Tăng cường tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp: Cần sự chung tay của các cấp, các ngành 

Công tác giám định tư pháp đã được xác định là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó khẳng định tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hoá và phát triển các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong đó có giám định tư pháp; xây dựng đội ngũ “… giám định tư pháp đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội”.

Ngày 20 tháng 6 năm 2012, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật số 13/2012 giám định tư pháp. Từ đó đến nay, việc thi hành Luật Giám định tư pháp đã được thực hiện kịp thời, nghiêm túc; các sở, ban, ngành và tổ chức giám định tư pháp đã quan tâm củng cố, hoàn thiện tổ chức, đội ngũ người giám định tư pháp, hoạt động giám định tư pháp và quản lý nhà nước về giám định tư pháp. Công tác giám định tư pháp .ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả phục vụ tốt hơn cho hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục, chấn chỉnh, cụ thể: phần lớn đội ngũ người làm giám định tư pháp tại một số lĩnh vực ngoài các lĩnh vực có tổ chức giám định tư pháp công lập chưa được các sở, ban, ngành chủ quản đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu, chủ yếu dựa vào kiến thức chuyên môn thuần túy để thực hiện giám định, nên khi thực hiện giám định còn lúng túng, khó khăn; một số giám định viên kiêm nhiệm và người giám định tư pháp theo vụ việc còn tâm lý e ngại, không muốn làm giám định vì trách nhiệm pháp lý; một số trường hợp việc giám định kéo dài ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án;...

Để tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tình và các tổ chức giám định tư pháp công lập cần tăng cường quán triệt, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật (Luật Giám định tư pháp, Luật sừa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 và Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phú quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp), Đề án “Tiếp tục đồi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ và Nhân dân về vai trò, vị trí của công tác giám định tư pháp, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai công tác giám định tư pháp.

Tiếp tục thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác giám định thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực, tập trung vào các công việc sau:

Rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ người làm giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực quản lý để đáp ứng kịp thời, chất lượng yêu cầu của hoạt động tố tụng; có kế hoạch xây dựng nguồn bổ nhiệm giám định viên tư pháp, công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, nhất là đối với các sở, ngành có nhu cầu giám định nhưng chưa có người giám định tư pháp hoặc đội ngũ người giám định tư pháp còn ít;

Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ; bảo đảm kinh phí, tạo điều kiện cho đội ngũ người làm giám định tư pháp tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định;

Bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện, thời gian và điều kiện cần thiết khác cho tổ chức, người giám định tư pháp hoặc công chức thuộc cơ quan, đơn vị mình được cử, phân công làm giám định;

Kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền động viên, tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tồ chức làm giám định đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định hoặc đóng góp tích cực, tham gia có hiệu quả vào hoạt động giám định tư pháp phục vụ đắc lực cho hoạt động tố tụng ở địa phương;

Kiến nghị với các Bộ, ngành quản lý chuyên môn hoàn thiện các quy trình giám định về các lĩnh vực hiện đang được phân cấp cho đơn vị thực hiện; kịp thời đề xuất điều chỉnh các quy trình giám định đã được ban hành nhưng có vướng mắc, bật cập hoặc không phù hợp với thực tiễn.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động giám định tư pháp; kịp thời phân công người giám định tư pháp có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm phù họp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định. Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trong việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định; chỉ từ chối trưng cầu, yêu cầu giám định trong các trường hợp mà pháp luật quy định.

Ảnh. Người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang thực hiện giám định vụ khai thác rừng tại xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa

Phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp trong ngành, lĩnh vực của cơ quan, đơn vị phụ trách.

Đối với Sở Tư pháp: Tăng cường vai trò, trách nhiệm là đầu mối trong quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tại địa phương; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc của hoạt động giám định, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật chung về giám định tư pháp cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước về giám định tư pháp; nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh ban hành hoặc trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành chính sách thu hút các chuyên gia, tổ chức chuyên môn có năng lực tham gia hoạt động giám định. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Đối với Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh: Chỉ đạo, hướng dẫn trong hệ thống cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện thống nhất quy trình, thủ tục trưng cầu giám định tư pháp; đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Phối hợp chặt chẽ với tổ chức giám định xác định đúng, đủ, rõ nội dung trưng cầu giám định, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giám định; xây dựng cơ chế thông tin, phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với tổ chức thực hiện giám định tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đánh giá, dự báo nhu cầu giám định để làm cơ sở cho việc rà soát, củng cố tổ chức giám định tư pháp và người giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Đối với các tổ chức giám định tư pháp công lập (Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y, Sở Y tế và Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh): Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức giám định chuyên trách; rà soát các quy định của pháp luật về giám định tư pháp, phân loại những quy định hợp lý, bất cập để đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, các cơ sở khám chữa bệnh để xây dựng quy trình tiếp nhận yêu cầu giám định, trưng cầu giám định, quy trình thực hiện giám định đảm bảo việc ban hành kết luận giám định đúng trình tự, thủ tục. Đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định; đề xuất phù hợp với khả năng đáp ứng ngân sách của địa phương, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đối với Sở Y tế: Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cung cấp hồ sơ bệnh án cho cơ quan trưng cầu giám định, tổ chức giám định tư pháp; thực hiện giám định pháp y, y khoa đầy đủ, kịp thời, khách quan, chính xác, nhất là đối với các vụ việc phục vụ công tác điều tra.

Đối với Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới: Cung cấp kịp thời hồ sơ bệnh án cho cơ quan trưng cầu giám định, tổ chức giám định tư pháp; hỗ trợ chuyên môn, cung cấp tài liệu có liên quan cho các tổ chức giám định trong quá trình thực hiện giám định.

Đối với Sở Tài chính: Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, hàng năm tham mưu bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác giám định tư pháp theo phân cấp ngân sách hiện hành, quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Thanh Minh (Phòng Nội chính)