Chuyện của Rào Nan - Bài 2: Công trình của ý Đảng-lòng dân 
Trên tấm biển hiệu công trình, cùng với những thông tin khái quát về hệ thống thủy lợi Rào Nan là những dòng tri ân công lao của cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan, người đã có công trong việc xây dựng công trình thủy lợi Rào Nan vào những năm 70 của thế kỷ trước. Sau hơn 50 năm, với “phiên bản mới” hệ thống đập thủy lợi Rào Nan đang phát huy sức mạnh, là mạch nguồn mang lại ấm no cho nhân dân, nối dài khát vọng của thế hệ cha anh.
 
 
Đường hoàn trả vượt lũ, tuyến giao thông huyết mạch nối các địa phương thuộc TX. Ba Đồn với xã Cao Quảng (Tuyên Hóa).
Đường hoàn trả vượt lũ, tuyến giao thông huyết mạch nối các địa phương thuộc TX. Ba Đồn với xã Cao Quảng (Tuyên Hóa).
Khát vọng và hiện thực
 
Vị trí hiện tại của hệ thống thủy lợi Rào Nan cũng là vị trí con đập cũ được cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan chỉ đạo xây dựng và hoàn thành hơn nửa thế kỷ trước. Đây là đoạn lòng sông hẹp nhất, thuận lợi cho quá trình thi công. Khi tiến hành xây dựng đập thủy lợi Rào Nan “phiên bản mới”, đơn vị tư vấn tiến hành khoan thăm dò ở một vị trí cách đập cũ vài chục mét về phía thượng lưu. Khi khoan sâu đều gặp các tầng đá, không bảo đảm yêu cầu của công trình.
 
Tại vị trí cũ, việc khoan thăm dò cho thấy nơi đây phù hợp yêu cầu về địa chất, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao của công trình. Công trình hiện tại càng mang đậm dấu ấn, tầm nhìn và bản lĩnh của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan, người được nhân dân Quảng Bình, đặc biệt là các địa phương của huyện Quảng Trạch cũ (nay là huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn), vô cùng tin yêu, kính trọng và biết ơn.
 
Hệ thống thủy lợi Rào Nan hoàn thành và đưa vào sử dụng đã bảo đảm tưới tiêu cho 1.800ha lúa 9 xã vùng Nam TX. Ba Đồn, phủ xanh các diện tích ruộng lúa trước đây từng bị bỏ hoang trong vụ hè-thu. Đang là cao điểm của mùa hè nhưng những cánh đồng của TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch vẫn mang màu xanh mát mắt. Kênh mương nước đầy ăm ắp chảy về từng ruộng lúa.
Biển hiệu công trình với thông tin khái quát về hệ thống thủy lợi Rào Nan và những dòng tri ân công lao của cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan.
Biển hiệu công trình với thông tin khái quát về hệ thống thủy lợi Rào Nan và những dòng tri ân công lao của cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan.
Bên cạnh đó, “giấc mơ” sử dụng nước sạch của 22 xã thuộc TX. Ba Đồn và huyện Quảng Trạch đã thành hiện thực. Đặc biệt, đối với cư dân 4 thôn cồn bãi xã Quảng Minh, ngày dòng nước Rào Nan ngọt mát vượt sông Gianh đến với từng ngôi nhà là thời khắc lịch sử. “Nỗi lo thiếu nước sạch của người dân làng tôi triền miên qua nhiều thế hệ, chưa ai dám nghĩ sẽ có một ngày được dùng nước máy. Nhưng nhờ Rào Nan, giờ làng cồn bãi cũng như phố thị, nước máy đến tận từng nhà, chấm dứt cảnh ngóng chờ mưa hay phải mua nước với giá vô cùng đắt đỏ”, ông Nguyễn Khắc Tâm (SN 1942, thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh) phấn khởi cho biết.
 
Tương tự, tại một số xã khác trong vùng, đặc biệt là xã Quảng Văn, nước Rào Nan không chỉ tưới tắm cho những cánh đồng làng, mà “cơn ác mộng” mỗi mùa hè phải mua nước ngọt sinh hoạt với giá rất cao đã trở thành quá khứ. Có thể nói, nhờ hệ thống thủy lợi Rào Nan, giấc mơ ngàn đời của người dân các xã vùng cồn bãi Quảng Minh, Quảng Văn đã thành hiện thực.
 
Đường đến ấm no 
 
Chạy song song dòng Rào Nan ngược về phía xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) là con đường rộng thênh thang và đẹp như dải lụa. Với chiều dài gần 5km, con đường mang ý nghĩa rất lớn với người dân xã Cao Quảng bởi sự có mặt của nó đã chấm dứt nỗi lo bị mưa lũ chia cắt trong những năm qua.
 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Trần Hoài Nam cho biết: “Đây là đường hoàn trả vượt lũ, một trong những hạng mục của dự án. Trước đây, tuyến đường cũ chạy ven lòng hồ, chỉ cần vài trận mưa lớn kết hợp triều cường hoặc nước lũ từ thượng nguồn đổ về là ngập sâu trong nước, các hoạt động cứu hộ, cứu nạn rất khó khăn. Nay với thiết kế mới, đồng bộ, tuyến đường hoàn trả vượt lũ bảo đảm an toàn trong mọi thời điểm, thuận lợi cho hoạt động lưu thông của người dân trong khu vực”.
 
Con đường tựa vào núi và bên kia là dòng Rào Nan biếc xanh, được Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thi công bảo đảm cả về chất lượng và thẩm mỹ, đã trở điểm “check in” của nhiều người dân, du khách khi đi qua đây.
 
Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương cho biết, đây là con đường huyết mạch nối Cao Quảng với các địa phương thuộc TX. Ba Đồn. Bởi người dân Cao Quảng thuê ruộng tại TX. Ba Đồn để sản xuất và ngược lại không ít hộ dân ở TX. Ba Đồn kinh doanh tại Cao Quảng. Dù là một hạng mục nhỏ trong hệ thống thủy lợi Rào Nan nhưng sự kết nối của con đường đã tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
 
Vững chãi và duyên dáng nối đôi bờ Rào Nan, đứng từ phía hạ nguồn hay thượng nguồn đều có thể nhìn rõ công trình với hai chữ RÀO NAN nổi bật. Và nếu thượng nguồn là mặt sông khá bình yên và phẳng lặng, thì phía hạ nguồn, hệ thống 10 cống xả kết hợp sức mạnh của nước đã tạo nên khung cảnh hùng vĩ với dòng nước tung bọt trắng xóa, những ngày mưa lũ là “cầu vồng nước” cuồn cuộn, mờ ảo. Sự kết hợp của trí tuệ, bàn tay con người và khung cảnh trữ tình, khoáng đạt của thiên nhiên nơi đây đã tạo nên vẻ đẹp mới, là niềm tự hào của nhiều người dân địa phương.
Du khách “check in” tại Rào Nan.
Du khách “check in” tại Rào Nan.
Có mặt trong đoàn du khách “check in” Rào Nan, chị Đồng Thị Hương, thôn Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, cho biết, gia đình chị và nhiều bạn bè thường đến đây ngắm cảnh và chụp ảnh lưu niệm. Anh Nguyễn Đình Phẩm, Trưởng chi nhánh thủy nông Rào Nan cũng hồ hởi “khoe” chuyện du khách dập dìu ghé thăm Rào Nan, nhất là vào dịp cuối tuần.
 
Nói về những định hướng phát triển của địa phương, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Trần Văn Huyễn cho biết, nhiều con em của xã đã và đang có các ý tưởng phát triển du lịch. Đây là hướng đi mới được mở ra nhờ dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan và những công trình liên quan trong khu vực, như: Đường nối Quảng Sơn-Cao Quảng, đường bờ kè chống xói lở qua thôn Linh Cận Sơn, cầu nối đôi bờ Linh Cận Sơn-Hà Sơn…
 
“Cá nhân tôi tin tưởng và kỳ vọng vào hướng đi này. Để biến các ý tưởng thành hiện thực, chúng tôi sẽ xây dựng lộ trình và tiến hành hết sức thận trọng, bảo đảm phát huy được tiềm năng thế mạnh, giúp bà con nâng cao đời sống đồng thời giữ gìn tốt cảnh quan, môi trường”, ông Huyễn khẳng định.
 
Đổi thay to lớn
 
Trưởng chi nhánh thủy nông Rào Nan Nguyễn Đình Phẩm giới thiệu về hệ thống vận hành đập Rào Nan đầy tự hào. Việc hệ thống thủy lợi Rào Nan được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính và điện đã chấm dứt những tháng ngày vất vả của đội ngũ nhân viên. Trước đây, vào mùa hạn, 7 nhân viên tổ máy phải trực 24/24 giờ để bơm nước, việc này thường kéo dài từ 10-20 ngày. Khi sông cạn, họ phải nối ống ra giữa lòng sông, vô cùng vất vả. Tiền điện phục vụ bơm nước mỗi năm từ 1,5-2 tỷ đồng, dù vậy, nguồn nước vẫn không đủ cung cấp cho diện tích lúa của các địa phương.
Hệ thống van xả lũ được điều khiên bằng điện.
Hệ thống van xả lũ được điều khiên bằng điện.
“Đến nay thì trạm chỉ cần 2 nhân viên thay nhau theo dõi trên máy tính và vận hành hệ thống điện điều khiển cống, van xả, rất hiện đại và hiệu quả. Qua hệ thống kênh mương, nước tự chảy về các xã thoải mái, không lo thiếu hụt như trước đây. Các thông tin dữ liệu được kết nối về công ty nên mọi diễn biến đều được cập nhật kịp thời. Những dữ liệu này còn góp phần quan trọng vào công tác cảnh báo, phòng chống thiên tai trong khu vực, mang lại rất nhiều lợi ích”, anh Phẩm cho biết thêm.
 
Trải qua rất nhiều khó khăn, thành công của công trình thủy lợi Rào Nan còn góp phần rất quan trọng làm đổi thay suy nghĩ, hành động của nhiều người. Ôn lại chuyện cũ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Linh Cận Sơn Trần Đình Trường thoáng chút trầm tư: “Ban đầu, do chưa hiểu lắm về công trình nên tôi chưa ủng hộ, việc này đã gây ra những khó khăn nhất định. Trong quá trình thi công, tôi và bà con đã theo dõi rất kỹ, thấy công trình được thực hiện rất nghiêm ngặt, chất lượng nên chúng tôi yên tâm và hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ. Nhờ công trình nên trong hơn hai năm thi công, nhiều con em địa phương có việc làm ổn định, đời sống cũng khấm khá hơn. Hiện tại, về nước sản xuất và sinh hoạt thì cả vùng đều được hưởng lợi. Nghĩ lại những ngày đầu, tôi cũng có chút hối hận!”, ông Trường chia sẻ.
 
“Không chỉ góp phần hoàn thành những mục tiêu chính, với tinh thần quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, vì lợi ích của nhân dân, quá trình triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi Rào Nan đã tháo gỡ thành công những “nút thắt” của công trình và cả trong lòng người dân, góp phần quan trọng tạo động lực phát triển mới cho vùng Nam thị xã”, Bí thư Thị ủy Ba Đồn Trương An Ninh khẳng định.
Ngọc Mai (Báo Quảng Bình)
>>> Bài 3: Rào Nan ngày mới