Công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh ta: Những kết quả đạt được 

Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó giám định tư pháp được xác định là một trong những nội dung quan trọng của lĩnh vực bổ trợ tư pháp cần cải cách. Ngày 20 tháng 6 năm 2012, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật số 13/2012 giám định tư pháp. 

Để tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, pháp luật về giám định tư pháp, chính sách xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp đến với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân, Đài Truyền hình Quảng Bình, Bản tin Tư pháp Quảng Bình, Website Sở Tư pháp Quảng Bình mở chuyên mục “Pháp luật và đời sống”. Nội dung tuyên truyền, phổ biến gồm Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Luật Giám định tư pháp, các văn bản hướng dẫn thi hành và Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trên địa bàn tỉnh được ban hành kèm theo Kế hoạch số 456/KH-UBND ngày 02/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về vị trí, vai trò của hoạt động giám định tư pháp trong việc góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh triển khai giám sát công tác giám định giám sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về giám định pháp y trong tố tụng hình sự

và tố tụng dân sự trên địa bàn tỉnh đối với Đảng ủy Công an tỉnh

UBND tỉnh đã thực hiện việc tổng kết, đánh giá 05 năm triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp; tổng kết tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; đánh giá thực tiễn công tác giám định tư pháp phục vụ xây dựng Đề án đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp. Qua công tác tổng kết đã đánh giá các quy định của pháp luật về giám định tư pháp, kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Tổ chức việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP; dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; dự thảo Thông tư quy định mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp; dự thảo Đề án đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp.

Về bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định, ngoài việc bố trí kinh phí định kỳ hằng năm cho các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác giám định tư pháp theo phân cấp ngân sách hiện hành, quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và các tổ chức giám định công lập đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định để đề xuất xem xét đầu tư theo thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với khả năng của ngân sách địa phương, bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác giám định. Hiện nay, Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y và Phòng Kỹ thuật hình sự đều được bố trí trụ sở làm việc riêng, đã được đầu tư trang cấp thiết bị, phương tiện cơ bản phục vụ cho hoạt động giám định tư pháp.

Việc rà soát, điều chỉnh để công nhận tổ chức, cá nhân giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện thường xuyên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc gồm: Chi Cục chăn nuôi và Thú y, Chi cục Kiểm Lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Nghiệp vụ văn hóa và Phòng Quản lý Thể dục thể thao thuộc Sở Văn hóa và Thể thao; Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp đều được thực hiện theo đúng quy định của Luật, người bổ nhiệm giám định viên đều được cơ quan trình thẩm tra tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thời gian hoạt động thực tế chuyên môn và phẩm chất đạo đức.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 39 giám định viên tư pháp (gồm: 15 giám định viên trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự, 18 giám định viên trong lĩnh vực pháp y, 05 giám định viên trong lĩnh vực xây dựng, 01 giám định viên trong lĩnh vực khoa học công nghệ). Các giám định viên tư pháp đều có trình độ đại học và sau đại học phù hợp với chuyên ngành, có chứng chỉ đào tạo về giám định và kinh nghiệm công tác; có phẩm chất đạo đức, chuyên tâm và tâm huyết với nghề, độ tuổi trung bình của giám định viên là 48 tuổi.

Toàn tỉnh có 51 người giám định tư pháp theo vụ việc trong các lĩnh vực (lĩnh vực giao thông vận tải có 05 người, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có 20 người, lĩnh vực thông tin và truyền thông có 11 người, lĩnh vực tài nguyên và môi trường có 15 người). Hầu hết, người giám định tư pháp theo vụ việc đều có trình độ từ đại học trở lên, các kết luận giám định của người giám định tư pháp đều được các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ người giám định tư pháp theo vụ việc chưa được các cơ quan chủ quản đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu, quá trình thực hiện giám định tư pháp chủ yếu dựa vào kiến thức chuyên môn thuần túy.

