Hội Luật gia với công tác bảo vệ môi trường 

Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình hiện có 8 Hội Luật gia cấp huyện, 22 Chi hội trực thuộc Tỉnh hội; có Trung tâm Tư vấn pháp luật và Văn phòng trực thuộc Tỉnh hội; 78 Chi hội luật gia cơ sở trực thuộc Huyện, Thành, Thị hội, với tổng số 1.880 hội viên trong toàn tỉnhXác định và nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường (BVMT); của vị trí, vai trò và lợi thế của Hội trong công tác tuyền truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng pháp luật và hỗ trợ pháp lý, Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình bên cạnh triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, đã quan tâm chú trọng công tác tham gia xây dựng pháp luật, tuyền truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý, gắn với việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đã đạt được một số kết quả:

 

 
Thứ nhất, kế thừa và phát huy kết quả đạt được từ thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 – 2021’’ và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ PBGDPL năm 2021, 2022, 2023, trên cơ sở Chương trình phối hợp giữa Hội Luật gia tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường và từ nguồn kinh phí do ngân sách cấp và do Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, Hội đã xây dựng, soạn thảo các chuyên đề pháp luật trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường để chủ động triển khai hơn 22 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cho hội viên Luật gia, Hòa giải viên ở cơ sở và nhân dân tại các xã, phường, thị trấn, với hơn 2.000 lượt người tham gia.
 
Ảnh. Đ/c Trần Chí Tiến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở tư pháp và đ/c Nguyễn Thanh Lương, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy thừa ủy quyền của Hội Luật gia Việt Nam trao cờ thi đua đơn vị xuất sắc cho Hội Luật gia tỉnh
 
