Mùa thu năm ấy... tiếng quân reo bên dòng Nhật Lệ 

Nằm phía bờ Nam sông Nhật Lệ, dọc theo đường thiên lý Bắc Nam, làng Võ Xá xưa (xã Võ Ninh bây giờ) thuộc “tứ danh hương” huyện Quảng Ninh. Trong Cách mạng tháng Tám, Võ Xá được chọn làm khu căn cứ Tỉnh bộ Việt Minh. Nhà nhóm thôn Trung trở thành nơi huấn luyện lực lượng tự vệ vũ trang chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. 78 năm trôi qua từ mùa thu năm ấy, trở lại Võ Ninh, vẫn thoáng nghe giữa đất trời tiếng quân reo vượt sông Nhật Lệ giành chính quyền phủ lỵ Quảng Ninh.

 
Ngược dòng lịch sử
 
Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Ninh và Lịch sử Đảng bộ xã Võ Ninh giai đoạn 1930-2000, do giữ vị trí chiến lược quan trọng nên làng Võ Xá có phong trào cách mạng phát triển từ rất sớm với các “hạt giống đỏ” như: Lê Đình Triển, Lê Đình Cương, Phạm Xuân Tuynh...
 
Ngày 9/5/1945, đồng chí Lê Đình Triển triệu tập cuộc họp gồm các đồng chí: Phạm Xuân Tuynh, Nguyễn Trung Thầm, Nguyễn Mạnh Can, Hồ Thắng, Hoàng Tư Canh trên một chiếc đò giữa dòng Nhật Lệ. Cuộc họp quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh phủ Quảng Ninh do đồng chí Lê Đình Triển phụ trách chung, đồng chí Phạm Xuân Tuynh phụ trách tổng Võ Xá.
Cụ Hoàng Thường cùng ký ức hào hùng những ngày mùa thu tháng tám.
Cụ Hoàng Thường cùng ký ức hào hùng những ngày mùa thu tháng tám.
Hội nghị cán bộ Việt Minh toàn tỉnh tổ chức vào ngày 4/7/1945 tại vực An Sinh (Lệ Thủy) thống nhất lực lượng Việt Minh lấy tên Việt Minh Cô Tám. Ban Chấp hành Việt Minh Cô Tám gồm 7 người do đồng chí Đoàn Khuê làm Chủ nhiệm. Tiếp thu tinh thần nội dung hội nghị An Sinh, từ trung tâm Võ Xá, các đồng chí cốt cán Việt Minh phủ Quảng Ninh nhanh chóng mở rộng tổ chức, phát triển lực lượng toàn phủ. Đồng chí Phạm Xuân Nghiễn giữ chức Chủ nhiệm Việt Minh làng Võ Xá.
 
Đầu tháng 8/1945, Tỉnh bộ Việt Minh di dời cơ quan lãnh đạo từ làng Mỹ Thổ, Trung Lực (Lệ Thủy) về làng Võ Xá. Sở dĩ, Tỉnh bộ Việt Minh chọn Võ Xá làm khu căn cứ bởi vì: “Võ Xá là nơi cơ sở cách mạng tương đối vững. Ở đây bộ máy ngụy quân, ngụy quyền chưa bị phá nhưng bọn lý hương ta nắm được, ta thành lập được chính quyền cánh mạng với tên gọi Ủy ban dân tộc giải phóng làng. Là nơi gần trung tâm tỉnh lỵ để kịp thời theo dõi những diễn biến của tình hình và để thuận tiện cho việc liên hệ với các cấp bộ địa phương, có điều kiện chỉ đạo phong trào nhanh chóng hơn”.
 
Thực hiện chủ trương của Tỉnh bộ Việt Minh gấp rút xây dựng lực lượng tự vệ vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, tại làng Võ Xá, việc tập trung tự vệ bắt đầu từ tháng 7/1945, chịu trách nhiệm huấn luyện tự vệ là cựu lính khố xanh, khố đỏ, binh lính bỏ ngũ được giác ngộ, như: Lê Thí, Lê Vẽ, Binh Lô, Binh Lén, Lê Thúc, Trương Tính... Các địa phương từ Quảng Trạch đến Lệ Thủy lựa chọn những hạt nhân trung kiên theo lớp huấn luyện. Từ chiến khu Trung Thuần (Quảng Trạch), một trung đội tự vệ gồm 40 người bí mật vào Võ Xá dự huấn luyện. Lực lượng tự vệ nòng cốt của tỉnh chính thức thành lập tại nhà nhóm thôn Trung lấy tên là Đội nghĩa quân.
 
