Kết quả sau 03 năm thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình 

Sau 03 năm triển khai thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thừa phát lại (TPL), có thể khẳng định, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc cho phép áp dụng chế định TPL trên phạm vi toàn quốc và xã hội hóa hoạt động TPL đang đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận. Hoạt động của TPL đã góp phần bổ trợ cho hoạt động tư pháp và đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội. TPL đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp.

Thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 472/KH-UBND ngày 26/3/2020 triển khai thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP; Quyết định số 4204/QĐ-UBND ngày 04/11/2020 về việc Phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Quyết định số 3957/QĐ-UBND ngày 21/10/2020 về công bố danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực thừa phát lại; Quyết định số 68/QĐ-UBND phê duyệt các quy trình nội bộ liên thông giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thừa phát lại thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình; đồng thời, chỉ đạo Sở Tư pháp ban hành theo thẩm quyền các văn bản để triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3957/QĐ-UBND ngày 21/10/2020 về công bố danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực TPL; Quyết định số 68/QĐ-UBND ngày 13/01/2023 phê duyệt các quy trình nội bộ liên thông giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực TPL thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình; cho phép chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng TPL từ Văn phòng có 01 TPL được tổ chức và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân sang mô hình Văn phòng có 02 TPL được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty hợp danh. Trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh trường hợp nào giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động và chấm dứt hoạt động của Văn phòng TPL. Do số lượng TPL đăng ký hành nghề trên địa bàn tỉnh còn ít, nên chưa thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp của TPL.

Ngày 13/7/2023, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 122/NQ-HĐND về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu về các Văn phòng TPL, quản lý các vi bằng trên địa bàn tỉnh, thời gian triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu từ 2024 - 2025. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực mới này, Sở Tư pháp đã thường xuyên trao đổi, tranh thủ ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ của Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp và kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh việc lập vi bằng của TPL; thông báo, thông tin cho Văn phòng TPL về việc tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức.

Sở Tư pháp đã kịp thời thông báo đầy đủ thông tin về việc đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng TPL, đăng ký hành nghề, cấp thẻ TPL cho TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan; các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã phối hợp cung cấp số liệu thống kê, báo cáo các thông tin liên quan đến TPL theo thẩm quyền. Tuy nhiên, do Văn phòng TPL chủ yếu thực hiện việc lập vi bằng nên sự phối hợp giữa Văn phòng TPL với cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án, Viện kiểm sát chưa rõ nét.  

Tỉnh chưa ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng TPL, việc thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng TPL được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và Quyết định số 4204/QĐ-UBND ngày 04/11/2020 về việc Phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 01 Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở tại thành phố Đồng Hới (Văn phòng Thừa phát lại Đồng Hới), được thành lập theo Quyết định só 2548/QĐ-UBND ngày 11/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; có 01 TPL đăng ký hành nghề. TPL chỉ thực hiện việc lập vi bằng; chưa thực hiện việc tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, xác minh điều kiện thi hành án dân sự và thụ lý tổ chức thi hành án dân sự. Nội dung vi bằng chủ yếu để ghi nhận sự việc, hành vi như: ghi nhận buổi làm việc giữa các bên; ghi nhận việc các bên giao nhận văn bản thỏa thuận; ghi nhận việc bên yêu cầu lập vi bằng xuất trình cuộc trao đổi, nói chuyện qua tin nhắn zalo, tin nhắn faceboook...; chưa phát sinh hoạt động hợp tác quốc tế về TPL.

Lễ khai trương Văn phòng Thừa phát lại Đồng Hới, ngày 13/11/2021 (Ảnh: Báo Quảng Bình)

Từ khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động (ngày 16/9/2021) đến 30/6/2023, Văn phòng TPL Đồng Hới đã lập 224 vi bằng, tổng doanh thu 128.104.649. Trong đó, năm 2021 đã lập 22 vi bằng với tổng doanh thu 12.773.000 đồng; năm 2022 lập 137 vi bằng với tổng doanh thu 76.740.742 đồng; từ 01/01 đến 30/6/2023 đã lập 65 vi bằng với tổng doanh thu 38.590.907 đồng. Đến thời điểm hiện nay, Văn phòng chưa phát sinh vụ việc tranh chấp, khởi kiện, bồi thường trong hoạt động TPL và không tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền trường hợp khiếu nại, tố cáo nào.

Qua kết quả kiểm tra đột xuất việc thực hiện các hoạt động nghiệp vụ về lập vi bằng tại Văn phòng TPL Đồng Hới, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp ban hành Quyết định số 14/QĐ-XPHC ngày 26/9/2022 xử phạt vi phạm hành chính với hình thức xử phạt chính là phạt tiền 25.000.000 đồng; hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng Thẻ TPL 09 tháng đối với hành vi lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản mà không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật; ghi nhận sự kiện, hành vi nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu.

Nhìn chung, sau 03 năm triển khai thi hành, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đã đi vào cuộc sống, hoạt động của TPL đã góp phần bổ trợ cho hoạt động tư pháp và đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội. TPL đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp.

