Việc chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Kiểm lâm ở Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: Nhìn từ thực tiễn
Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, chịu sự quản lý chỉ đạo trực tiếp của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; đồng thời, chịu sự quản lý nghiệp vụ, trang, thiết bị chuyên ngành của Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Theo Quyết định số 4534/QĐ-UBND, ngày 25/12/2018 của UBND tỉnh Quảng Bình về duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được giao quản lý 124.499,43ha, trong đó: đất rừng đặc dụng 121.325,39 ha, đất rừng phòng hộ 3.153,80 ha, đất rừng sản xuất 20,24 ha. Hầu hết là rừng tự nhiên (chiếm trên 95% diện tích), diện tích rừng giàu chiếm 0,51%, diện tích rừng trung bình chiếm 74,5%, diện tích rừng nghèo chiếm 23,9%, diện tích rừng nghèo kiệt chiếm 1,03%. Với độ che phủ trên 95,5%, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng không những có vai trò quan trọng về sinh thái môi trường tự nhiên ở Việt Nam mà còn ở khu vực, là nơi bảo tồn và lưu giữ mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi với nhiều kiểu thảm thực vật khác nhau và nhiều loài động thực vật rừng quý hiếm. Đến nay, đã ghi nhận 2.952 loài thực vật bậc cao, trong đó có 111 loài trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, 121 loài trong Sách Đỏ IUCN 2012 và 46 loài trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 (sửa đổi bổ sung), 03 loài trong Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 (sửa đổi, bổ sung). Đặc biệt sự tồn tại quần thể Bách xanh đá (Calocedrus rupestris) trên 500 tuổi được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn. Về động vật, ghi nhận 1.394 loài có xương sống, trong đó có 111 loài có tên trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 (sửa đổi, bổ sung), 40 loài thuộc danh mục Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 (sửa đổi, bổ sung), 83 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, 117 loài được ghi trong Sách Đỏ IUCN 2012. Đây là sinh cảnh của 10 loài linh trưởng, chiếm 50 % tổng số loài thuộc bộ Linh trưởng ở Việt Nam; trong đó, có 3 loài linh trưởng nguy cấp trên phạm vi toàn cầu là Vọoc Hà Tĩnh, Chà vá chân nâu và Vượn đen má trắng. Theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 05/7/2013, vùng đệm VQG Phong Nha - Ke Bàng có diện tích 219.855,34 ha gồm 13 xã, trị trấn, gồm: các xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Trung Hóa và Thượng Hóa (huyện Minh Hóa); các xã Thượng Trạch, Tân Trạch, Xuân Trạch, Hưng Trạch, Phúc Trạch, Phú Định và thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch); xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), với dân số trên 70.000 người, gồm dân tộc Kinh, Chứt và Bru-Vân Kiều. Các xã vùng đệm của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có các ngành kinh tế phát triển ở mức thấp, tổng giá trị sản xuất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Hầu hết là các xã vùng sâu xa, đời sống kinh tế xã hội của người dân còn gặp nhiều khó khăn; sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo chiếm gần 80% số hộ. Nền nông nghiệp còn lạc hậu, ít được chú trọng đầu tư, năng suất thấp. Việc canh tác nương rẫy vẫn còn ở các thôn bản có đất rừng và đất đồi núi. Chăn nuôi có tiềm năng, nhưng chưa phát triển, chủ yếu là trâu, bò, lợn, gia cầm, nuôi cá trên các ao hồ hoặc các sông suối; giống chưa được cải thiện. Về lâm nghiệp, các hoạt động chủ yếu là trồng rừng kinh tế (chủ yếu là trồng keo), tham gia nhận khoán bảo vệ rừng... một số hộ gia đình vẫn còn sống phụ thuộc vào rừng và săn bắt động vật, khai thác lâm sản... Gần đây, cơ cấu kinh tế ở các xã vùng đệm của Vườn Quốc gia chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh tổ chức ra mắt Nhóm truyền thông bảo tồn cộng đồng xã Trường Sơn, truyền thông lưu động tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và giáo dục môi trường (Ảnh: Nguồn Báo Quảng Bình) Trong những năm qua (đặc biệt là từ năm 2020 đến nay), điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm đầu tư, trang bị. Đến nay có 11/13 trạm, tổ kiểm lâm đã được xây dựng trụ sở làm việc kiên cố khang trang, có 2 trạm kiểm lâm và có 5/11 trạm chốt đang xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng vào cuối năm nay. Máy móc, thiết bị ... cơ bản đã đáp ứng phục vụ tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng gồm các thiết bị, máy móc phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng, xuồng