Hai là, để huy động nguồn lực thực hiện nhiệm vụ, Tỉnh hội đã tham gia ứng tuyển và được Ban Thư ký Quỹ JIFF tuyển chọn, Bộ Tư pháp phê duyệt và UBND tỉnh đồng ý cho triển khai, Hội đã chủ trì thực hiện Dự án ‘‘Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn, ven biển và vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình thông qua thúc đẩy thực thi pháp luật và các chính sách bảo vệ môi trường’’.
Dự án thuộc Hợp phần Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) trong khuôn khổ Dự án EU JULE“ Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam”, được thực hiện trên địa bàn 8 xã, phường thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới.
Mục tiêu tổng thể của Dự án là “Giảm thiểu những tác hại do ô nhiễm môi trường đối với cuộc sống người dân và bảo vệ chính môi trường tự nhiên ở vùng nông thôn, ven biển và vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình”.
Để thực hiện Dự án, Hội Luật gia đã phối hợp với UBND, Mặt trận, Đoàn thể, các tổ chức và các phòng nghiệp vụ cấp huyện có liên quan và chính quyền, mặt trận, đoàn thể của 8 xã/phường trên địa bàn 3 huyện, thành phố; Phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở TN-MT, Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL, các Sở, ngành liên quan và chính quyền các cấp thuộc phạm vi Sáng kiến, thông qua đầu mối phối hợp, liên lạc là Hội Luật gia cấp huyện và các Chi hội Luật gia cơ sở. Các hoạt động đã triển khai, như:
- Phối hợp với nhóm chuyên gia, cũng là các Hội viên Luật gia hoàn thiện và ban hành 100 bộ tài liệu truyền thông và tài liệu hướng dẫn kỹ năng tư vấn/ hỗ trợ pháp lý/ đại diện ngoài tố tụng và tham gia tố tụng. Tổ chức 06 lớp tập huấn cho 160 Báo cáo viên nguồn và học viên đại diện cho các hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với BTV Tỉnh Đoàn tổ chức 06 cuộc giao lưu tuyên truyền, giáo dục về Luật bảo vệ Môi trường có 728 người tham gia, trong đó 600 trẻ em là học sinh các trường THCS;  Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về Luật bảo vệ môi trường” bằng hình thức sân khấu hóa, với sự tham gia của 06 đội thi có hơn 180 học sinh tham gia và cổ vũ đến từ các Trường THCS. Phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tổ chức lớp tập huấn và tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh Photovoice cho cán bộ, đoàn viên Đoàn Thanh niên, hội viên Hội Luật gia với chủ đề “Người dân, người dân tộc thiểu số với môi trường xung quanh”. 110 bài dự thi với gần 600 bức ảnh đã tham gia hội thi; nhiều giải thưởng đã được trao cho các cá nhân và tập thể đạt giải. Các tác phẩm đạt giải đã được trưng bày, triển lãm tại  Hội thảo chia sẻ về những kinh nghiệm thực hành các biện pháp bảo vệ môi trường tại cộng đồng kết hợp tư vấn pháp luật.
- Tổ chức 20 đợt tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý lưu động cho 329 lượt người trong cộng đồng dân cư sống gần khu vực bị ô nhiễm hoặc có nguy cơ bị ô nhiễm và ở những địa bàn vi phạm pháp luật về BVMT, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số.  Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức 02 hội thảo lấy ý kiến góp ý của gần 100 đại biểu đối với Dự thảo “Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình’’ và  Dự thảo “Quyết định của UBND tỉnh Quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”. Đến nay UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định nêu trên.
Nhiều hoạt động và sản phẩm hoạt động trên đây của Dự án đã được đăng tải trên các Cổng/trang thông tin điện tử của Tỉnh, của Hội Luật gia tỉnh, của Tỉnh Đoàn, của các Sở, ngành có liên quan và trên các nền tảng mạng xã hội, như Yotube, Zalo, Facebook…Các hoạt động đã giúp các đối tượng trên địa bàn thực hiện Dự án tiếp cận tới Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản có liên quan một cách khá toàn diện, cụ thể, chi tiết,  từ truyền thông nâng cao nhận thức, được tư vấn, hỗ trợ pháp lý đến tham gia góp ý các chính sách, các quy định của UBND tỉnh quy định cụ thể chi tiết các quy định của Luật phù hợp với thực tiễn và thẩm quyền Luật định. Trong đó, hơn 1700 người được nâng cao nhận thức về môi trường, thực trạng ô nhiễm môi trường và nguyên nhân; sự cần thiết phải bảo vệ môi trường; được thực hiện quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật; quyền tham gia xây dựng pháp luật.  Được nâng cao kỹ năng làm việc nhóm và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong bảo vệ môi trường. Có 329 người được tư vấn pháp luật. Đối với cán bộ chính quyền địa phương, đã được nâng cao nhận thức và trách nhiệm trước Nhân dân, trước pháp luật về thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về bảo vệ môi trường nói riêng; góp phần thúc đẩy chính quyền địa phương ban hành các quy định thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa nội dung của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; thu hút ngày càng nhiều hơn các đối tượng tham gia bảo vệ môi trường.
Đối với tổ chức Hội và Hội viên Luật gia, được nâng cao kỹ năng, tính chuyên nghiệp trong triển khai các hoạt động. Có thêm kinh nghiệm trong thu hút các nguồn lực, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị làm việc cho Thường trực Tỉnh Hội; góp phần khắc phục khó khăn về nguồn lực của địa phương, của Hội. Góp phần cùng các Hội Luật gia trong cả nước đồng hành cùng Trung ương Hội và cùng hệ thống chính trị trên địa bàn cùng đồng hành trong sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường luôn là vấn đề cấp thiết, các giải pháp bảo vệ môi trường và bài học kinh nghiệm qua thực hiện các hoạt động trên sẽ được áp dụng không chỉ ở các địa phương vùng thực hiện Dự án, mà thông qua hoạt động nghiệp vụ của Hội Luật gia, sẽ được áp dụng tại các địa bàn trong tỉnh. Nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý, hoạt động phản biện, giám sát, tham gia xây dựng chính sách pháp luật là một trong những chức năng, nhiệm vụ chính của Hội luật gia, nên việc tiếp tục các hoạt động bảo vệ môi trường cần phải và sẽ được tiếp tục quan tâm thực hiện trong thời gian tới, không chỉ trong hội viên và tổ chức Hội Luật gia, mà còn là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân. Tại Hướng dẫn số 18-HD/BTGTW ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Ban Tuyên giáo TW  về Tuyên truyền bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững đất nước cũng đã chỉ rõ: ‘‘Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội: Tham mưu cấp ủy chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, quán triệt thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về môi trường tới cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể bằng nhiều hình thức; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố biên soạn, phát hành hướng dẫn, đề cương, tài liệu tuyên truyền; vận động cán bộ ngành tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên và phóng viên báo chí đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường trên internet, mạng xã hội. Chủ động nắm chắc và dự báo tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội; từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp giúp cấp ủy chỉ đạo thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, xử lý và ngăn chặn kịp thời “điểm nóng” về môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ’’.
Nguyễn Thị Lài (Hội Luật gia tỉnh)