Chuyện của Rào Nan - Bài 1: Hành trình 13 năm 
Nhiều năm trước, những ngày tháng tám như bây giờ, đồng ruộng 9 xã vùng Nam TX. Ba Đồn mỏi mòn đợi nước. Nhiều diện tích bị bỏ hoang, đồng làng hiu hắt, là nguyên nhân sự thiếu trước hụt sau của những gia đình nghèo, đời sống phụ thuộc vào cây lúa. Không dừng lại ở đó, nhiều mùa hè, cơn khát nước sạch của 22 xã thuộc TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch lên đến đỉnh điểm. Và lời giải cho “bài toán” này chính là xây dựng hệ thống thủy lợi Rào Nan “phiên bản mới”.
 
Năm 2009, công tác chuẩn bị cho dự án xây dựng hệ thống thủy lợi Rào Nan bắt đầu khởi động. Đúng một thập kỷ sau, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, hệ thống thủy lợi Rào Nan được khởi công với tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng. Năm 2022, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Để có được Rào Nan hôm nay là hành trình dài 13 năm với sự quyết tâm, nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị để vượt qua những thăng trầm, gian khó.
 
Những “nút thắt” nan giải
 
Tháng 10/2017, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, khi niềm vui được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống đập thủy lợi Rào Nan-“công trình thế kỷ” vẫn còn lan tỏa trong lòng nhiều người, thì khó khăn bắt đầu xuất hiện. Ban đầu chỉ là một vài thông tin lo lắng việc xây dựng công trình Rào Nan sẽ gây ra nguy cơ lũ lụt cho vùng hạ lưu, mà trực tiếp là thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn (TX. Ba Đồn). Rồi nguy cơ ngày càng bị thổi phồng lên, rằng Rào Nan rất có thể trở thành “túi bom nước” đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực.
 
“Tiếng dữ đồn xa”, tin đồn cứ thế len lỏi vào từng ngõ ngách ngôi làng bên dòng Rào Nan, phá vỡ sự bình yên vốn có. Đỉnh điểm là việc Chi hội Nông dân thôn Linh Cận Sơn và một số hộ dân đã ký đơn kiến nghị tập thể gửi các cơ quan Trung ương và UBND tỉnh đề nghị di chuyển vị trí xây dựng công trình, hoặc di dời toàn bộ 251 hộ dân trên địa bàn thôn. Một số phần tử cực đoan đã có hành vi gây rối trong những cuộc họp dân do tỉnh và TX. Ba Đồn tổ chức. 
 
Khi những người có trách nhiệm với quê hương lên tiếng giải thích, tuyên truyền, vận động bà con ủng hộ xây dựng công trình, không chỉ bản thân họ mà cả người thân đã bị cô lập, “tẩy chay”, trong đó có ông Trần Văn Huyễn, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (thời điểm đó đang là Bí thư Đảng ủy xã). 
Hệ thống thủy lợi Rào Nan hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2022.
Hệ thống thủy lợi Rào Nan hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2022.
Sinh ra và lớn lên tại xã Quảng Sơn, ông Huyễn thuộc nằm lòng “tính khí” dòng sông. Ông giải thích, lũ ở Rào Nan là lũ kép bởi nước từ thượng nguồn đổ về và nước biển dâng. Dòng sông mới hiền hòa đó, thoắt cái đã trở nên hung hãn vào mùa lũ. Nên nỗi lo của bà con cũng không phải là vô cớ.
 
Hiểu được điều đó, ông bền bỉ, kiên trì giải thích, vận động bà con. Đi từng ngõ, gõ từng nhà, không kể ngày thường, ngày nghỉ để vận động, phân tích thiệt hơn. Còn Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành (BQL DADTXD) NN-PTNT Trần Thị Hiếu, thời điểm đó còn là nhân viên, đã thường xuyên có mặt tại thôn Linh Cận Sơn, dùng tất cả “vốn liếng” của một kỹ sư thủy lợi để minh họa, giải thích cho bà con bằng cách đơn giản nhất về độ an toàn của công trình.
 
Để tháo gỡ “nút thắt” Linh Cận Sơn, Sở NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương. Dù có nhiều công trình đang triển khai cùng thời điểm, nhưng với ý nghĩa và tầm quan trọng của hệ thống thủy lợi Rào Nan, ban lãnh đạo sở xác định “Tất cả vì Rào Nan” và tập trung toàn lực cho “công trình thế kỷ” này.
 
