Ngăn ngừa trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế Bài 1: Chấn chỉnh hoạt động chuyển tuyến bệnh viện 

Đến ngày 31/5/2023, Quảng Bình có hơn 772.530 người có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT), đạt gần 85% dân số của tỉnh. Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân tăng đồng nghĩa với việc ngày càng có thêm nhiều người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như chia sẻ gánh nặng cho gia đình khi không may có người bị ốm đau. Có thể khẳng định, BHYT là chính sách có ý nghĩa an sinh quan trọng, nhằm bảo đảm sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số hành vi trục lợi nguồn quỹ tiết kiệm của người dân "đóng góp khi lành, để dành khi ốm". Vì vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn để bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong thực thi chính sách nhân văn này.

 Việc thông tuyến huyện BHYT từ ngày 1/1/2016 và thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh từ ngày 1/1/2021 đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tham gia BHYT trong khám, chữa bệnh (KCB) trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, một số phòng khám đa khoa ngoài công lập tại TP. Đồng Hới đã lợi dụng việc thông tuyến và đặc thù Quảng Bình không có bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã “vô tư” chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH), gây áp lực quá tải cho bệnh viện tuyến trung ương đóng trên địa bàn và nhiều hệ lụy khác cho các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh, tuyến huyện.
 
Thực tế báo động
 
Trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, mặc dù đã được Báo Quảng Bình phản ánh trong loạt bài viết liên quan đến việc phân thẻ BHYT KCB ban đầu tại các cơ sở y tế, nhưng các phòng khám tư nhân trên địa bàn TP. Đồng Hới vẫn phớt lờ cảnh báo “vô tư” chuyển bệnh nhân lên tuyến trung ương; trong khi đó, cơ sở vật chất cũng như năng lực của các bệnh viện tuyến huyện, các cơ sở chuyên khoa tuyến tỉnh luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân.
 
Điển hình trong tháng 1/2023, theo thống kê chi phí KCB BHYT trên Cổng giám định BHYT, số lượt người bệnh của các phòng khám đa khoa ngoài công lập chuyển đến KCB tại Bệnh viện HNVN-CBĐH tăng đột biến, gây áp lực lên hệ thống y tế tại đây.  
Trong đó, tỷ lệ chuyển tuyến cao nhất là Phòng khám đa khoa Trí Tâm, cụ thể: Trong tổng số 2.662 người bệnh đến KCB BHYT tại phòng khám này, có 1.061 người bệnh được chuyển tuyến đến KCB tại Bệnh viện HNVN-CBĐH, chiếm tỷ lệ 39,86%. Tiếp theo là Phòng khám đa khoa Bắc Lý, trong số 3.220 người bệnh đến KCB có 494 bệnh nhân chuyển tuyến và Phòng khám đa khoa Tân Phước An trong tổng số 701 bệnh nhân đến KCB có 111 bệnh nhân chuyển tuyến, tỷ lệ chuyển tuyến ở 2 phòng khám này là hơn 15%.
 
Số người bệnh chuyển tuyến chủ yếu đăng ký KCB ban đầu tại các bệnh viện tuyến huyện, tình trạng bệnh có thể điều trị tại bệnh viện tuyến huyện hoặc các cơ sở KCB chuyên khoa tuyến tỉnh, nhưng vẫn được các phòng khám chuyển đến KCB tại bệnh viện tuyến trung ương (bướu giáp, tiểu đường, sinh đẻ, viêm đa dây thần kinh, cao huyết áp, viêm da, hội chứng vai gáy, đục thủy tinh thể…). 
 
Bên cạnh đó, do việc chuyển tuyến dễ dàng tại các phòng khám tư nhân, nên đã diễn ra tình trạng nhiều người bệnh lợi dụng thông tuyến để vào các phòng khám này chủ yếu nhằm hợp thức hóa việc chuyển viện để được vào KCB tại Bệnh viện HNVN-CBĐH. Hiện tượng này gây tăng số người đến KCB tại bệnh viện tuyến trung ương và giảm số người đến KCB tại các bệnh viện tuyến huyện, cơ sở KCB chuyên khoa tuyến tỉnh. Đặc biệt, làm tăng chi phí KCB BHYT không cần thiết, gây lãng phí quỹ BHYT và tạo dư luận không tốt về việc thực hiện chuyển viện đối với một số phòng khám đa khoa ngoài công lập.
 
Bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Mỹ Trạch (Bố Trạch) chia sẻ, bà bị cao huyết áp đã lâu, sau những lần khám và điều trị tại bệnh viện huyện thì huyết áp đã ổn định, bà tự uống thuốc điều trị tại nhà. Những ngày vừa qua, thời tiết nắng nóng, bà thấy hơi mệt, kèm nhức đầu nên muốn vào Bệnh viện HNVN-CBĐH để khám và điều trị. “Nghe mọi người nói cứ đi xe buýt vào thẳng phòng khám tư ở Đồng Hới khám rồi xin chuyển tuyến vào Bệnh viện HNVN-CBĐH cho tiện. Và đúng là rất nhanh chóng và thuận tiện, chỉ trong vòng nửa buổi sáng tôi đã được nhập viện”, bà hoa bộc bạch. 
Trước khi chuyển tuyến trung ương, các phòng khám tư đã làm tất cả các xét nghiệm cận lâm sàng cho bệnh nhân.
Trước khi chuyển tuyến trung ương, các phòng khám tư đã làm tất cả các xét nghiệm cận lâm sàng cho bệnh nhân.
Giám đốc Bệnh viện HNVN-CBĐH bác sĩ Nguyễn Đức Cường trao đổi, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận lượng bệnh nhân chuyển tuyến từ các phòng khám tư nhân rất lớn. Có nhiều bệnh nhân tình trạng bệnh đơn giản, chỉ cần khám và điều trị tuyến dưới, nhưng vì việc chuyển tuyến dễ dàng nên nhiều người muốn lên tuyến trung ương để được điều trị tốt hơn. Trong quá trình tiếp nhận, có những trường hợp bệnh nhẹ, y bác sĩ tư vấn về tuyến dưới điều trị, nhưng đa phần bệnh nhân không đồng ý. Khi bệnh nhân nhập viện điều trị sẽ được khám và làm lại các xét nghiệm cận lâm sàng (trước khi chuyển tuyến các phòng khám tư cũng đã làm tất cả các xét nghiệm, chụp phim cho bệnh nhân). Như vậy, vô tình hay hữu ý việc khám và chuyển tuyến ồ ạt từ các phòng khám ngoài công lập đã góp phần gây lãng phí nguồn lực BHYT. 
 
“Nên chăng chỉ cho một số phòng khám đa khoa ngoài công lập có bố trí thường trực 24/24 giờ (tối thiểu 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng) được KCB BHYT và số thẻ BHYT KCB ban đầu cũng nên phân hạn chế lại để bảo đảm công bằng giữa các cơ sở y tế và tạo thuận tiện tối đa cho người tham gia BHYT”, Giám đốc Bệnh viện HNVN-CBĐH đề xuất.
 
Chấn chỉnh tình trạng chuyển tuyến của các cơ sở y tế tư nhân
 
Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Phạm Thanh Tùng cho biết, đã nhận được phản ánh từ cơ quan báo chí về việc chuyển tuyến người bệnh tại một số phòng khám đa khoa ngoài công lập có KCB BHYT trên địa bàn TP. Đồng Hới không tuân thủ theo quy định, cùng các ý kiến phản ánh của các bệnh viện tuyến huyện. Để khắc phục tình trạng này, BHXH tỉnh đã có văn bản yêu cầu các phòng khám BHYT kịp thời chấn chỉnh việc chỉ định chuyển viện KCB đúng quy định. 
Việc chuyển tuyến ồ ạt của các phòng khám đa khoa ngoài công lập đã gây không ít áp lực lên hoạt động KBCB tại Bệnh viện HNVN-CBĐH.
Việc chuyển tuyến ồ ạt của các phòng khám đa khoa ngoài công lập đã gây không ít áp lực lên hoạt động KCB tại Bệnh viện HNVN-CBĐH.
Trong đó, yêu cầu các phòng khám tập trung nâng cao chất lượng KCB; cung ứng đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế đủ khả năng đáp ứng việc KCB cho người tham gia BHYT và hạn chế thấp nhất việc chuyển viện, nhất là chuyển đến Bệnh viện HNVN-CBĐH.
 
Đối với người đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB khác ngoài phòng khám (như tại trạm y tế tuyến xã, bệnh viện tuyến huyện, các phòng khám đa khoa khác trên địa bàn TP. Đồng Hới) đến phòng khám để xin giấy chuyển viện, yêu cầu các phòng khám không được hợp thức hóa để chuyển tuyến cho người bệnh và yêu cầu người bệnh về nơi đăng ký KCB ban đầu để KCB theo quy định. 
 
Ông Phạm Thanh Tùng cho biết thêm, sau văn bản chấn chỉnh của BHXH tỉnh, hiện tình trạng chuyển tuyến tại các phòng khám đa khoa ngoài công lập đã được cải thiện, giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, về lâu dài, BHXH tỉnh sẽ xử lý kiên quyết những trường hợp chuyển tuyến sai quy định, chi phí phát sinh KCB BHYT sẽ không thuộc trách nhiệm thanh toán của quỹ BHYT. Những phòng khám có tỷ lệ chuyển tuyến cao, chất lượng KCB không đáp ứng yêu cầu, BHXH tỉnh sẽ xem xét và dừng hợp đồng KCB BHYT đã ký theo quy định.
 
Ngày 5/6/2023, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB), đặc biệt là các phòng khám đa khoa ngoài công lập có hợp đồng KCB BHYT tuyệt đối không được lợi dụng thông tuyến để hợp thức hóa chuyển viện vào KBCB tại Bệnh viện HNVN-CBĐH. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của phòng khám hoặc không thuộc chuyên khoa đã đăng ký KBCB BHYT thì tùy tình trạng người bệnh và khả năng chuyên môn của các cơ sở KBCB để tư vấn, giải thích và chuyển tuyến người bệnh đến KBCB tại bệnh viện tuyến huyện, thành phố nơi người bệnh cư trú hoặc đến các cơ sở KBCB chuyên khoa tuyến tỉnh để tiếp tục KBCB, không chuyển đến KBCB tại Bệnh viện HNVN-CBĐH khi các cơ sở KBCB chuyên khoa tuyến tỉnh và các bệnh viện tuyến huyện, thành phố đủ khả năng chuyên môn KBCB cho người bệnh.
Theo Báo Quảng Bình
 
Bài 2: “Loạn” khám sức khỏe