PHẢN BÁC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC HIỆN NAY: Bài 2. Những luận cứ “đanh thép” nhìn từ cuốn sách của Tổng bí thư 

 Vừa qua, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đời không chỉ mang ý nghĩa to lớn đối với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo ở nước ta hiện nay mà còn là “vũ khí sắc bén”, cung cấp những luận cứ “đanh thép” góp phần phản bác lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

(Tiếp theo và hết)

Thứ nhất, cuốn sách khẳng định đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là tất yếu khách quan ở mọi quốc gia, mọi thời kỳ, mọi chế độ nếu muốn tồn tại và phát triển

Theo Tổng bí thư, tham nhũng “là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả” . Thật vậy, nhìn lại thực tiễn lịch sử dân tộc cho thấy, tham nhũng, tiêu cực không phải giờ mới có, mà có từ lâu trong xã hội, nguồn gốc ra đời gắn với quyền lực. Trong lịch sử dân tộc không hiếm những bậc minh quân “yêu nước, thương dân” rất chú trọng đến việc phòng, chống tham nhũng, điển hình như vua Lê Thánh Tông (1442-1497), vua Minh Mạng (1791-1840)… Năm 1483, vua Lê Thánh Tông đã ban hành Quốc triều hình luật ( Luật Hồng Đức), trong đó có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phòng, chống tham ô, tham nhũng. Đến thời nhà Nguyễn, vua Gia Long (1762-1820) ban hành luật Gia Long gồm 398 điều, với rất nhiều điều luật quy định luật hình rất hà khắc đối với tội tham ô, tham nhũng. Sau này vua Minh Mạng tiếp tục bổ sung và thực hiện nghiêm minh,  không hiếm những tư liệu lịch sử ghi lại cảnh vua Minh Mạng trị những quan lại phạm tội tham ô rất nghiêm khắc. 
 
Ảnh. Một cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
 
Ngày nay, nhiều nước trên thế giới cũng đối mặt nạn tham nhũng, dù bất cứ là quốc gia nào, chế độ nào. Trước cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nhiều nước, rất nhiều vụ án lớn được phanh phui như vụ bê bối quyền lực chính trị để trục lợi từ 1972-1974 nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ là Watergate, buộc Richard Nixơn phải từ chức; ông George Ryan là Cựu thống đốc bang Illinios (Mỹ) đã phải ngồi tù 6 năm vì tham nhũng (2007), ông Joseph Estrada là cựu tổng thống Philippin phải chịu chung thân vì tham nhũng (2007), bà Park Geun Hye cựu tổng thống Hàn Quốc bị phế truất do tham nhũng (12/2016), cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin và em gái đều bị cáo buộc tham nhũng và phải sống lưu vong ở nước ngoài… Đặc biệt, theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, một số nước có chế độ đa đảng, không phải Đảng cộng sản cầm quyền như: Myanmar, Venezuela, Somalia, Afganixtan, Uzbekistan… đều là những nước có nạn tham nhũng nghiêm trọng nhất thế giới . Ngay Trung Quốc là quốc gia có Đảng Cộng sản lãnh đạo như nước ta, thời gian qua với chiến lược “đả hổ, diệt ruồi” không ít những vụ tham nhũng liên quan đến các cán bộ cấp cao được đưa ra ánh sáng… 
Đối với Việt Nam, ngay từ trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước nhận thức được nguy cơ, tác hại của tệ nạn tham nhũng, tiêu cực. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “tham ô là hành động xấu nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân” , vì vậy cần phải đấu tranh ngăn chặn nạn tham ô, tham nhũng. Hẳn không ai không biết đến vụ án tham nhũng nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, liên quan đến Đại tá-Cục trưởng cục quân nhu Trần Dụ Châu, trước tính chất nghiêm trọng của vụ án, Bác nhấn mạnh “phải giết con sâu để cứu cả khu rừng” cho thấy sự kiên quyết của Người.  Người nhiều lần cảnh báo đến những căn bệnh, thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên, tất cả đều bắt nguồn từ “chủ nghĩa cá nhân” mà ra. Vì vậy Đảng ta thường xuyên tự đổi mới, tự chính đốn nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, trong đó nâng cao “đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” luôn được Đảng coi trọng, xem đây là giải pháp căn cơ để đầy lùi tham nhũng. 
Bước vào thời kỳ Đổi mới, dưới tác động của hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường, trình độ quản lý kinh tế-xã hội còn nhiều hạn chế, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện tạo “khoảng trống” cho bộ phận cán bộ có chức quyền lợi dụng tham nhũng… Hơn nữa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh “phức tạp”, “đặc thù”, “vô hình” “kẻ địch trong người, trong nội bộ” rất khó khăn…Vì vậy, “tham nhũng, tiêu cực” vẫn “sinh sôi” ở nước ta, là điều không thể tránh khỏi.  Tuy nhiên, nhận thức được “mối nguy hại to lớn” đối với sự tồn vong của chế độ, sự cầm quyền của Đảng, sự phát triển của đất nước, Đảng ta rất quan tâm đến công tác phòng chống, tham nhũng. Xuyên suốt qua các nhiệm kỳ, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong các Văn kiện Đại hội, nhiều lần Đảng nhấn mạnh đến sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực, coi đó là “quốc nạn”, giặc  “nội xâm” và luôn khẳng định quyết tâm cao trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
 