Các sở, ngành và các tổ chức giám định công lập quan tâm công tác đào tạo, quy hoạch và phát triển nguồn cán bộ làm công tác giám định tư pháp, đã bố trí công chức phụ trách công tác giám định. Hằng năm, Sở Tư pháp, Sở Y tế và Công an tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên hoặc cử giám định viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ, ngành Trung ương tổ chức.

Các chế độ, chính sách đối với người giám định tư pháp được thực hiện cơ bản đầy đủ. Giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự đều được hưởng phụ cấp hệ số 0,3/mức lương cơ sở/tháng theo quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BTP ngày 17/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; giám định viên pháp y được hưởng chế độ ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập theo quy định của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ và chế độ thường trực theo quy định của Thông tư số 48/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế. Khi thực hiện giám định, giám định viên và người giám định tư pháp theo vụ việc đã được thanh toán tiền bồi dưỡng giám định tư pháp theo quy định tại Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

 Từ ngày 01/01/2018 đến 30/6/2023, các tổ chức giám định tư pháp công lập, người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã tiếp nhận và tiến hành giám định tổng số 9.265 vụ việc (năm 2018: 1.562 vụ việc; năm 2019: 1.312 vụ việc; năm 2020: 1.820 vụ việc; năm 2021: 1.839 vụ việc; năm 2022: 1.832 vụ việc; 6 tháng đầu năm 2023: 900 vụ việc). Hoạt động giám định tư pháp chủ yếu được thực hiện theo trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra), trong đó lĩnh vực giám định được trưng cầu về pháp y và kỹ thuật hình sự chiếm 96% (đã thực hiện 1.964 vụ việc thuộc lĩnh vực giám định pháp y, 6.858 vụ việc thuộc lĩnh vực kỹ thuật hình sự), các lĩnh vực giám định về: giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông tin và truyền thông và ngoại vụ... có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây (lĩnh vực giao thông, vận  tải, 81 vụ việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, 59 vụ việc trong lĩnh vực ngoại vụ); lĩnh vực xây dựng, văn hóa,... tỉ lệ thấp (05 vụ việc trong lĩnh vực xây dựng, 03 vụ việc trong lĩnh vực văn hóa); nhu cầu giám định trong giao dịch dân sự do đương sự tự yêu cầu giám định chưa phổ biến, phát sinh chủ yếu ở lĩnh vực y khoa, chuyên ngành giám định kỹ thuật, dấu vết tài liệu trong kỹ thuật hình sự,... Các vụ việc giám định đã được thực hiện đúng quy trình giám định theo quy định; việc tiếp nhận và giải quyết các quyết định trưng cầu giám định cơ bản đảm bảo thời hạn, trình tự giải quyết. Các tổ chức giám định chuyên trách đã chủ động nghiên cứu để mở các loại sổ theo dõi, quản lý vụ việc giám định, theo đó các loại sổ theo dõi đã phản ánh đúng đủ quy trình tiếp nhận, bố trí giám định viên, người giúp việc hoặc trợ lý, ban hành biên bản giám định, kết luận giám định, bàn giao kết luận giám định; phục vụ có hiệu quả việc tra cứu thông tin, thống kê số liệu, báo cáo. Đối với hoạt động giám định pháp y các kíp trực giám định đều bố trí đủ số lượng giám định viên, giúp việc hoặc trợ lý, có phân công 01 lãnh đạo làm trưởng kíp chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác giám định của kíp trực. Lịch trực, số điện thoại của trực lãnh đạo, thường trực đơn vị đều được gửi đến các cơ quan tiến hành tố tụng. Công tác bảo mật liên quan giám định đã được các tổ chức giám định và người giám định thực hiện nghiêm túc; các thông tin, hồ sơ, tài liệu đều đảm bảo theo chế độ tài liệu mức độ mật.

