Hành động quyết liệt, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 

Trải qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, với tinh thần nỗ lực vượt khó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ. Phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã phỏng vấn đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về “bức tranh” nửa nhiệm kỳ và những giải pháp quan trọng để đưa tỉnh nhà “về đích” đúng lộ trình.


TP. Đồng Hới đang từng ngày phát triển mạnh mẽ.
TP. Đồng Hới đang từng ngày phát triển mạnh mẽ.
* P.V: Thưa đồng chí, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn nhưng Quảng Bình đã hoàn thành tốt nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ. Đồng chí có thể đánh giá những nét nổi bật nhất của hành trình hơn hai năm qua?
 
- Đ/c Vũ Đại Thắng: Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, dù phải đối mặt với nhiều thách thức lớn do hậu quả của trận “lũ kép”, dịch Covid-19, những biến động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết, đồng thuận và quyết tâm cao, chúng ta đã cơ bản khắc phục hậu quả lũ lụt, dịch bệnh, kiên định mục tiêu, điều chỉnh linh hoạt các giải pháp. Những kết quả quan trọng được thể hiện rõ nét qua việc thực hiện 4 khâu đột phá tương ứng với 4 chương trình hành động Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã ban hành.
 
Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch đang từng bước phục hồi, tăng trưởng mạnh và bứt phá ấn tượng về số lượng du khách, các sản phẩm du lịch mới, hạ tầng phục vụ du lịch… Thương hiệu “Du lịch Quảng Bình” được gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc, tiếp tục khẳng định là điểm đến hàng đầu tại Việt Nam và trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á. Mới đây nhất, trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam do du khách trên toàn thế giới bình chọn qua nền tảng Booking.com, Quảng Bình có hai đại diện là Phong Nha và TP. Đồng Hới. Cùng với nhiều dự án, khu nghỉ dưỡng đã và đang đi vào hoạt động trong nửa nhiệm kỳ qua, đó là những là tín hiệu vui của ngành du lịch, khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 
Về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội (KT-XH), từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã khởi công nhiều dự án trọng điểm, như: Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; đầu tư, nâng cấp nhiều tuyến giao thông huyết mạch nội tỉnh; hiện đang chuẩn bị cho các dự án mở rộng, nâng cấp cầu Gianh, cầu Quán Hàu, Cảng hàng không Đồng Hới… Chúng ta cũng đã phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành tổ chức khởi công dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận Quảng Bình.
 
Về hạ tầng xã hội, nhiều dự án lớn đang được triển khai, như: Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình (cơ sở 2), nâng cấp một số bệnh viện tuyến huyện, đầu tư nhà văn hóa cộng đồng thôn, bản…, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư công, việc triển khai những dự án trọng điểm trên đã khẳng định quyết tâm, nỗ lực và thành công của tỉnh trong thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng KT-XH theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, tạo nền tảng vững chắc để phát triển.
 
Nửa nhiệm kỳ qua, công tác cải cách hành chính (CCHC), nhất là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh được chú trọng. Chúng ta đã tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút sự tham gia đông đảo, hiệu quả của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Những cam kết về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được thực hiện, từng bước tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
 
Về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, Quảng Bình là địa phương có nhiều sáng tạo và đột phá. Các đề án về quy hoạch, phát triển cán bộ nữ, cán bộ trẻ; đổi mới quy trình từ khâu khảo sát nhân sự, giới thiệu cán bộ, trình bày chương trình hành động; thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý… đã từng bước nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
Cùng với những dấu ấn nổi bật trong thực hiện 4 khâu đột phá, nửa nhiệm kỳ qua cũng là thời gian dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, nguy cơ gây hậu quả khó lường. Nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động, dịch bệnh diễn biến nhanh, phản ứng phải nhanh hơn, Quảng Bình đã kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân. Đặc biệt, trong khó khăn, không chỉ người dân trong tỉnh được chăm lo, duy trì an sinh xã hội, mà người Quảng Bình ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cũng nhận được sự quan tâm, sẻ chia rất kịp thời để vững lòng vượt qua đại dịch. Và cho đến thời điểm này, chúng ta chưa có sai phạm lớn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, giữ vững lòng tin của nhân dân.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2023 “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư” tại Thủ đô Hà Nội.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2023 “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư” tại Thủ đô Hà Nội.
Cùng với việc hỗ trợ, đồng hành với các tỉnh nước bạn Lào trong phòng, chống dịch, góp phần chung sức giữ gìn biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và cùng phát triển, một dấu mốc quan trọng trong năm 2022 là chúng ta đã mở rộng không gian phát triển kinh tế của tỉnh thông qua hoạt động khảo sát đầu tư Nhà máy điện gió Savannakhet tại nước bạn Lào với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD. Hướng đi triển vọng này bắt nguồn từ kết quả quan trọng của tỉnh trong nửa đầu nhiệm kỳ ở lĩnh vực phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
 
Cùng với những thành tựu nổi bật nêu trên, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chuyển đổi số… đang mang lại những khởi sắc mới, thúc đẩy KT-XH phát triển, góp phần tạo sự ổn định trong toàn Đảng bộ, nhân dân đồng thuận, đoàn kết và tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
 
* P.V: Thưa đồng chí, bên cạnh những con số, sự kiện phấn khởi nêu trên, nửa nhiệm kỳ qua có những tồn tại, hạn chế nào và đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
 
- Đ/c Vũ Đại Thắng: Từ việc đánh giá những thành tựu nổi bật dựa trên kết quả thực hiện 4 khâu đột phá, chúng ta cũng nhìn nhận rõ những tồn tại và hạn chế cần khắc phục. Về du lịch, dù sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng tính mùa vụ vẫn còn cao; chưa có các sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách mùa thấp điểm; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn hạn chế, chưa theo kịp tốc độ phát triển chung trong giai đoạn mới…
 