Ảnh. Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chóng tham nhũng, tiêu cực
 
Trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển các quan điểm của Đảng đã có, Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa của Đảng và chế độ ta” . Với sự nhất quán về mặt chủ trương, đường lối, Đảng đã tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa trong thực tiễn một cách quyết liệt, tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do đó cuộc đấu tranh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và bạn bè quốc tế, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo động lực hội tụ các nhân tố quan trọng khác góp phần phát triển đất nước. Việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước” , mang xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân và khát vọng phát triển đất nước.
Thứ hai, cuốn sách đã làm “sáng tỏ bản chất” về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta thời gian qua
Về thực tiễn, cuốn sách đã làm rõ kết quả thực tiễn thể hiện ở 4 khía cạnh cơ bản, đó là về phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng; về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm hướng đến bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực”; về việc công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực, xây dựng văn hóa liêm chính; về mở rộng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước; tăng cường hợp tác quốc tế. Từ lý luận và thực tiễn, cuốn sách đã rút ra 8 bài học kinh nghiệm, 5 giải pháp lớn, 5 vấn đề cần lưu ý đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Để thực hiện cần tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc tư dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Như vậy, từ cuốn sách người đọc được tiếp cận những thông tin chính thức, đầy đủ, toàn diện, sáng tỏ được “bản chất” về cuộc đấu tranh phòng chống, tham nhũng, tiêu cực thời gian qua. Với những “con số biết nói” và những kết quả làm “chuyển biến thực tiễn” cho thấy quyết tâm và nỗ lực, nói đi đôi với làm của Đảng trong cuộc đấu tranh “phức tạp” này vì sự nghiệp cách mạng, vì sự phát triển của đất nước. Giúp cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu được rằng việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng là giải pháp “then chốt” để làm trong sạch, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, từ đó củng cố niềm tin, tích cực hành động góp phần chống “giặc nội xâm”.
Thứ ba, niềm tin của nhân dân, sự phát triển của đất nước, sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế là “thước đo” cho thành công của cuộc đấu tranh
Thực tiễn từ khi Đảng đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng bài bản, đồng bộ, quyết liệt thì đất nước càng đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các mặt, các lĩnh vực góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp Đổi mới. Từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo, Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,02% đạt mức cao nhất từ năm 2011 đến nay. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 732,5 tỷ USD, trong đó xuất siêu 11,2 tỷ USD (7 năm liên tiếp). GDP bình quân đầu người đạt 4.110 USD. Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và năng động nhất trong khu vực, nằm trong tốp 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Các lĩnh vực về chính trị, quốc phòng an ninh, đối ngoại, văn hóa, xã hội tiếp tục có những bước phát triển mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chất lượng sống tốt hơn .
Một điểm khác biệt của cuốn sách chính là sự tổng hợp ý kiến nhân dân,các  học giả, nhà khoa học trong nước lẫn quốc tế. Với thành phần đa dạng, góc nhìn đa chiều, khoa học, khách quan tất cả các ý kiến đều ghi nhận, ủng hộ, đánh giá cao về những kết quả đạt được và quyết tâm chính trị của Đảng đối với cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” vô cùng khó khăn, phức tạp. Đồng thời, nhân dân đều mong muốn, đòi hỏi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không dừng, không nghỉ mà phải kiên quyết, kiên trì chống đến cùng với tinh thần “quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà đã trở thành mối quan tâm chung, hành động chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế” .
Niềm tin của nhân dân, sự ủng hộ của bàn bè quốc tế chính là “thước đo” chính xác nhất cho sự thành công của cuộc đấu tranh trong 10 năm qua, đồng thời là sự phản bác đanh thép nhất trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, hay trước những nhận thức lệch lạc ngay trong chính nội bộ một số đảng viên. 
Với tinh thần “để thực hiện thành công mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI đưa nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, trước hết phải xây dựng Đảng và Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; phải ngăn chặn, đẩy lùi bằng được tệ tham nhũng, tiêu cực” , vì vậy thời gian tới, Đảng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, các lực lượng thù địch chắc chắn sẽ “nghỉ ra lắm mưu nhiều kế” để tiếp tục xuyên tạc, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng về đấu tranh tham nhũng, tiêu cực chắc chắn sẽ lâu dài, khó khăn và phức tạp hơn, vì vậy cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc tuyền truyền sâu rộng cuốn sách của Tổng bí thư nhằm nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, cũng như sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Nếu làm tốt và hiệu quả việc này chắc chắn “các luận điệu phi lý” của các thế lực thù địch “sẽ không còn mảnh đất để sinh sôi”, các suy nghỉ lệch lạc sẽ bị “đào thải”, Đảng ta sẽ ngày càng trong sạch hơn, vững mạnh hơn, tiếp tục lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
ThS. Nguyễn Văn Giang, Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình