô hình phối hợp trong xây dựng kế hoạch, rà soát phát hiện chồng chéo tốt ở địa phương như: Thanh tra tỉnh điều phối kế hoạch thanh tra, kiểm tra chung trên toàn tỉnh; xây dựng và thực hiện phần mềm phát hiện chồng chéo, tích hợp thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra của tất cả các cơ quan chức năng ở địa phương. Nhất là thực hiện nghiêm tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng “vặt” tại cơ sở…/.

 

 

Theo ThanhtraVietNam.vn