Bên cạnh đội ngũ cán bộ gắn bó, sâu sát với cơ sở là sự quan tâm vào cuộc đặc biệt của cả hệ thống chính trị. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, TX. Ba Đồn, Sở NN-PTNT; các tổ chức mặt trận, đoàn thể, lực lượng vũ trang... đã đặt ưu tiên hàng đầu cho công trình trọng điểm Rào Nan. UBND tỉnh đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại để các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia đầu ngành trực tiếp trả lời những câu hỏi, sự băn khoăn, lo lắng của bà con. Thường trực Thị ủy Ba Đồn tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành trong tuyên truyền, vận động, nắm bắt sâu sát tình hình để có các giải pháp phù hợp với quyết tâm tháo gỡ bằng được “nút thắt” Linh Cận Sơn.
Nhờ hệ thống kè chống xói lở, thôn Linh Cận Sơn được bảo vệ an toàn và diện mạo ngày càng đổi thay tích cực.
Nhờ hệ thống kè chống xói lở, thôn Linh Cận Sơn được bảo vệ an toàn và diện mạo ngày càng đổi thay tích cực.
Để giúp bà con “mắt thấy tai nghe” về hiệu quả và độ an toàn của các công trình thủy lợi tương tự Rào Nan, Sở NN-PTNT đã tổ chức cho cán bộ và người dân thôn Linh Cận Sơn tham quan hồ chứa Cửa Đạt, đập dâng Bái Thượng (tỉnh Thanh Hóa); hồ chứa Ngàn Trươi, đập dâng Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh). Đây là những công trình có quy mô lớn hơn Rào Nan rất nhiều, nằm ngay cạnh các khu dân cư và tuyệt đối an toàn.
 
Sau gần hai năm kiên trì tuyên truyền vận động, tháng 12/2019, hệ thống thủy lợi Rào Nan được làm lễ khởi công. Tuy nhiên tại thời điểm này, người dân vẫn tổ chức biểu tình ngăn cản thi công. Đỉnh điểm, trước những yêu sách của một số cá nhân có các hành động cực đoan, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT (thời điểm đó mới được cử phụ trách sở) đã “dũng cảm” ký cam kết về sự an toàn tuyệt đối của công trình.
 
Niềm vui lớn
 
Đơn vị thi công là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, là doanh nghiệp đã trúng thầu các công trình thủy lợi lớn của đất nước như hồ chứa nước Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), Ngàn Trươi (Hà Tĩnh), Thác Chuối (Quảng Bình)… và các công trình giao thông quan trọng của đất nước, của tỉnh với cam kết bảo hành 5 năm, trong khi quy định chỉ bảo hành 3 năm. Sự tham gia của một doanh nghiệp có uy tín đã góp phần củng cố niềm tin cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ công trình.
Những “nhân vật” trong câu chuyện của Rào Nan: Phó Giám đốc BQL DAĐTXD Sở NN-PTNT Trần Thị Hiếu; Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Trần Văn Huyễn (áo xanh) và ông Trần Đình Trường (áo trắng).
Những “nhân vật” trong câu chuyện của Rào Nan: Phó Giám đốc BQL DAĐTXD Sở NN-PTNT Trần Thị Hiếu; Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Trần Văn Huyễn (áo xanh) và ông Trần Đình Trường (áo trắng).
Tuy nhiên, một trong những yếu tố rất quan trọng nữa là trong năm 2019, Sở NN-PTNT đã tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư, gia cố công trình chống xói lở cho các hộ dân sống ven sông Rào Nan đoạn qua thôn Linh Cận Sơn với chiều dài 1,6km, tổng vốn đầu tư 28 tỷ đồng. Với đặc điểm địa hình và dòng chảy của đoạn sông này, công trình được áp dụng công nghệ hiện đại nhất dùng để chống xói lở kè biển là cừ ván bằng bê tông. Trong suốt quá trình thi công, người dân Linh Cận Sơn, trong đó có những người từng ký đơn phản đối việc xây dựng hệ thống thủy lợi Rào Nan đã theo dõi chặt chẽ.
 
Ông Trần Đình Trường, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Linh Cận Sơn cho biết: “Khi được chứng kiến quá trình thi công kè chống xói lở, tôi đã tin tưởng, yên tâm và hoàn toàn đồng thuận về việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Rào Nan”.
 
Hệ thống thủy lợi Rào Nan bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp là 1.800ha; cấp nước tạo nguồn 22.000m3/ngày đêm cho sinh hoạt của 22 xã, phường thuộc TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch; cấp nước cho công nghiệp với lưu lượng 12.000m3/ngày đêm; cải tạo tiểu khí hậu vùng, an toàn lũ cho hạ du... Với 15 cửa van xả lũ có tổng chiều dài 150m, đây là công trình có hệ thống cửa xả lũ lớn nhất tỉnh.
 
Dự án có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành của Bộ NN-PTNT, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Đưa vào sử dụng từ vụ đông-xuân 2022, chính thức bàn giao vào tháng 4/2023, hệ thống thủy lợi Rào Nan đã chứng minh hiệu quả thiết thực, bảo đảm hoàn toàn các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Báo Quảng Bình
 
>>> Bài 2: Công trình của ý Đảng-lòng dân