Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững 
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là “quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, dù gặp nhiều khó khăn nhưng “bức tranh” NTM trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã có những “gam màu sáng”. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng cao.
 
Bài 1: Nhiều khó khăn, trở ngại
 
Với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, cần có những giải pháp lâu dài để tháo gỡ.
 
Gặp khó với bộ tiêu chí mới
 
Không chỉ riêng các xã miền núi, rất nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quảng Ninh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong xây dựng NTM. Đặc biệt, khi triển khai chương trình xây dựng NTM theo bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, nhiều chỉ tiêu tăng thêm và yêu cầu cao hơn khiến các địa phương, nhất là các xã miền núi Trường Sơn, Trường Xuân gặp rất nhiều khó khăn.
 
Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Phạm Văn Quang cho biết, Trường Xuân là xã miền núi, xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, do đó, quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí NTM địa phương gặp phải nhiều trở ngại.
Tiêu chí giao thông gặp “khó” do tuyến đường chính trên địa bàn xã Trường Xuân bị xuống cấp.
Tiêu chí giao thông gặp “khó” do tuyến đường chính trên địa bàn xã Trường Xuân bị xuống cấp.
Ngay khi bắt tay vào xây dựng NTM, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung sức xây dựng NTM; lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; tập trung phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Với sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân và nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương, xã Trường Xuân đã đạt được 15/19 tiêu chí vào năm 2020. Những tưởng chặng đường về đích NTM của xã sẽ được rút ngắn nhưng đối chiếu theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025, nhiều tiêu chí đã “tụt hạng”.
 
Đến thời điểm hiện tại, xã chỉ mới đạt 11 tiêu chí, 8 tiêu chí chưa đạt, gồm: Giao thông, cơ sở vật chất văn hoá, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm.
 
Tiêu chí khó nhất ở Trường Xuân là nghèo đa chiều. Nguyên nhân được lý giải là do đời sống của người dân ở các thôn, bản còn khó khăn, nguồn thu nhập bấp bênh khiến nhiều hộ dân không thể thoát nghèo.
 
“Trước đây, cùng với những giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương và các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm đáng kể, có thời điểm giảm còn hơn 16%. Nhưng theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều hiện nay, Trường Xuân có 232 hộ, đạt tỷ lệ 28,64%. Với tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao như thế này thì chặng đường về đích NTM của xã còn rất gian nan”, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Phạm Văn Quang cho hay.
 
Là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện Quảng Ninh đạt chuẩn NTM (năm 2014), xã Lương Ninh tiếp tục củng cố, nâng chuẩn các tiêu chí đã đạt, đồng thời tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực nhằm xây dựng xã NTM nâng cao. 
Quá trình xây dựng NTM nâng cao ở nhiều địa phương khó khăn do một số tiêu chí chưa đạt.
Quá trình xây dựng NTM nâng cao ở nhiều địa phương khó khăn do một số tiêu chí chưa đạt.
Tuy nhiên, qua rà soát theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, Lương Ninh chỉ đạt 15/19 tiêu chí, còn 4 tiêu chí chưa đạt, gồm: Trường học, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Lương Ninh Lê Văn Tam, đối với tiêu chí trường học, bộ tiêu chí mới quy định tỷ lệ trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS) phải đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định. Hiện tại, trường mầm non và THCS đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trường tiểu học đang xây dựng kế hoạch kiểm tra lại đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
 
Đối với tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, xã Lương Ninh chưa đạt vì chưa có kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống gắn với hạ tầng về bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
 
Riêng tiêu chí môi trường theo bộ tiêu chí mới, cảnh quan, không gian xanh-sạch-đẹp, an toàn; không để xảy ra tồn đọng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung phải đạt 70% trở lên nhưng hiện tại Lương Ninh chỉ mới đạt 52,5%.
Thu nhập, nghèo đa chiều là những tiêu chí khó, đặc biệt là đối với các xã miền núi.
Thu nhập, nghèo đa chiều là những tiêu chí khó, đặc biệt là đối với các xã miền núi.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận, bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 có nhiều tiêu chí và chỉ tiêu tăng thêm so với giai đoạn 2016-2020. Chỉ tiêu mới cao hơn, khó hơn, khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong phấn đấu đạt xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Mặt khác, trước đây các xã được công nhận NTM, một số tiêu chí chỉ mới đạt qua ngưỡng quy định. Qua thời gian, số tiêu chí này thiếu nâng chất nên khi đối chiếu với quy định mới đã không còn bảo đảm; nhất là các tiêu chí về: Hình thức tổ chức sản xuất, y tế, môi trường, giáo dục…
 
Gỡ "nút thắt" xây dựng NTM nâng cao
 
Lương Ninh và Võ Ninh là 2 xã được huyện Quảng Ninh kỳ vọng sẽ hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này hai địa phương đang đối mặt với những tiêu chí khó khiến đích đến còn khá xa.
 
Chủ tịch UBND xã Lương Ninh Lê Văn Tam cho hay, theo bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, nội dung tiêu chí hỏa táng đạt 5% hoặc cao hơn thì mới được xét công nhận NTM nâng cao.
 
Để phấn đấu thực hiện được tiêu chí này trong giai đoạn hiện nay là rất khó bởi để thay đổi hình thức chôn cất sang hỏa táng của một bộ phận người dân cần có thời gian tuyên truyền mới thay đổi được nhận thức của họ. Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện cũng chưa có cơ sở hoả táng để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.
Thu nhập, nghèo đa chiều là những tiêu chí khó, đặc biệt là đối với các xã miền núi.
Thu nhập, nghèo đa chiều là những tiêu chí khó, đặc biệt là đối với các xã miền núi.
Y tế cũng là một trong những tiêu chí khó tại các xã phấn đất đạt chuẩn NTM nâng cao. Tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa trên 40% và tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt trên 70% là những chỉ tiêu rất khó đạt trong khoảng thời gian ngắn, cần có lộ trình và thời gian để các địa phương thực hiện.
 
Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận, đến hết tháng 6/2023, qua rà soát theo bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, toàn huyện có 140 tiêu chí đạt, bình quân đạt 10 tiêu chí/xã. Năm 2023, huyện Quảng Ninh phấn đấu có 2 xã Lương Ninh và Võ Ninh đạt chuẩn NTM nâng cao, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đạt.
 
Quan điểm của huyện là tạo điều kiện hỗ trợ tối đa, đồng thời huy động mọi nguồn lực để giúp các địa phương tháo gỡ những "nút thắt" về đích NTM nâng cao. Tuy nhiên, bộ tiêu chí NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới và yêu cầu cao, rất khó thực hiện.
 
Huyện Quảng Ninh có 12 xã đã được công nhận xã NTM. Đến nay, qua rà soát theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025, toàn huyện có 231 tiêu chí đạt, bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã; có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí, 9 xã đạt 15-18 tiêu chí và 2 xã đạt dưới 15 tiêu chí.
Theo Báo Quảng Bình
 
>>Bài 2: Tạo sự đột phá theo hướng toàn diện và có chiều sâu