Đối với xây dựng kết cấu hạ tầng, những tồn tại, hạn chế thể hiện rõ trong việc triển khai quy trình thủ tục các dự án còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp, công tác giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc, rào cản, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ các công trình, dự án. Đây cũng là những “điểm nghẽn” liên quan đến công tác CCHC mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Là 1 trong 4 khâu đột phá, công tác CCHC được kỳ vọng lớn với nhiều quyết tâm, giải pháp đồng bộ nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi, trong đó chỉ số PCI vẫn chưa được cải thiện; sự chậm trễ, vướng mắc trong thực hiện các dự án bởi việc xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi đất rừng, tái định cư…
 
Lĩnh vực công tác cán bộ, bên cạnh những điểm sáng, thì vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên sợ trách nhiệm, né tránh, thiếu chủ động, ngại đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ. Tình trạng “đá quả bóng trách nhiệm” của cấp dưới lên cấp trên; lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm của ngành, địa phương mình; cán bộ, nhất là người đứng đầu còn đùn đẩy, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.
 
Bên cạnh những nguyên nhân mang tính khách quan, như: Sự biến động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước; một số vướng mắc về mặt cơ chế, sự chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn; hậu quả của thiên tai, dịch bệnh… thì nguyên nhân quan trọng là tình trạng làm việc cầm chừng, tư tưởng "không làm thì không sai" của một số cán bộ đứng đầu, gây ách tắc, chậm trễ trong quá trình vận hành, thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ.
 
Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Ngày 17/5/2023, trong bài phát biểu kết luận tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ (Hội nghị Trung ương 7), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ “căn bệnh” đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và khẳng định đây là “vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là”. 
Công trình cầu Nhật Lệ 3 đang được đẩy nhanh tiến độ.
Công trình cầu Nhật Lệ 3 đang được đẩy nhanh tiến độ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng ký công điện về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; đồng thời yêu cầu thay thế, điều chuyển ngay những cán bộ né tránh, đùn đẩy. Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo các bộ, ngành, đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về thực trạng này với nhiều giải pháp.
 
Tại Quảng Bình chúng ta, “căn bệnh” này của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu đã và đang tạo ra những rào cản lớn, tác động tiêu cực đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Nếu chúng ta không quyết liệt, quyết tâm để thay đổi, tháo gỡ tồn tại, hạn chế, hành trình về đích sẽ còn lắm gian nan.
 
* P.V: Như vậy, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã cơ bản được chỉ rõ. Theo đồng chí, thời gian tới, chúng ta cần những giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên, tạo điều kiện thuận lợi để tăng tốc, về đích đúng lộ trình?
 
- Đ/c Vũ Đại Thắng: Năm 2023 là thời điểm quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp đánh giá lại những kết quả đạt được, nhìn thẳng vào những hạn chế, vướng mắc để có các giải pháp phù hợp cho nửa nhiệm kỳ tiếp theo. Trước hết, qua sơ kết việc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp với những chỉ tiêu cụ thể, đánh giá trung thực, khách quan, rà soát những lĩnh vực, nhóm chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, phân tích, dự báo chính xác tình hình, thời cơ, thuận lợi và thách thức để điều chỉnh các giải pháp một cách linh hoạt. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, đó là:
 
Về phát triển kinh tế: Cần huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Tiếp tục tập trung thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các sở, ngành, đơn vị, địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
 
Đẩy mạnh công tác CCHC; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển mạnh ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo; đẩy mạnh phát triển du lịch, tăng cường thực hiện hoạt động kích cầu du lịch, truyền thông, quảng bá và xúc tiến du lịch; thúc đẩy phát triển kinh tế biển và các ngành dịch vụ biển.
 
Về văn hóa-xã hội: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Bình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nâng cao sức khỏe cho người dân toàn diện cả về tầm vóc, thể chất, tinh thần, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững.
 
Về công tác xây dựng Đảng: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
 
Cùng với việc sơ kết thực hiện nghị quyết giữa nhiệm kỳ, làm cho nhiệm vụ này trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đánh giá toàn diện, thực chất về năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
 
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, vì sự phát triển của tỉnh, chúng ta quán triệt yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là những ai làm việc cầm chừng, phòng thủ, che chắn, giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm “hãy đứng sang một bên để người khác làm!”. Đi qua một nửa nhiệm kỳ, đã có thể thấy rất rõ năng lực, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, những hạn chế, yếu kém trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thể hiện qua kết quả của từng ngành, lĩnh vực mà cá nhân phụ trách.
 
Việc rà soát, đánh giá cán bộ để từ đó có sự thay đổi vị trí bảo đảm phù hợp sẽ dựa trên các tiêu chí cụ thể, đó là sự tuân thủ các nguyên tắc của Đảng, là việc thực hiện quy chế làm việc… Xem xét tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, sự toàn tâm, toàn lực và hiệu quả đạt được, những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến quá trình điều hành, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Cùng với việc kiên quyết xóa bỏ những tồn tại, hạn chế nêu trên, thì cần xử lý nghiêm, đúng quy định các trường hợp để xảy ra sai phạm.
 
Trước yêu cầu phát triển mới, cần phải làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng người, đúng việc, nhất là đối với vị trí người đứng đầu. Đó là những người bảo đảm phẩm chất chính trị và đạo đức, có năng lực dẫn dắt, quyết định, mạnh dạn đi đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt vì mục tiêu chung. Đi cùng với đó là xây dựng các cơ chế bảo vệ cán bộ, trong đó, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ dám đột phá và sáng tạo vì lợi ích chung, đặc biệt là tuân thủ nguyên tắc không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.
 
* P.V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!
Theo Báo Quảng Bình