Từ 01/01/2018 đến 30/6/2023, có 136 vụ việc có kết luận giám định pháp y quá thời gian theo quy định (chiếm 0,07% vụ việc giám định pháp y và 0,01% vụ việc giám định tư pháp) trong đó có 129 kết luận giám định về nguyên nhân chết quá hạn, với nguyên nhân chủ yếu của việc ban hành kết luận giám định quá hạn là do cơ quan trưng cầu giám định chưa bổ sung hồ sơ, bệnh án điều trị, các kết quả giám định có liên quan; có 50 vụ việc/1.964 vụ việc trong lĩnh vực giám định pháp y thực hiện giám định bổ sung, giám định lại (02 vụ việc giám định lại và 48 vụ việc giám định bổ sung), chiếm 0,02%, do tại thời điểm giám định không bố trí đủ số lượng giám định viên và người giúp việc theo quy định và do tại kết luận giám định lần đầu có đề nghị Cơ quan điều tra trưng cầu giám định bổ sung sau khi bị hại được điều trị ổn định và xuất viện.

Về cơ bản, các kết luận giám định đều ban hành đúng hình thức, thể hiện đầy đủ các nội dung trưng cầu tại quyết định trưng cầu giám định; kết luận giám định đều có chữ ký của người giám định tư pháp được phân công giám định và phê duyệt của lãnh đạo đơn vị; trước khi ban hành kết luận giám định đều có biên bản giám định. Qua theo dõi, báo cáo của các sở, ngành và tổ chức giám định chưa có trường hợp nào cơ quan tiến hành tố tụng phải hủy án, trả hồ sơ điều tra bổ sung do kết luận giám định không đúng.

Việc thu, chi trả, sử dụng chi phí giám định tư pháp và thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định cho các đối tượng là người giám định tư pháp, điều tra viên, kiểm tra viên, thẩm định đều được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh chi phí giám định, định giá, Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14/8/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về chi phí giám định, định giá; chi phí người làm chứng, người phiên dịch trong hoạt động tố tụng; Thông tư số 215/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 Bộ Tài chính hướng dẫn về lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động trưng cầu giám định, định giá, triệu tập người làm chứng, người phiên dịch của cơ quan tiến hành tố tụng; Thông tư số 137/2014/TT-BTC ngày 18/9/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định tại Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.

UBND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ người giám định tư pháp; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động giám định tư pháp; các cơ quan tiến hành tố tụng và các tổ chức giám định chuyên trách đã thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin để phối hợp thực hiện công tác giám định ở địa phương, Do đó, tổ chức và hoạt động giám định tư pháp đã đạt được những kết quả cơ bản, phục vụ tốt hơn cho hoạt động tố tụng. Có thể nói, công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp có bước đổi mới quan trọng với việc “phân định” thẩm quyền, trách nhiệm, giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước với các sở, ngành quản lý lĩnh vực giám định, các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan, tổ chức liên quan tạo sự “tương tác” trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của hoạt động giám định góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Với vai trò là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý về giám định tư pháp, Sở Tư pháp đã tích cực ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành triển khai, thực hiện Luật, Đề án; chủ động đề xuất Ban Chỉ đạo Đề án định kỳ hàng năm tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ; phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh hoặc đề xuất, kiến nghị Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát về hoạt động giám định tại các tổ chức giám định chuyên trách và các cơ quan tiến hành tố tụng; thực hiện bồi dưỡng kiến thức pháp lý, chuyên môn, nghiệp vụ giám định cho đội ngũ giám định viên tư pháp.

Việc trưng cầu giám định được cơ quan tiến hành tố tụng các cấp thực hiện theo mẫu thống nhất của liên ngành tố tụng và ngày càng đi vào nền nếp. Việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định được các tổ chức, cơ quan giám định thực hiện nhanh gọn, nhất là đối với lĩnh vực có tổ chức chuyên trách như pháp y, kỹ thuật hình sự, hầu hết là đáp ứng kịp thời yêu cầu; việc tiếp nhận và thực hiện giám định trong những lĩnh vực không có tổ chức chuyên trách cũng từng bước được các Sở, ngành chuyên môn quan tâm tiếp nhận, thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng nói chung. Tuy nhiên, đối với một số vụ việc giám định trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng,... phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thời hạn thực hiện giám định một số vụ việc bị kéo dài.