Chủ tịch UBND xã Võ Ninh Nguyễn Duy Tiển chia sẻ: Phát huy truyền thống hào hùng những ngày Cách mạng tháng Tám, Võ Ninh đã có nhiều cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Qua hai cuộc kháng chiến, toàn xã có 13 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 245 liệt sỹ, 211 thương binh, bệnh binh. Hai tập thể và hai cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trước thời cơ cách mạng đến gần, Ban cán sự Quân sự tỉnh được thành lập tại làng Võ Xá do đồng chí Đoàn Khuê làm Trưởng ban. Lực lượng vũ trang tỉnh có 190 người (40 người trong Đội nghĩa quân quê quán Võ Xá, Trúc Ly). Về vũ khí trang cấp cho lực lượng vũ trang có 14 khẩu súng trường ở Trường Môn hỗ trợ; 100 khẩu súng trường khác và 1.000 viên đạn vận động Đồn bảo an Đồng Hới giao nộp; 20 khẩu súng do Lê Quýnh (anh ruột đồng chí Lê Đình Triển) chủ cơ sở thuốc Bắc ở Đồng Hới bí mật mua gửi. Ngoài ra, các lò rèn còn rèn thêm giáo mác, đại đao trang bị thêm cho lực lượng tự vệ.

Chiều 22/8/1945, nhân dân các xã vùng Nam, vùng giữa phủ Quảng Ninh tập trung tại đình làng Võ Xá với vũ khí cầm tay, cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ giương cao, sau đó kéo về bến phà, theo thuyền vượt sông Nhật Lệ qua bờ Bắc Quán Hàu. Rạng sáng 23/8, lệnh khởi nghĩa giành chính quyền được ban bố. Biển người trào lên như nước vỡ bờ, vây kín phủ lỵ Quảng Ninh. Chính quyền tay sai bị tê liệt hoàn toàn, đầu hàng vô điều kiện.
 
Vẹn nguyên ký ức một thời
 
Trở lại làng Võ Xá xưa, nơi trong Cách mạng tháng Tám là căn cứ địa của Tỉnh bộ Việt Minh. Trụ sở UBND xã Võ Ninh hiện tại ở vị trí trước đây là đình làng Võ Xá, điểm tập kết lực lượng cách mạng trước khi vượt sông Nhật Lệ giành chính quyền phủ lỵ Quảng Ninh và tỉnh lỵ Đồng Hới.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Duy Tiển: Đình làng Võ Xá tạo dựng từ năm 1705. Qua các thời kỳ, đình xây dựng lại quy mô to, đẹp hơn làm nơi thờ cúng Thành hoàng, tổ chức lễ hội, hành chính, việc làng. Chiều 22/8/1945, nhân dân trong vùng tập trung tại đình làng nghe Việt Minh phát lệnh Tổng khởi nghĩa. Đêm 22 rạng sáng 23/8, sang giành chính quyền ở phủ lỵ Quảng Ninh rồi tiến về Đồng Hới. Đình tồn tại đến năm 1965 thì bị bom Mỹ đánh sập.
Nhà nhóm thôn Trung là
Nhà nhóm thôn Trung là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
 
Thăm nhà nhóm thôn Trung, di tích lịch sử cấp quốc gia được xếp hạng năm 1993 gắn liền với quá trình thành lập, huấn luyện lực lượng tự vệ vũ trang Việt Minh Cô Tám trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ông Lê Minh Thức (SN 1949), cựu chiến binh chiến trường Campuchia, người trông coi nhà nhóm thôn Trung cho biết: “Hiện tại, di tích lịch sử được phục dựng nguyên bản với 5 gian nhà, cửa vào kiểu tò vò, mặt tiền khắc hàng chữ “Trung giáp hội gia”. Nhà nhóm thôn Trung thực sự là một “địa chỉ đỏ” thu hút rất nhiều người đến tham quan, tìm hiểu”.
 
Từ nhà nhóm thôn Trung, tôi tìm gặp cụ Hoàng Thường (SN 1931), nguyên Chủ tịch UBND xã Võ Ninh giai đoạn 1965-1970, đảng viên 63 năm tuổi Đảng. Trong ký ức cụ Thường, vẫn vẹn nguyên những hình ảnh một thời làng Võ Xá trở thành “cái nôi” cách mạng: “Tôi vốn mồ côi cả bố lẫn mẹ từ sớm. Năm 1945 chỉ mới 14 tuổi, cái tuổi chưa hiểu hết cách mạng là gì? Việt Minh là gì? Thế nhưng vì tò mò mà ngày nào cũng lén về nhà nhóm thôn Trung xem Việt Minh huấn luyện, đánh võ, luyện đại đao, tập bắn súng. Những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa, lực lượng tự vệ thường tổ chức tổng duyệt, diễu hành từ nhà nhóm thôn Trung ra đình làng Võ Xá, khí thế hừng hực, lý trưởng làng và tay sai từng cộng tác với giặc thấy tự vệ Việt Minh vội tránh xa, sợ bị cách mạng trừng trị”.
 
Chiều 22/8/1945, trong dòng người lên như thác đổ, vượt sông Nhật Lệ tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại phủ lỵ Quảng Ninh có cậu bé Hoàng Thường. Như mọi người dân, cậu hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam muôn năm!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Ngô Thanh Long (Báo Quảng Bình)