Vượt qua áp lực, nâng cao chất lượng xét xử 
 Năm 2023, trên địa bàn huyện Quảng Ninh, số lượng các vụ án gia tăng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ Tòa án nhân dân (TAND) huyện phải nỗ lực hết mình, vượt qua nhiều áp lực, đổi mới và nâng cao hình thức, chất lượng xét xử.
 
Một thẩm phán thụ lý, xét xử... 100 vụ, việc
 
Năm 2023, TAND huyện Quảng Ninh thụ lý 302 vụ, việc, trong đó đã giải quyết 299 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,33%.
 
Chánh án TAND huyện Quảng Ninh Nguyễn Thị Nhàn cho biết: “Đội ngũ cán bộ tòa án gồm 13 người nhưng chỉ có 3 thẩm phán, 4 thư ký, 1 thẩm tra viên. Khi số vụ án, vụ việc gia tăng, nhân sự giữ nguyên thì các thẩm phán động viên nhau cùng gánh vác việc chung, bảo đảm tỷ lệ xét xử, chất lượng xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất việc tồn đọng án, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán”.
 
Với 302 vụ, việc TAND huyện Quảng Ninh tiếp nhận năm 2023 thì mỗi thẩm phán trực tiếp thụ lý bình quân 100 vụ, việc (mức quy định của TAND tối cao thì thẩm phán tòa án cấp huyện chỉ giải quyết 96 vụ, việc/năm; định mức xét xử của Chánh án bằng 30% định mức thẩm phán; Phó Chánh án bằng 60% định mức thẩm phán); riêng Chánh án Nguyễn Thị Nhàn thụ lý 103 vụ, việc. Mặc dù chịu áp lực vì số lượng các loại án gia tăng (so với cùng kỳ năm 2022, số vụ, việc thụ lý tăng 77 vụ; số vụ án đã giải quyết tăng 94 vụ) nhưng TAND huyện Quảng Ninh vẫn được TAND tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 
Một phiên tòa do TAND huyện Quảng Ninh xét xử theo hình thức trực tuyến.
Một phiên tòa do TAND huyện Quảng Ninh xét xử theo hình thức trực tuyến.
Về án hình sự, TAND huyện Quảng Ninh thụ lý và giải quyết 60 vụ với 88 bị cáo, đạt tỷ lệ 100%, trong đó bản án có kháng cáo chỉ 7 vụ, 7 bị cáo. Công tác giải quyết, xét xử án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp xét xử oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Hội đồng xét xử (HĐXX) chú trọng việc tranh tụng tại tòa, đưa ra các phán quyết tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội, dư luận xã hội đồng tình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
 
Về án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, tòa án tiếp nhận 242 vụ, việc; đã giải quyết 239 vụ, việc, đạt tỷ lệ 98,1%, trong đó có 105 vụ, việc dân sự; hôn nhân và gia đình 132 vụ (tỷ lệ giải quyết đạt 100%); án kinh doanh thương mại 5 vụ.
 
Trong giải quyết các loại án dân sự, TAND huyện Quảng Ninh chú trọng đi sâu tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp để giải thích, vận động đương sự; kiên trì hòa giải giúp các bên đương sự tự thỏa thuận. Năm 2023, TAND huyện Quảng Ninh hòa giải thành 38 vụ trong 74 vụ, việc chuyển sang hòa giải, đối thoại.
 
Gia tăng các vụ án, vụ việc liên quan đến FLC
 
Cũng theo Chánh án TAND huyện Quảng Ninh Nguyễn Thị Nhàn: Số vụ án, vụ việc liên quan đến FLC gia tăng trong năm 2023 và dự báo sẽ tăng trong năm 2024. Cụ thể, năm 2023, TAND huyện Quảng Ninh thụ lý giải quyết 15 vụ án công dân khởi kiện Công ty TNHH FLC Quảng Bình Beach&Gold Resort (Công ty TNHH FLC Quảng Bình) về tranh chấp hợp đồng đặt cọc đầu tư bất động sản (BĐS) tại dự án FLC ở xã Hải Ninh; 16 vụ án khác về tranh chấp tín dụng giữa các ngân hàng với tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư BĐS thuộc dự án FLC.
 
Các vụ án liên quan đến Công ty TNHH FLC Quảng Bình do TAND huyện Quảng Ninh xét xử bảo đảm đúng trình tự, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
 
“Các vụ án dân sự chủ yếu là ly hôn, tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng đặt cọc, hợp đồng tín dụng giữa những tổ chức, cá nhân, TAND huyện Quảng Ninh khi thụ lý đều chú trọng tuyên truyền, vận động để các bên đương sự tự thỏa thuận với nhau, trong đó có các vụ, việc liên quan đến Công ty TNHH FLC Quảng Bình. Chỉ khi nào đương sự không thể thỏa thuận được mới quyết định đưa vụ án ra xét xử công khai”, Chánh án TAND huyện Quảng Ninh Nguyễn Thị Nhàn cho biết thêm.

Đơn cử, tháng 2/2023, TAND huyện Quảng Ninh xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự giữa nguyên đơn Lã Hà T. (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) và bị đơn Công ty TNHH FLC Quảng Bình. Năm 2018, ông Lã Hà T. và Công ty TNHH FLC Quảng Bình ký kết hợp đồng mua BĐS Shophouse tại xã Hải Ninh. Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Lã Hà T. đã nộp tiền cọc cho Công ty TNHH FLC Quảng Bình trên 3,235 tỷ đồng. Từ tháng 4/2019 (thời điểm cam kết giao BĐS) đến khi nguyên đơn khởi kiện ra tòa án, Công ty TNHH FLC Quảng Bình không giao BĐS cũng như không trả lại tiền cọc cho ông Lã Hà T.

Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ, văn bản liên quan, TAND huyện Quảng Ninh tuyên xử Công ty TNHH FLC Quảng Bình vi phạm nghĩa vụ thực hiện các hợp đồng mua bán BĐS, buộc phải có trách nhiệm trả cho ông Lã Hà T. số tiền đã đặt cọc hơn 3,235 tỷ đồng và tiền phạt gần 336 triệu đồng.
 
Tương tự, tháng 6/2023, TAND huyện Quảng Ninh tiến hành xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự giữa nguyên đơn Lương Quỳnh H. (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) và bị đơn Công ty TNHH FLC Quảng Bình. Vì tin tưởng Công ty TNHH FLC Quảng Bình, bà Lương Quỳnh H. đặt cọc mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất tại dự án FLC, số tiền gần 1,1 tỷ đồng. Quá thời hạn cam kết giao BĐS, bà Lương Quỳnh H. khởi kiện Công ty TNHH FLC Quảng Bình ra TAND huyện Quảng Ninh.
 
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên buộc Công ty TNHH FLC Quảng Bình trả lại cho bà Lương Quỳnh H. gần 1,1 tỷ đồng tiền đặt cọc và hơn 313 triệu đồng tiền phạt.
Theo Báo Quảng Bình