hơi phục vụ cứu hộ; thiết bị phục vụ tuần tra bảo vệ rừng, giám sát biến động rừng và đa dạng sinh học như máy định vị GPS, điện thoại thông minh, máy vi tính, máy tính bảng, máy bay không người lái Drone... và áp dụng phần mềm quản lý Smart trong tuần tra bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học cho tất cả 13/13 trạm, tổ kiểm lâm Vườn Quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay có một số tổ chốt bảo vệ rừng còn tạm bợ, chưa đảm bảo cho việc sinh hoạt của cán bộ Kiểm lâm thực thi nhiệm vụ; một số phương tiện, trang thiết bị tại các Trạm Kiểm lâm đã hư hỏng, xuống cấp, không còn sử dụng được. Từ 01/01/2017 đến 30/6/2020, Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã lập biên bản và ra quyết định xử lý đối với 341 vụ vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực Lâm nghiệp (gồm: 175 vụ VPHC xác định được người vi phạm với 123 cá nhân vi phạm và 166 vụ VPHC không xác định được người vi phạm); chuyển hồ sơ 06 vụ VPHC trong lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp cho UBND các cấp và Hạt Kiểm lâm huyện xử lý theo quy định; ra Quyết định khởi tố 05 vụ án hình sự trong lĩnh vực Lâm nghiệp, chuyển 06 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm cho Cơ quan CSĐT xử lý theo quy định. Từ 01/7/2020 đến 30/6/2023, Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã lập biên bản và ra quyết định xử lý đối với 30 vụ VPHC trong lĩnh vực lâm nghiệp (giảm 311 vụ, -91,2%), trong đó 21 vụ VPHC xác định được người vi phạm (giảm 154 vụ, - 88%) với 33 cá nhân vi phạm (giảm 90 đối tượng) và 09 vụ VPHC không xác định được người vi phạm (giảm 157 vụ,-89,2%); chuyển hồ sơ 03 vụ VPHC trong lĩnh vực Thủy sản, Lâm nghiệp và Đất đai cho UBND các cấp xử lý theo quy định. Ra Quyết định khởi tố 04 vụ án hình sự trong lĩnh vực lâm nghiệp (giảm 20 %). Nhìn chung, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp diễn ra trên địa bàn Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đều chỉ có tính chất vi phạm giản đơn, nhỏ lẻ, mức độ vi phạm ít nghiêm trọng, thiệt hại về tài nguyên rừng không lớn, đối tượng vi phạm chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, những người có điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức pháp luật hạn chế, không hình thành các băng nhóm mang tính chất chuyên nghiệp, hành vi vi phạm chủ yếu tập trung ở các nhóm hành vi về vận chuyển lâm sản trái pháp luật, vi phạm các quy định chung của nhà nước về bảo vệ rừng, vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng, động vật nguy cấp, quý, hiếm. Để xây dựng lực lượng kiểm lâm ở Hạt Kiểm lâm đủ mạnh, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia, Ban Giám đốc Vườn Quốc gia đã tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch đào tào tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hiện nay Vườn chưa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng do có một số bất cập, khó khăn như sau: (1) Nếu chuyển Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng về trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP sẽ phát sinh những khó khăn, vướng mắc và chưa thể thực hiện được ngay trong thời gian ngắn vì: Theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2017, Ban Quản lý Vườn là chủ rừng (khoản 1 Điều 8) và chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, bảo vệ rừng (Điều 74 và Điều 75). Nếu triển khai theo quy định của Nghị định 01/2019/NĐ-CP, Hạt Kiểm lâm VQG là lực lượng nồng cốt, chủ yếu, quan trọng để bảo vệ rừng sẽ trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì Ban Quản lý Vườn sẽ không còn lực lượng để chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới; việc bảo vệ rừng tại gốc chắc chắn sẽ rất khó khăn dẫn đến nguy cơ mất rừng, mất danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới là rất cao, BQL Vườn sẽ không còn có các công cụ để quản lý bảo vệ rừng đặc dụng nên không thể đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng và Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. (2) Nếu thực hiện phương án chuyển lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thành lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thì công tác đấu tranh, xử lý vi phạm sẽ gặp rất nhiều khó khăn Hiện nay, diện tích của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là 123.326 ha, được giao cho 11 Trạm Kiểm lâm địa bàn quản lý, bảo vệ. Khi phát hiện vi phạm, lực lượng Kiểm lâm VQG hoàn toàn chủ động trong công tác đấu tranh, lập hồ sơ và xử lý vi phạm. Nếu giải thể Hạt Kiểm lâm VQG, khi phát hiện vi phạm thì BQL Vườn phải thông báo về Hạt Kiểm lâm quản lý địa bàn thuộc Chi cục Kiểm lâm để cử Kiểm lâm viên lên tiếp nhận, xử lý như vậy sẽ mất nhiều thời gian, không đảm bảo tính kịp thời, quá thời hạn ra quyết định xử lý, nhất là các vụ việc xảy ra trong rừng sâu, địa hình khó tiếp cận, ngoài ra, thông tin liên lạc hạn chế gây khó khăn cho công tác tạm giữ, quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện và người vi phạm trong thời gian chờ Kiểm lâm địa bàn lên xử lý. Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay nếu tổ chức lại Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng về trực thuộc Chi cục Kiểm lâm sẽ gây đảo lộn tổ chức của BQL Vườn, trong khi tỉnh đang thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và Nhà nước nên không đủ chỉ tiêu biên chế công chức để tiếp nhận toàn bộ 121 viên chức hiện có của Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng về trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Thực tế cho thấy, lâm tặc có tâm lý "sợ" lực lượng Kiểm lâm hơn là lực lượng bảo vệ rừng. Bởi lực lượng Kiểm lâm là cơ quan thực thi pháp luật, được trang bị đầy đủ chức năng, quyền hạn, vũ khí, công cụ hỗ trợ khi thi hành nhiệm vụ, nên có uy lực trấn áp tội phạm cao hơn và hiệu quả hơn. Lâm tặc ít chống trả hơn vì biết sẽ là chống người thi hành công vụ sẽ bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu giải thể Hạt Kiểm lâm VQG và thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, thì lực lượng này sẽ không có đầy đủ chức năng, quyền hạn như Kiểm lâm nên không thể đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; nguy cơ gia tăng tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, bắt bẫy động vật hoang dã, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trong lâm phần của Vườn Quốc gia. Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách không được trang bị vũ khí, không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và khởi tố hình sự, trong khi đó, công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng phức tạp, khó lường, các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt… Thực tiễn, những năm qua có nhiều vụ lâm tặc bắt cóc, tấn công lực lượng kiểm lâm Vườn. Do đó, nếu chỉ có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách thì sẽ rất khó khăn để thực hiện đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng VQG, bảo vệ Di sản TNTG, nguy cơ mất rừng, mất danh hiệu Di sản là rất cao. Như vậy, căn cứ vào tình hình thực tiễn, việc thực hiện chuyển Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng về trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng cần được quan tâm, nghiên cứu. Vì vậy, trước mắt, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sớm áp dụng mô hình tổ chức Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng tại Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, theo hướng để lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia trực thuộc Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng chịu sự giám sát, hướng dẫn nghiệp vụ của Chi cục Kiểm lâm như hiện nay, để đảm bảo ổn định và phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khu Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Đồng thời, có văn bản kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 7 của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP: Nhiệm vụ, quyền hạn của công chức Kiểm lâm thành “Nhiệm vụ quyền hạn của công chức, viên chức Kiểm lâm” nên quy định gồm cả công chức, viên chức kiểm lâm để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ (hiện nay trên toàn quốc còn rất nhiều đơn vị tương tự như Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn nhiều viên chức Kiểm lâm chưa được chuyển qua công chức); sửa đổi Điều 11, Nghị định số 01/2019/NĐ-CP thành: “Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ là tổ chức trực thuộc các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Chịu sự quản lý về mặt tổ chức của các Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và chịu sự quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ, quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ của cơ quan Kiểm lâm trung ương, địa phương đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do trung ương, địa phương quản lý” để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và phù hợp với khoản 3, Điều 105, Luật Lâm nghiệp 2017. Thanh Minh (Phòng Nội chính)
|