Chuyện ở Trường Sơn 

Là xã miền núi đặc biệt khó khăn, những năm qua, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) đã nhận được sự quan tâm sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Cùng với những khởi sắc quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội, nhận thức của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đã từng bước được nâng cao. Đặc biệt, sự chuyển biến tích cực trong suy nghĩ, nhận thức của đồng bào đã mang đến những đổi thay đầy hứa hẹn!

Ngày ấy…
 
Trong câu chuyện của mình, nhiều chị em phụ nữ dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn kể, từ nhỏ, chị em đã nặng gánh việc nhà. Đặc biệt, sau khi kết hôn, gánh nặng đó dường như nhân đôi khi trong vai trò người vợ, người mẹ, họ còn phải lo lên nương lên rẫy. Có nhiều người, ngay cả khi đau ốm hoặc mang thai, nuôi con nhỏ, sức khỏe sa sút nặng nề vẫn không dám nghỉ ngơi. Hầu hết những người chồng, bố mẹ chồng đều chưa có sự chia sẻ, cảm thông, thay vào đó mặc định việc nhà, nuôi dạy con và cả nương rẫy đều là trách nhiệm của người vợ.
 
Không chỉ có thế, chị em không được tham gia vào những “việc lớn” trong gia đình. Khi mạnh dạn góp ý, có chị còn bị chồng đuổi đánh, cho rằng đàn bà không hiểu biết nên chỉ làm việc nhà, không đủ tư cách để thảo luận “việc lớn”. Kết hôn sớm và sinh nhiều con, bận chăm sóc con nhỏ nên kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào vai trò người chồng, các chị càng không có tiếng nói trong gia đình. Có chị gặp phải người chồng mê rượu chè, không chăm chỉ làm ăn, cuộc sống càng chồng chất khó khăn và cả bạo lực.
Chị Hồ Thị Nhân (bản Trung Sơn, xã Trường Sơn) chia sẻ về trường hợp tảo hôn và giải pháp ngăn chặn.
Chị Hồ Thị Nhân (bản Trung Sơn, xã Trường Sơn) chia sẻ về trường hợp tảo hôn và giải pháp ngăn chặn.
Chị Hồ Thị Ngần, bản Khe Cát may mắn có người chồng chăm lo làm ăn nhưng ở tuổi 17 với hai con nhỏ, mẹ chồng mắc bệnh nan y và qua đời, không có người phụ giúp, Ngần phải thức khuya dậy sớm chăm con và phụng dưỡng bố chồng. Cuộc sống quá nhọc nhằn đối với người phụ nữ trẻ và áp lực với người chồng khi 4 miệng ăn trong gia đình đều trông cậy vào anh.
 
Những câu chuyện, hoàn cảnh trên khá phổ biến trong đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn. Tảo hôn, sinh con sớm, không có việc làm ổn định, nghèo khó, bỏ học, tảo hôn… là vòng tròn luẩn quẩn của nhiều thế hệ phụ nữ Bru-Vân Kiều nơi đây.
 
…và bây giờ!
 
Xã Trường Sơn là địa phương được chọn làm điểm triển khai dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 do Hội LHPN tỉnh chủ trì. Một năm qua, trên địa bàn xã đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực.
 
Đó là thành lập các tổ truyền thông cộng đồng, câu lạc bộ (CLB)“Thủ lĩnh của sự thay đổi”, “Địa chỉ tin cậy” với nhà tạm lánh cộng đồng, các hoạt động có sự tham gia của cán bộ địa phương, thôn, bản, thầy cô giáo, học sinh và đồng bào. Các tổ truyền thông cộng đồng, CLB đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, phù hợp thực tiễn và thu hút được đông đảo đồng bào tham gia, như: Truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong gia đình; hướng dẫn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; khơi dậy ước mơ được học tập của trẻ em đồng bào DTTS.
 
