Đồng thời, thử nghiệm kết nối họp trực tuyến theo mô hình tiếp công dân trực tuyến của ban đã xây dựng. Qua đó, đánh giá và đưa ra giải pháp mô hình tiếp công dân trực tuyến phù hợp, lấy ý kiến đóng góp của các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ (TTCP) vào giải pháp mô hình cũng như quy chế tiếp công dân trực tuyến của TTCP.

“Việc tiếp công dân trực tuyến nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân, đáp ứng trong điều kiện xã hội có dịch bệnh cũng như trong điều kiện xã hội bình thường. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự và công tác phòng, chống dịch bệnh (nếu có). Hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, phức tạp, mất an ninh, trật tự, tập trung tại các cơ quan TƯ” - Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đảm bảo thuận lợi, tiết kiệm nhân lực, thời gian, chi phí cho công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất của lãnh đạo các cơ quan TƯ, địa phương và người dân khiếu kiện. Tăng cường ứng dụng cộng nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành từ TƯ đến địa phương, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Ông Điệp chia sẻ thêm, giải pháp lưu trữ là sử dụng máy tính cá nhân có dung lượng lưu trữ lớn, đặt tại các điểm cầu chính để lưu trữ, phục vụ khai thác dữ liệu sau các phiên tiếp công dân trực tuyến. Điểm cầu Trụ sở Tiếp công dân TƯ tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh được cài đặt phần mềm nền tảng dùng chung của Bộ Thông tin và Truyền thông, là điểm cầu trung tâm; các điểm cầu: TTCP (đối với các vụ việc do lãnh đạo TTCP chủ trì), điểm cầu UBND cấp tỉnh (nơi có vụ việc khiếu nại, tố cáo) và điểm cầu của các bộ, ngành tham gia tiếp là điểm cầu đại biểu, kết nối với điểm cầu Trụ sở Tiếp công dân TƯ tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh.

Quá trình xây dựng mô hình và khảo sát tại các địa phương, bộ phận kỹ thuật của Ban Tiếp công dân TƯ đã đánh giá và đưa ra 4 mô hình, sau đó đề xuất giải pháp chung cho mô hình cơ bản ở mỗi điểm cầu, gồm: Mô hình đường truyền riêng (đường truyền vật lý) và các thiết bị camera, âm thanh hiện có kèm theo; mô hình đường truyền Internet và các thiết bị camera và âm thanh hiện có kèm theo; mô hình đường truyền riêng (đường truyền vật lý), Internet và các thiết bị camera, âm thanh kèm theo; mô hình chưa trang bị bất kỳ mô hình đường truyền loại gì.

Tại điểm cầu tiếp công dân tỉnh Lào Cai sau khi cấu hình đồng bộ các thiết bị hiện có tại đầu cầu Trụ sở Tiếp công dân TƯ và dùng thiết bị chuyển đổi đồng bộ đã phù hợp và kết nối liên thông.

Tại điểm cầu Trụ sở Tiếp công dân TƯ ở TP Hồ Chí Minh với điểm cầu Trụ sở Tiếp công dân TƯ tại Hà Nội, sau khi cấu hình đồng bộ các thiết bị hiện có tại hai điểm cầu đồng thời dùng thiết bị chuyển đổi đồng bộ cho thấy đã phù hợp với nhau.

Tương tự, tại điểm cầu tiếp công dân tỉnh Quảng Ninh với điểm cầu Trụ sở Tiếp công dân TƯ các cấu hình cũng đã phù hợp và ổn định đường truyền.

“Cả 3 mô hình và đấu nối đều có đường truyền ổn định âm thanh và hình ảnh rõ nét và tại mỗi lần đấu nối, chúng tôi đều ghi hình và ghi âm để làm cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả việc ghép nối giữa các mô hình với nhau” ông Điệp nói.

Với kết quả khả quan này và trên cơ sở hiện trạng hạ tầng công nghệ thông tin của các địa phương,  Ban Tiếp công dân TƯ đã đưa ra giải pháp kỹ thuật dựa trên nguyên tắc vừa tận dụng tối đa các hạ tầng thiết bị hiện có sau đó cấu hình cho đồng bộ các thiết bị để khi áp dụng mô hình trực tuyến mà ít cần phải bổ sung thiết bị. Theo đó, Ban Tiếp công dân TƯ đưa ra mô hình trang bị thiết bị cơ bản kết nối tại mỗi điểm cầu (bộ, tỉnh/địa phương). Ngay sau khi nhận được kết quả góp ý của các đơn vị thuộc TTCP, ban sẽ báo cáo để Tổng Thanh tra ban hành theo quy định để mô hình tiếp dân trực tuyến sớm đi vào hoạt động.

Cùng với đó, ban cũng đề xuất lãnh đạo TTCP để hoàn thiện quy chế tiếp công dân trực tuyến và ban hành theo quy định cũng như nâng cấp phòng tiếp công dân đông người tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (thuê đường truyền, bổ sung thêm một số trang thiết bị thiết yếu, lắp đặt các trang thiết bị sẵn có…).

Đặc biệt, để có mô hình tối ưu và hoạt động hiệu quả cao nhất, Ban Tiếp công dân TƯ tiếp tục liên hệ ban tiếp công dân của một số tỉnh, thành phố để khảo sát, kết nối thử nghiệm và đánh giá thực tế mô hình tiếp công dân trực tuyến của địa phương, từ đó sẽ có giải pháp tiếp công dân trực tuyến tối ưu hơn, phù hợp với hiện trạng cơ sở, vật chất tại ban tiếp công dân các tỉnh/địa phương.

Đáng chú ý, Ban Tiếp công dân TƯ đề xuất sử dụng nền tảng dùng chung do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai (miễn phí).

“Việc xây dựng mô hình tiếp công dân trực tuyến được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi cho người dân, tiết kiệm nhân lực, thời gian, chi phí cho công tác tiếp công dân định kỳ cũng như đột xuất, hạn chế tình trạng tập trung đông người khiếu kiện tại trụ sở các cơ quan TƯ, đồng thời, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và chuyển đổi số”, ông Điệp nhấn mạnh.

Theo Thanhtra.com.vn