Phản bác luận điệu xuyên tạc “Chống tham nhũng bằng sách là sự thất bại của luật pháp ở Việt Nam hiện nay” khi cuốn sách chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đời 

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đời là sự khẳng định quyết tâm chính trị to lớn của Đảng đối với cuộc chiến chống giặc “nội xâm” vô cùng khó khăn, phức tạp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên khi tác phẩm ra đời, với góc nhìn phiến diện các thế lực thù địch, phản động đã cố tình xuyên tạc nhằm phủ nhận những giá trị to lớn và ý nghĩa quan trọng của cuốn sách. Đặc biệt, chúng cho rằng: “Chống tham nhũng bằng sách là sự thất bại của luật pháp ở Việt Nam hiện nay”. Đây là luận điệu hết sức nguy hiểm cần được nhận diện đúng đắn và phản bác kịp thời.

Thời gian qua, trên Đài Á Châu Tự do (RFA), với giọng điệu phản động hằn học, góc nhìn chủ quan và cố tình xuyên tạc, các đối tượng cộm cán chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam như Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Già, Vũ Minh Trí,... cho rằng: “Chống tham nhũng bằng sách là sự thất bại của luật pháp ở Việt Nam hiện nay”… Những luận điệu hoàn toàn mang tính cá nhân của các lực lượng thù địch, phản động mà không hề có một cơ sở khoa học và thực tiễn nào, dễ gây tâm lý hoài nghi, dao động, mất niềm tin, ảnh hưởng lớn đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nên chúng ta cần nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn và phản bác kịp thời những luận điệu này, cụ thể:

Thứ nhất, cần khẳng định rằng luật pháp Việt Nam chưa bao giờ thất bại trong chính sách phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng công tác xây dựng luật pháp, xem đó là công cụ hiệu nghiệm bậc nhất trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với sự nhận thức đúng đắn, không ngừng hoàn thiện và thực tế Việt Nam đã thành công trong xây dựng, thực thi luật pháp đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thể hiện qua các khía cạnh sau:

Một là, Việt Nam đã ban hành một hệ thống pháp luật chống tham nhũng, tiêu cực tương đối đầy đủ và chặt chẽ.

Như nhận định của thông tấn xã Việt Nam dẫn bài từ Đài Bắc Kinh: “Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật khá hoàn thiện trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Cường độ thi hành pháp luật sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả chống tham nhũng…” [1, trang 600]. Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, 2018; Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tham nhũng từ năm 2010 đến năm 2020; v.v…  đã tạo ra một cơ chế phòng, ngừa, phát hiện tham nhũng toàn diện và sâu rộng, mang tính phòng ngừa sớm trong xã hội, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội “nói không với tham nhũng”, “không thể tham nhũng”, giảm thiểu các nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc dễ dàng phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.

Đ/c Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương tại Hội nghị giới thiệu những nội dung cốt lõi của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” 

của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Quảng Bình

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới phòng, chống tham nhũng, như: Bộ luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật Đất đai và một số đạo luật khác đã được sửa đổi, bổ sung tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn cho việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, tại Khoản 2, Điều 8, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: "Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải... kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền". Có thể nói, đây là đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, vấn đề phòng, chống tham nhũng được ghi nhận vào Hiến pháp.

 

 

Hội nghị sơ kết 01 năm thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh điểm cầu Quảng Bình

 

Từ năm 2012 đến nay, Trung ương và các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng chỉnh đốn Đảng và phòng chống, tham nhũng. Quốc Hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh nghị quyết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn hơn 2.600 nghị quyết, cấp ủy trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản, các bộ ngành địa phương ban hành hơn 1.000 văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực [1, tr.121]. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tạo cơ sở pháp lý quan trọng, thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, khắc phục những sơ hở, bất cập trong các quy định của pháp luật.

 

Do vậy, ngay lời mở đầu trong cuốn sách của Tổng Bí thư đã khẳng định yếu tố tiên quyết trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay chính là không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật. “Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng tiêu cực để không thể tham nhũng…” [1, trang 11]. Ví dụ: Bộ Luật Hình sự 2005 đã bổ sung 04 tội danh về tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước. Luật Phòng, chống tham nhũng dành một chương riêng nói về hoạt động phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước. Chúng ta cũng đã phát hiện và xử lý một số vụ án lớn xảy ra ở khu vực ngoài nhà nước, điển hình như vụ án xảy ra ở Công ty Việt Á, tập đoàn FLC, … . Điều đó cho thấy, “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Vì vậy, trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, vừa có tác dụng cảnh báo, răn đe; vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng; được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ; được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Bà Akiko Fujii, Phó trưởng Ban đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo vấn Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng tại Hà Nội, ngày 27/3/2019: “Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc vào năm 2009; thông qua Bộ luật hình sự (sửa đổi năm 2017) bao gồm những thay đổi lớn trong chính sách xử lý hình sự đối với đối với các tội phạm về tham nhũng. Đặc biệt là những điểm mới trong Luật là việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực tư nhân. Tất cả những nỗ lực này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu 16 của Chương trình nghị sự 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững, trong đó giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức là một trong những chỉ số chính” [1, trang 601].

Hai là, pháp luật Việt Nam đã có những hình phạt nghiêm minh đối với những hành vi tham nhũng.

Trong phần II của cuốn sách: “Việt Nam hoàn thiện khung khổ pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, hành động phòng, chống tham nhũng, đưa ra ánh sáng nhiều vụ án tham nhũng quy mô lớn chưa từng có…” [1, trang 602]. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Uỷ viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng [1, tr.117].

Sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 và Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2019 theo hướng phát hiện sơ hở và kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách của thanh tra, kiểm toán là cơ sở để các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật. Từ năm 2012 đến nay, đã xử lý, thu hồi được hơn 975 nghìn tỉ đồng, gần 76 nghìn ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cho cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp [1.trang 118]…Trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...) [1. Tr.119 - 120].

Ba là, ban hành đầy đủ, rõ ràng  quy định về chính sách, chế độ đãi ngộ với đội ngũ cán bộ viên chức

Sự ra đời Luật Cán bộ Công chức 2008 và Luật Viên chức năm 2010 góp phần xây dựng chế độ hưởng thụ thỏa đáng, công bằng, rõ ràng và minh bạch, phòng ngừa chống tham nhũng, tiêu cực xây dựng đạo đức, văn hoá cho đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Đồng thời, chúng ta đã có 8 lần thay đổi mức lương cơ sở từ năm 1995 đến 2023 nhằm cải thiện thu nhập cũng như cuộc sống đảm bảo cho của cán bộ, công chức, viên chức yên tâm làm việc là một minh chứng cho sự hoàn thiện trong pháp luật của nhà nước ta.

Như vậy, trong thời gian quan những nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo Báo cáo gần đây nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế “Việt Nam đã tăng điểm trong bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) toàn cầu. Chỉ số CPI của Việt Nam trong năm 2021 là 39/ 100 điểm tăng 3 điểm so với 2020 ( 36/100 điểm), xếp thứ 87/ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ” [1, trang 602]. Những kết quả trên đã minh chứng pháp luật Việt Nam không hề thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, đạp tan luận điệu phản động của lực lượng thù địch.

Thứ hai, khi cuốn sách ra đời đã nhận được sự đón nhận, đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân cũng như chính khách quốc tế.

Với nội dung được kết cấu thành 03 phần rõ ràng, hơn 600 trang và gần 100 bức ảnh, được trình bày lại rất dung dị, chắt lọc, tổng kết thực tiễn chứng minh cụ thể, thuyết phục nên có sức lan tỏa rộng rãi tới các tầng lớp Nhân dân. Cuốn sách cũng đã trả lời đúng và trúng những vấn đề cán bộ, đảng viên, quần chúng, các chính khách, các học giả nước ngoài quan tâm. Cho nên ở Phần cuối của cuốn sách Tổng Bí thư đã khẳng định “Cứ hai người dân thì có một người tin rằng các biện pháp phòng, chống tham nhũng của Nhà nước có hiệu quả ( tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ năm 2016). Ngoài ra, số người tin rằng người dân có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng đã tăng đáng lể, từ 55 % năm 2016 lên 71% vào năm 2019…” [1, trang 602]. Ngoài ra cuốn sách ra đời đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam nên không phải nghiễm nhiên vì sao khi cuốn sách ra đời đã nhận được sự đón nhận, đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân như thế.

Sau khi cuốn sách ra đời, Trung ương đã ban hành Hướng dẫn triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về nội dung cuốn sách gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chú trọng liên hệ sâu sắc với thực tiễn của cơ quan, đơn vị, nêu cao vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong học tập, tuyên truyền, triển khai về nội dung của cuốn sách này và thực tế, cấp ủy, chính quyền các cấp, Nhân dân cả nước đã đồng tình hưởng ứng thực hiện.

Thứ ba, cuốn sách của Tổng Bí thư ra đời góp phần cũng cố niềm tin Nhân dân đối với Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng tiêu cực hiện nay.

Một trong những điểm mới, sáng tạo của cuốn sách là dành một phần tập hợp ý kiến, các bài của một số nhà khoa học, các học giả và quần chúng Nhân dân được đăng ở phần III góp phần thể hiện tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, mong muốn Đảng ta làm mạnh hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,“Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân. Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công. Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng…”[1, tr.21].

Thực tế đã chứng minh, càng đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bao nhiêu thì Nhân dân lại càng thêm ủng hộ, tin tưởng vào “thủ lĩnh chính trị” của mình bấy nhiêu. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng [6, truy cập ngày 15/2/2023]. Sự thật này khiến cho luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của thế lực xấu, thù địch trở nên trơ trẽn, nực cười.

Nếu như trước đây (trước năm 2012), công cuộc chống tham nhũng đã được khởi động, đến nay, ý Đảng đã hòa hợp với lòng dân, sức mạnh chống giặc, trừ gian của toàn Đảng, toàn dân được cộng lực, hun đúc, đã xóa bỏ mọi rào cản, băn khoăn, nghi ngờ để “Tiền hô, bá ứng, dọc ngang thông suốt, trên dưới một lòng, đồng tâm hiệp lực”. “Đốt lò không chỉ là một khẩu hiệu mà là một chính sách được suy nghĩ thấu đáo trong suốt hai thập kỷ của Việt Nam”.[1, trang 608].

Từ những luận cứ trên một lần nữa khẳng định rằng, chống tham nhũng bằng sách hoàn toàn không phải là sự thất bại của luật pháp ở Việt Nam hiện nay, mà đó là một trong những phương thức đấu tranh phản ánh đầy đủ, toàn diện, rõ nét về kết quả đấu tranh chống “giặc nội xâm” của toàn Đảng, toàn dân ta, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

 ThS. Trương Thị HoàiTrường Chính trị Quảng Bình