Qua hơn 10 năm thi hành Luật, đến nay, còn một số văn bản chưa được một số Bộ, ngành Trung ương ban hành như: Quy trình giám định chuẩn ở một số lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, văn hóa, tài nguyên và môi trường, công thương, kế hoạch và đầu tư,  nông nghiệp và phát triển nông thôn…vẫn còn thiếu quy trình giám định chuẩn; Hướng dẫn về định mức chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí giám định ở các lĩnh vực đang khiến cho hoạt động giám định tư pháp còn có khoảng trống để thực thi trên thực tế; Hướng dẫn của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Trung ương về căn cứ, cách thức đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong các vụ án; Quy định cụ thể chỉ tiêu thống kê về giám định tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính.

Phần lớn đội ngũ người làm giám định tư pháp tại một số lĩnh vực ngoài các lĩnh vực có tổ chức giám định tư pháp chuyên trách chưa được các sở, ngành chủ quản đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu, chủ yếu dựa vào kiến thức chuyên môn thuần túy để thực hiện giám định, nên còn lúng lúng, khó khăn khi thực hiện giám định. Các giám định viên kiêm nhiệm thì chủ yếu làm công tác chuyên môn, không đủ thời gian và điều kiện tập trung vào công tác giám định, có tâm lý e ngại, không muốn làm giám định vì trách nhiệm pháp lý rất cao, trong khi các điều kiện để thực hiện giám định chưa bảo đảm. Một số lĩnh vực có nhu cầu giám định ngày càng tăng như tài chính, ngân hàng, xây dựng... nhưng không có tổ chức giám định đầu mối chuyên trách dẫn đến việc trưng cầu giám định gặp khó khăn. Trên địa bàn tỉnh chưa có Văn phòng giám định ở các lĩnh vực tài chính, xây dựng, ngân hàng và 3 chuyên ngành của lĩnh vực văn hóa là cổ vật, di vật, bản quyền tác giả được thành lập (theo Điều 14 Luật giám định tư pháp).

Đặc biệt, về hoạt động giám định tư pháp, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, nổi lên là:

Một số lĩnh vực giám định địa phương chưa có đủ điều kiện để giám định như giám định âm thanh, giám định độc chất, giám định kim loại, giám định sơn, xăng, dầu, pháp y tâm thần... nên cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu tổ chức giám định ở cấp trên, làm kéo dài thời gian giám định, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.

Việc thực hiện giám định ở một số lĩnh vực còn có những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nhất là những lĩnh vực chưa có hoặc thiếu quy trình giám định chuẩn… nên còn nhiều khó khăn, lúng túng trong việc lựa chọn phương pháp, cách thức tiến hành giám định, áp dụng các quy định về tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật của lĩnh vực chuyên môn, điển hình là lĩnh vực giám định pháp y thương tích (ở thời điểm khác nhau cho kết quả tỷ lệ tổn hại chênh lệch rất lớn, do chưa có quy định xác định thời điểm giám định hoặc người bị hại không đi giám định do bị đe dọa, mua chuộc, khống chế).

Điều kiện thực hiện giám định ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực giám định không có tổ chức chuyên trách như tài chính, ngân hàng, môi trường, giao thông, thông tin truyền thông... còn hạn chế, chưa thực sự được bảo đảm nên việc giám định bị chậm hoặc gặp nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giám định. Trong quá trình xem xét, đánh giá kết luận giám định, người tiến hành tố tụng còn lúng túng trong việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định; còn có tình trạng do không có sự thống nhất về nhận thức, quan điểm giữa các cơ quan tố tụng về việc cần hay không cần trưng cầu giám định hoặc đánh giá, sử dụng kết luận, phải trưng cầu giám định nhiều lần, kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Còn một số ngành chủ quản chưa thực sự quan tâm đến tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của mình; các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện thống kê, dự báo nhu cầu giám định và đánh giá chất lượng hoạt động giám định trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, nên các cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu thông tin, căn cứ thực tế để tổ chức, hoạt động giám định tư pháp và giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh.

Đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước còn mỏng (hai công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp,  trong khi phải triển khai nhiều nhiệm vụ trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp khác, đòi hỏi chuyên môn sâu và xã hội hóa mạnh như: công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại, giám định tư pháp...) và phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo  quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, Nghị định số 59/2019 ngày 01/7/2019 của Chính phủ, dẫn đến thiếu công chức có kiến thức chuyên sâu, giàu kinh nghiệm trong quản lý hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và hoạt động giám định tư pháp nói riêng.

Việc thu phí giám định tư pháp chưa có căn cứ pháp lý bảo đảm (Bộ Tài chính chưa ban hành văn bản để thay thế Thông tư số 50/2014/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự đã hết hiệu lực tại Quyết định số 2840/QĐ-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính). Các quy định về chế độ, chính sách chưa được thay đổi cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay nên chưa động viên, khuyến khích đối với người giám định tư pháp.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trước hết là do một số quy định chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, yêu cầu tập trung giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng,.. Mặt khác, hoạt động giám định tư pháp liên đến quy định của nhiều luật chuyên ngành (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính...) trong khi các văn bản này còn có một số quy định chưa phù hợp, đôi khi chồng chéo, chưa thống nhất với Luật gây khó khăn cho hoạt động trưng cầu giám định, thực hiện giám định.

Hai là: Nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt là của người đứng đầu chưa xác định đầy đủ về tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng cũng như trách nhiệm của cơ quan mình đối với công tác giám định tư pháp. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giám định tư pháp ở một số cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao.

Ba là: Đội ngũ người giám định tư pháp còn mỏng, nhất người giám định tư pháp trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế hoạch đầu tư, trong khi đó chế độ, chính sách cho người giám định tư pháp theo vụ việc còn chưa tương xứng với trách nhiệm pháp lý nên phần nào ảnh hưởng đến việc khuyến khích, phát triển đội ngũ người giám định tư pháp.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giám định tư pháp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các ngành, các cấp, cán bộ và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác giám định tư pháp, đề cao vai trò của hoạt động giám định tư pháp tương xứng với tiến trình cải cách tư pháp, và định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền.

Thứ hai: Tổ chức rà soát các quy định của pháp luật về giám đinh tư pháp để kịp thời đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp nói chung và phát triển các Văn phòng giám định tư pháp nói riêng.

Thứ ba: Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động, cung cấp thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp với các tổ chức giám định tư pháp và các cơ quan tố tụng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giám định.

Thứ tư: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp, trong đó làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động giám định tư pháp nhằm kịp thời chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động giám định tư pháp.

Thứ năm: Rà soát nguồn nhân lực bổ nhiệm, công nhận người giám định tư pháp trong các lĩnh vực giám định có nhu cầu giám định nhưng chưa có người giám định tư pháp để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ người giám định tư pháp; tăng cường các hình thức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ người giám định tư pháp bảo đảm đáp ứng kịp thời, chất lượng yêu cầu của hoạt động tố tụng. Có hình thức khen thưởng để kịp thời động viên đội ngũ người giám định tư pháp.

Thứ sáu: Tăng cường công tác chỉ đạo hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tổ chức giám định tư pháp; có biện pháp hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị nhằm giúp cho tổ chức giám định tư pháp hoạt động có hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các vụ việc yêu cầu giám định đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng cao.

Sáu Văn (Phòng Nội chính)