Tiếp tục lấy ý kiến góp ý Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) 
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) và luật có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2015. Sau 8 năm thi hành, các quy định của luật tạo hành lang pháp lý để TAND các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần vào sự phát triển nền tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, qua 8 năm, luật cũng bộc lộ một số hạn chế cần thiết phải bổ sung, sửa đổi.
 
 
Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Hữu Tuyến cho biết: Qua 8 năm triển khai, thực tiễn thi hành luật tồn tại những vướng mắc, bất cập và chưa hợp lý. Những vướng mắc, bất cập trong tổ chức và hoạt động của tòa án ảnh hưởng đến việc xây dựng hệ thống tòa án thống nhất, chuyên nghiệp, hiện đại. Từ đó, cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của tòa án theo chủ trương cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, yêu cầu hội nhập quốc tế, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.
 
Theo Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Hữu Tuyến: Các ý kiến tham gia góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) căn cứ những nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 của Bộ Chính trị, gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử; thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Các phiên tòa được tổ chức hợp lý, đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp.
Các phiên tòa được tổ chức hợp lý, đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án; hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của thẩm phán, hội thẩm khi xét xử. Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xây dựng tòa án điện tử.
 
Xác định thẩm quyền của các tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp; mở rộng thẩm quyền của tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Nghiên cứu làm rõ thẩm quyền của hội đồng xét xử khởi tố vụ án tại phiên tòa, những trường hợp tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử.
 
Quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp; của cơ quan tư pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền lập pháp.
 
Xác định rõ hệ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, kinh tế, xã hội và kinh nghiệm thực tiễn đối với từng chức danh, nhân lực tư pháp.
 
Đổi mới chính sách, chế độ tiền lương, thời hạn bổ nhiệm và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ tư pháp yên tâm công tác, liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là đối với đội ngũ thẩm phán...
 
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao, mới đây TAND tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đối với Đoàn ĐBQH tỉnh. Các đồng chí: Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào dự thảo luật. TAND tỉnh sẽ có trách nhiệm tổng hợp các ý kiến Đoàn ĐBQH tỉnh trình TAND tối cao xem xét, sửa đổi một cách khả thi, hợp lý nhất để khi Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành sẽ phát huy toàn diện, hiệu quả tại địa phương.

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 151 điều, 9 chương, trong đó bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức TAND năm 2014, dự thảo luật mới giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều. Bố cục dự thảo luật gồm: Những quy định chung; nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; hội đồng Tư pháp quốc gia; tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác trong TAND; hội thẩm; tổ chức xét xử; bảo đảm hoạt động của TAND và điều khoản thi hành.

Tham gia góp ý vào dự thảo luật, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Minh Tâm đề cập: Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cơ bản được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí theo hướng sửa đổi toàn diện, nhiều nội dung mới hoàn toàn. Tuy nhiên, cần thiết phải tranh thủ thêm ý kiến từ đội ngũ cán bộ tòa án. Với riêng hệ thống TAND tỉnh Quảng Bình, căn cứ vào đặc điểm tình hình địa phương, thực tiễn xét xử, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quá trình hoạt động mà đội ngũ cán bộ ngành Tòa án tỉnh cần đóng góp thêm nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) xác đáng, cụ thể hơn.
Theo Báo Quảng Bình