Nâng cao chất lượng tham mưu giúp việc công tác nội chính ở cấp huyện
Sáng nay, ngày 21/7/2023, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Cụm thi đua số 3, Ban Nội chính Trung ương (Ban Nội chính các tỉnh, thành ủy khu vực Miền trung - Tây nguyên) tổ chức Hội nghị chuyên đề về “Công tác tham mưu giúp việc công tác nội chính ở cấp huyện”. Đoàn công tác Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình và các Tổ giúp việc công tác nội chính Đảng cấp huyện do đồng chí Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy làm Trưởng Đoàn tham dự Hội nghị. Ảnh.Toàn cảnh Hội nghị Đồng chí Phạm Duy Quang - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Tổ trưởng Tổ giúp việc công tác Nội chính Đảng của Thị ủy Ba Đồn phát biểu tham luận đầu tiên của Hội nghị. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu đến các đồng chí và các bạn toàn văn bài phát biểu này.
Ảnh. Đồng chí Phạm Duy Quang phát biểu tại Hội nghị Cụm thi đua số 3, Ban Nội chính Trung ương Kính thưa Hội nghị, Công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp là lĩnh vực khá rộng, phức tạp, nhạy cảm. Sau hơn 30 năm chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Lĩnh vực Nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp đã đặt ra nhiều vấn đề mới. Từ sau khi Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Ban Nội chính cấp tỉnh, thành phố; nhất là năm 2022 Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban nội chính là cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo), thì công tác nội chính của Ban Nội chính cấp tỉnh đặt ra đối với các huyện, thị, thành phố nhiều vấn đề cần phải chỉ đạo đồng bộ giải quyết. Vì ở cấp huyện, thị, thành phố không có Ban Nội chính mà cử 01 cán bộ Văn phòng cấp ủy kiêm công tác nội chính dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư cấp ủy. Hằng tháng, khi Ban Nội chính Tỉnh ủy muốn nắm tình hình công tác thì phải đăng ký với Bí thư cấp ủy, chính vì vậy mối quan hệ công tác giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy và cấp huyện, thị, thành phố gặp nhiều khó khăn. Ban Nội chính Tỉnh ủy sau nhiều lần khảo sát, giao ban, lấy ý kiến tham gia của các cấp ủy huyện, thị, thành phố về việc thành lập Tổ giúp việc công tác Nội chính Đảng cho cấp ủy cấp huyện. Căn cứ Quy định số 2071-QĐ/TU ngày 03/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các huyện ủy, thị uỷ, thành ủy trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, đầu năm 2022, căn cứ Công văn số 410-CV/BNCTU, ngày 11/11/2021 của Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thị ủy Ba Đồn đã ra quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Tổ giúp việc của Ban Thường vụ về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp (Tổ nội chính); Tổ nội chính được sử dụng con dấu của cấp ủy và được phân bổ kinh phí hoạt động. Sau hơn 1 năm hoạt động, Tổ nội chính đã phát huy hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc cho Ban Thường vụ Thị uỷ trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và CCTP, mối quan hệ công tác, đặc biệt là công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy và Thị ủy Ba Đồn trong giải quyết, xử lý đơn thư có nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn. Thuận lợi cơ bản để đạt được những kết quả đạt như ngày hôm nay trước hết là do cơ cấu thành phần Tổ Nội chính cấp ủy cấp huyện gồm các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực cấp ủy, đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ-Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ-Trưởng Công an Thị xã, đại diện lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng cấp ủy, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, Chánh Thanh tra, Chi cục trưởng Chi cục THADS, do đó có điều kiện để nắm tình hình đầy đủ, khá toàn diện trên các lĩnh vực về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đơn thư khiếu nại, tố cáo và công tác CCTP. Một số kết quả nổi bật có thể tóm tắt như sau: Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Mặc dù cấp huyện không phải là cấp phân bổ ngân sách, cấp đầu mối quản lý các công trình, dự án lớn và lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực; song vẫn là cấp được phê duyệt đầu tư – phân bổ vốn đầu tư công, nhất là nguồn do địa phương đối ứng hoặc công trình dự án do tỉnh giao chủ đầu tư , dự án nguồn Thị xã được quyết định đầu tư phải trình HĐND thông qua. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ vừa đảm nhận vai trò Thường trực HĐND, các Ban HĐND cấp huyện, vừa là thành viên Tổ nội chính do đó có chức năng thẩm định, giám sát và đề xuất chủ trương đầu tư, điều chỉnh đầu tư để trình HĐND quyết định, công tác thẩm định, giám sát trước khi trình HĐND phê duyệt rất chặt chẽ, thậm chí, mặc dù có những vấn đề đã được Ban Thường vụ thông qua chủ trương nhưng xét thấy cần xem xét lại thì Tổ nội chính, Thường trực HĐND cần báo cáo Ban Thường vụ xem xét lại... Chính vì vậy, trong gần 2 năm qua, tất cả các công trình, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn triển khai thực hiện khá chặt chẽ, trọng tâm, trọng điểm, không xảy ra đầu tư dàn trải hoặc tiêu cực, tham nhũng. Về lĩnh vực đơn thư khiếu nại, tố cáo: Thành viên Tổ giúp việc Nội chính cơ bản là các lãnh đạo các cơ quan, lãnh đạo của hệ thống chính trị, vừa am hiểu thực tiễn, vừa có phương pháp và đạo đức công vụ, nên quá trình tiếp cận, tham mưu cơ bản có tình, có lý; biết xem xét sàng lọc, tìm đến cội nguồn, gốc rễ của vấn đề để tham mưu. Mặt khác, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và cán bộ Văn phòng phụ trách nội chính là những người thường xuyên tham gia tiếp công dân, nắm cơ bản diễn biến tình hình và kết quả giải quyết đơn, thư trên địa bàn. Bên cạnh đó, để làm tốt chức năng của mình, Tổ Nội chính luôn thực hiện nghiêm quy chế làm việc, giao ban sinh hoạt định kỳ, sàng lọc, phân loại đơn thư, phân công cán bộ làm việc với các cơ quan liên quan, yêu cầu trả lời, giải đáp; lựa chọn các vấn đề nổi cộm báo cáo Ban Thường vụ để có hướng giải quyết các vụ việc một cách dứt điểm. Tổ Nội chính làm tốt điều này là vì trong quy chế hoạt động của Tổ được Ban Thường vụ cho phép “Tổ giúp việc Nội chính được sử dụng tổ chức, cán bộ của các cơ quan, đơn vị chuyên môn dưới quyền để thực hiện nhiệm vụ được giao. Khi cần thiết trực tiếp làm việc với lãnh đạo Ban nội chính Tỉnh ủy để báo cáo và trao đổi ý kiến về các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Được yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc báo cáo, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ của Tổ”. Gần đây, để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác nội chính Đảng, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 05 tháng 5 năm 2023 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính trong tình hình mới”, trong đó nhấn mạnh thêm 2 vấn đề: Thứ nhất là, nâng cao năng lực hoạt động của Tổ giúp việc cấp ủy cấp huyện trong công tác nội chính Đảng. Thực hiện nghiêm Quy định số 2071- QĐ/TU ngày 03/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy và các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và CCTP. Thứ hai là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm kinh phí hoạt động cho công tác nội chính, nhất là Tổ giúp việc cấp ủy cấp huyện và các cơ quan trong khối nội chính. Kính thưa toàn thể các đồng chí về tham dự hội nghị, Tổ giúp việc cấp ủy cấp huyện mới hình thành gần 2 năm, bên cạnh một số kết quả đạt được bước đầu vẫn còn một số vấn đề đặt ra mà cấp ủy cần nghiên cứu xem xét: Thứ nhất, đây là Tổ giúp việc của cấp ủy về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và CCTP, với một lĩnh vực khá rộng, phức tạp, nhạy cảm, nhưng thành phần Tổ cơ bản là kiêm nhiệm nên cần lựa chọn thành viên tinh gọn, đúng thành phần nhưng phải chất lượng, trách nhiệm, tâm huyết để tham mưu cấp ủy thực sự hiệu quả. Thứ hai, những quy định về quy chế hoạt động, chức năng làm việc, kinh phí hoạt động của Tổ đều mang tính vận dụng các văn bản khác của tỉnh, do đó một số vấn đề còn trùng lặp, chồng chéo với các Ban chỉ đạo hoặc tổ chức khác… Đề nghị các huyện, thị, thành phố đã thành lập tổ giúp việc cần theo dõi, tạo điều kiện Tổ hoạt động; đồng thời, rút kinh nghiệm kịp thời để bổ sung, hoàn thiện nhằm phát huy vai trò, chức năng của Tổ nội chính cấp ủy cấp huyện. Thứ ba, hiện nay, tư pháp cấp huyện đang đặt ra một số vấn đề đáng quan tâm trên các mặt điều tra, truy tố, xét xử, trong đó chất lượng xét xử là lĩnh vực yếu nhất, thể hiện số lượng hủy bản án, xử lại, kháng cáo cả án hình sự và dân sự, hằng năm thường xuyên báo cáo trước HĐND nhưng cả VKSND và TAND chưa có cơ quan nào chỉ ra một cách khách quan cho cấp ủy, chính quyền biết nguyên nhân hủy án, xét xử, kháng cáo tăng, trong khi đó cấp huyện không có Ban nội chính, Tổ giúp việc trong quy chế làm việc không có chức năng này. Cuối cùng xin kính chúc toàn thể các vị đại biểu về dự hội nghị sức khỏe, chúc Hội nghị giao ban nội chính các tỉnh Miền trung - Tây nguyên thành công tốt đẹp, xin cám ơn các đồng chí. |