Đổi mới tư duy về giao thông
Để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trong tình hình mới, việc đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động là bức thiết, đòi hỏi sự quyết liệt trong lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng cũng như ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra hơn 16.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết hơn 9.000 người. Nói cách khác, bình quân mỗi ngày có khoảng gần 20 người chết vì TNGT. Những hệ lụy khôn lường do TNGT gây ra tác động trực tiếp, kéo lùi sự phát triển kinh tế-xã hội.
Tại Quảng Bình, mặc dù tỷ lệ TNGT giảm liên tục trong nhiều năm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Một số vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra và vì nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó, ý thức tham gia của một bộ phận người dân chưa cao, tình trạng nhiều người dân vi phạm pháp luật về giao thông, như: Lái xe sử dụng cồn, ma túy, phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép, gây rối trật tự công cộng; vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường, phần đường... vẫn còn xảy ra.
Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết, nhằm đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, đổi mới cách làm, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị cũng như từng bước hình thành văn hóa tham gia giao thông cho người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trong tình hình mới và được UBND tỉnh cụ thể hóa với Kế hoạch số 897/KH-UBND, ngày 12/5/2023.
Theo đó, việc đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm trật tự ATGT là động lực phát triển kinh tế-xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết.
Cùng với đó, thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong nhân dân.
Cụ thể, giải pháp trọng tâm là tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn phụ trách; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT.
Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông, phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về trật tự ATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị...
Tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, như: Điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, cơi nới thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải…, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn, ma túy nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen “đã uống rượu, bia-không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến nhân dân.
Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lê Văn Thủy, việc đổi mới tư duy tham gia giao thông bắt đầu từ những việc, như: Tích cực, chủ động tham gia giao thông bằng xe đạp, xe điện, phương tiện giao thông công cộng và đi bộ. Khi lái xe tham gia giao thông luôn tuân thủ quy định về tốc độ, nhường đường cho người đi bộ và phương tiện thô sơ khi đi qua khu vực đô thị và khu đông dân cư...
Bởi vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, đơn vị chức năng, việc người tham gia giao thông tự giác chấp hành quy định pháp luật về ATGT là rất quan trọng, góp phần hạn chế tối đa TNGT, từng bước hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng.
"Theo X.Phú, baoquangbinh.vn"
|
||