"Những kết quả rõ nét bước đầu có thể thấy là thông qua các hoạt động truyền thông, sinh hoạt CLB, hội thi, tập huấn…, đội ngũ cán bộ thôn, bản đã tiếp cận tốt các kiến thức, kỹ năng, tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp và nói lên ý kiến của mình. Chị em phụ nữ cũng như nam giới thấy được tầm quan trọng của bình đẳng giới, quan tâm hơn đến vấn đề bạo lực gia đình. Nhiều nam giới là cán bộ thôn, bản đã tham gia các hoạt động rất nghiêm túc, đóng góp nhiều ý kiến để thay đổi định kiến giới. Một ví dụ rất điển hình như kỹ năng sinh con an toàn đã nhận được sự quan tâm của nam giới với nhiều ý kiến nhằm bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho phụ nữ, trẻ em!”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Ninh Nguyễn Thị Như Ngọc chia sẻ.

Đặc biệt, sự tham gia của những chị em hội viên là người trong cuộc đã tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, hành động không chỉ của riêng phụ nữ mà cả nam giới trong cộng đồng. Sau khi được tham gia tập huấn, Trưởng bản Đá Chát Hồ Thị Thư đã tuyên truyền với người thân trong gia đình. Tiếp đó, với vai trò trưởng bản, chị đã tổ chức các hoạt động lồng ghép để nói cho bà con hiểu về bình đẳng giới, bạo lực gia đình…

Ai chưa hiểu thì chị đến tận nhà kiên trì trò chuyện, vận động. Hoạt động truyền thông giúp bà con nhận diện được các hành vi bạo lực gia đình; vai trò, vị trí, trách nhiệm và quyền lợi của phụ nữ, trẻ em; tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết… thông qua từng câu chuyện, con người cụ thể, gần gũi nên có tác động rất tích cực, kịp thời.
 
Những đổi thay quan trọng đó đã mang lại niềm vui cho nhiều người. Không chỉ hiểu về tác hại của việc tảo hôn hay hôn nhân cận huyết để phòng, chống, các em học sinh đã biết ước mơ trở thành bác sĩ, cô giáo, biết chăm chỉ học tập và giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà. Bà con cũng hiểu rõ về hành vi bạo lực gia đình và hậu quả để ngăn ngừa, phòng, chống; đồng thời biết cách tự bảo vệ khi bị bạo lực, xâm hại.
 
Với nhiều nam giới, dù vẫn còn suy nghĩ việc nhà là của vợ, nhưng họ đã thấu hiểu được nỗi vất vả của vợ và cùng tham gia chăm sóc con. “Thấy vợ làm việc nhà nhiều cũng thương nhưng miềng phải ra ngoài làm thuê để kiếm tiền, khi có thời gian thì miềng đưa con đi học, tắm giặt cho con!”, anh Hồ Văn Ngọc, bản Đá Chát cho biết.  
Đội văn nghệ bản Đá Chát, xã Trường Sơn.
Đội văn nghệ bản Đá Chát, xã Trường Sơn.
Nhận thức được nâng cao, chị em cũng từng bước biết cách san sẻ gánh nặng với chồng và người thân trong gia đình, chăm lo sức khỏe và việc học tập của các con. Các chị còn là những thành viên quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy các lời ca, điệu múa của dân tộc mình, mang đến sắc thái mới vui tươi, phong phú trong đời sống tinh thần của chính mình và cộng đồng. “Tôi biết nhiều bài hát của người Bru-Vân Kiều, tôi thường hát trong các buổi giao lưu, sinh hoạt, tôi thấy rất vui vì được hát những bài hát của dân tộc mình”, Trưởng bản Chân Trôộng Hồ Thị Quê chia sẻ.
 
Tin tưởng kiến thức, nhận thức sẽ giúp thay đổi cuộc sống, đồng bào DTTS xã Trường Sơn, trong đó có chị em phụ nữ và trẻ em, đã và đang nỗ lực tạo dựng tương lai cho chính mình, thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ những việc nhỏ trong gia đình. Sự đổi thay này là tiền đề quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Trường Sơn nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
Theo Báo Quảng Bình