Có thể khẳng định, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc cho phép áp dụng chế định TPL trên phạm vi toàn quốc và xã hội hóa hoạt động TPL đã từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận. Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đã kế thừa và phát huy những công việc mà TPL đã làm được và làm tốt theo quy định của các Nghị định trước đây; khắc phục những yếu kém, bất cập trong thời kỳ thí điểm; xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của TPL. Trên cơ sở đó, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tác động mạnh mẽ đến đời sống pháp lý của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước biết đến và sử dụng dịch vụ TPL; sử dụng vi bằng làm căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các bên, làm bằng chứng trước Tòa. Hoạt động lập vi bằng của TPL tại Văn phòng TPL với việc ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật đã tạo cơ sở cung cấp nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sau 03 năm triển khai Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, số lượng của TPL và Văn phòng TPL phát triển còn chậm (chỉ phát triển được 01 Văn phòng TPL); năng lực hoạt động của TPL và thư ký nghiệp vụ có mặt còn hạn chế, chất lượng hoạt động hành nghề TPL chưa cao, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; hoạt động của Văn phòng TPL chỉ mới tập trung vào việc lập vi bằng, quá trình lập vi bằng còn có sai sót và đã bị xử lý hành vi vi phạm.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế là do vẫn còn một số quy định pháp luật về Thừa phát chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội.

Về thể chế, lĩnh vực TPL chỉ được quy định trong các văn bản dưới luật, nội dung điều chỉnh chưa đầy đủ, đặc biệt là các quy định trong việc xác định nội dung lập vi bằng, có nhiều trường hợp nội dung vi bằng không phân định rõ ràng với các lĩnh vực khác như công chứng, chứng thực như: vi bằng giao nhận tiền, giao nhận tài sản, giao nhận văn bản thỏa thuận… nhưng không ghi nhận căn cứ, cơ sở pháp lý, mục đích của hành vi này.

Nhận thức về vị trí, vai trò của TPL, giá trị pháp lý của vi bằng do TPL của một bộ phận người dân, tổ chức, doanh nghiệp còn chưa đầy đủ; vẫn còn nhầm lẫn giữa phạm vi công chứng với vi bằng, giá trị pháp lý của văn bản công chứng do công chứng viên chứng nhận với vi bằng do TPL lập.

Biên chế, nhân lực ngành Tư pháp ở địa phương còn mỏng và thiếu, chưa tương xứng so với chức năng, nhiệm vụ và khối lượng, yêu cầu công việc được giao; không bố trí được công chức chuyên trách để tham mưu quản lý nhà nước về TPL; trong khi đó một số vị trí công tác phải thực hiện chuyển đổi nên đội ngũ công chức thường xuyên có thay đổi dẫn đến thiếu công chức có kiến thức chuyên sâu, giàu kinh nghiệm trong quản lý hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và hoạt động TPL nói riêng.

Bên cạnh đó, TPL chưa thật sự chủ động, tích cực trong việc tự học tập, cập nhật kiến thức pháp luật để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành nghề, uy tín chưa cao.

Thời gian tới, cùng với sự phát triển, các quan hệ kinh tế - xã hội ngày càng phức tạp và phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, số lượng án thụ lý, giải quyết của cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân và Thi hành án dân sự có xu hướng tăng cả về số lượng và tính chất công việc trong khi biên chế được giao của các cơ quan nhà nước nói chung và của cơ quan Tòa án, Viện KSND, cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng ngày càng tinh giản; do đó việc giao một số nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước cho các đơn vị tư nhân thực hiện theo chủ trương xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực xã hội đang là xu hướng chung hiện nay. Do đó, hoạt động của TPL với nhiệm vụ tống đạt hồ sơ, giấy tờ, tài liệu và xác minh điều kiện thi hành án dân sự sẽ giảm tải công việc cho cơ quan tư pháp; góp phần giúp các cơ quan này tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính đó là truy tố, xét xử, thi hành án dân sự. Mặt khác, việc lập vi bằng của TPL là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính, là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, vì vậy hoạt động của TPL sẽ giúp cơ quan xét xử trong việc đánh giá chứng cứ, làm rõ sự thật khách quan của vụ án đảm bảo cho việc xét xử khách quan, đúng pháp luật, là “thẩm phán phòng ngừa” hạn chế các tranh chấp phải khởi kiện, đưa ra xét xử.

Để hoạt động TPL phát triển hơn nữa, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, chức năng của TPL trong đời sống xã hội, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 107/2015/QH13, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP; các nội dung của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành với nhiều hình thức nhằm, các công việc TPL được làm và trường hợp không được lập vi bằng.

Phát triển nguồn bổ nhiệm TPL trên cơ sở liên kết với các cơ sở đào tạo nghề bổ nhiệm TPL mở lớp tại tỉnh Quảng Bình; cử người tham gia các khoá đào tạo bổ nhiệm TPL; tạo điều kiện cho những người đã qua đào tạo nghề bổ nhiệm TPL trong việc tập sự hành nghề bổ nhiệm TPL …Đồng thời xây dựng chính sách thu hút và tạo điều kiện cho các TPL có đủ điều kiện thành lập Văn phòng TPL tại địa phương; tăng cường các hình thức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho TPL đang hành nghề.

Triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu vi bằng và ban hành Quy chế khai thác, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu vi bằng trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động TPL, trong đó làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động TPL; hướng dẫn định hướng các TPL, Văn phòng TPL thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn thi hành để phát triển hoạt động TPL.

Tăng cường các hình thức đối thoại với Văn phòng TPL và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh liên quan đến việc thực hiện các thủ tục hành chính về TPL thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các cơ quan nhà nước nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp nói chung và Văn phòng TPL nói riêng.

Rà soát các quy định của pháp luật về TPL để kịp thời đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Văn phòng TPL và TPL trong quá trình hành nghề.

Thanh Minh (Ban Nội chính Tỉnh ủy)