HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH NỘI CHÍNH ĐẢNG (05/01/1966-05/01/2024): Thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan tố tụng, ngành Kiểm sát tỉnh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 

Năm 2023, tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cơ bản ổn định; tình hình tội phạm tuy có chiều hướng giảm nhưng tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, tội phạm về ma túy, tín dụng đen, lừa đảo qua mạng, gây rối trật tự công cộng tiếp tục diễn biến phức tạp. Các tranh chấp về hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại, thi hành án phát sinh nhiều vụ việc phức tạp tác động, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tác động đến đời sống Nhân dân.

Đ/c Nguyễn Tiến Hùng phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác nội chính Đảng năm 2024. Ảnh: noichinh.quangbinh.gov.gn

Trong năm 2023, Ngành Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức giải quyết 699 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, 901 vụ án hình sự, 2.667 vụ, việc dân sự, hành chính, 5636 việc thi hành án dân sự. Trong đó nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được các cơ quan có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo.

Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh xác định 05 mục tiêu trọng tâm và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong đó nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu là tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo tinh thần Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo PCTN,TC tỉnh, Ban Nội chính, thành ủy, thị ủy, huyện ủy theo dõi, chỉ đạo.

Ban Cán sự đảng Viện KSND tỉnh đã kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy về nội dung, tiến độ cũng như kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và quan điểm xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, tiêu cực thuộc diện các cơ quan có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo. Đã chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng cùng cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết những vụ án, vụ việc. Chủ động phối hợp xử lý những vụ án, vụ việc có khó khăn, vướng mắc, có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; qua đó kịp thời tham mưu, đề xuất ý kiến với Ban Nội chính, cấp ủy để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; bảo đảm việc giải quyết thận trọng, chặt chẽ và có sự đồng thuận cao giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Năm 2023, các cơ quan tố tụng giải quyết 23 vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã giải quyết 12 vụ việc đảm bảo đúng pháp luật, nghiêm minh, đúng quan điểm chỉ đạo, được dư luận đồng tình. Nhiều vụ án Viện kiểm sát phối hợp với các cơ quan tố tụng kiên quyết áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm nhằm ổn định tình hình, điển hình như “Vụ án Nguyễn Thu Hằng lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”. Sau khi khởi tố tạm giam đối tượng này, tình hình lợi dụng mạng xã hội xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, nhất là Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cơ quan tố tụng ngày càng chặt chẽ và có nề nếp, nhiều nội dung hiệu quả thiết thực. Định kỳ hằng quý, Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì giao ban các cơ quan tố tụng để đánh giá tiến độ giải quyết các vụ án vụ việc tham nhũng, kinh tế, chức vụ, tiêu cực, nghiêm trọng phức tạp dư luận xã hội quan tâm đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc này. Theo đề xuất của các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã có ý kiến đối với một số cơ quan, tổ chức; đồng thời giám sát các hoạt động về giám định pháp y, định giá tài sản nên các hoat động này có chuyển biến tích cực, cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thu thập các thông tin như trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, việc giám định, định giá tài sản, giúp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm của các cơ quan tố tụng còn gặp phải khó khăn, vướng mắc về nhận thức và áp dụng pháp luật. Nhiều vụ việc quan điểm đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa thống nhất về chứng cứ, điều khoản áp dụng, chưa thống nhất về phương án thực hiện... nên thời gian giải quyết vẫn kéo dài; trong khi đó công tác hướng dẫn của liên ngành Trung ương về áp dụng pháp luật còn chậm, hiện nay chủ yếu là vận dụng các hướng dẫn của ngành dọc cấp trên. Công tác giám định, định giá tài sản mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Thứ hai, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có những quy định về trách nhiệm rất chặt chẽ đang là thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân. Trong vụ án hình sự, nếu để xảy ra oan sai thì trách nhiệm bồi thường chính là của Viện kiểm sát trong việc phê chuẩn bắt, tạm giữ, tạm giam không có căn cứ ... nên áp lực rất lớn; nhiều hoạt động nghiệp vụ, nhất là trong các vụ án nghiêm trọng phức tạp dư luận xã hội quan tâm, nếu xảy ra sai sót cán bộ kiểm sát viên sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị khởi tố mà không có cơ hội để sửa sai.

Khi giải quyết vụ án, vụ việc các cơ quan có thẩm quyền theo dõi chỉ đạo phải đáp ứng các yêu cầu về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ, trong đó yêu cầu về chính trị được đưa lên hàng đầu. Vừa qua, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Vì vậy, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành quy định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung trong lĩnh vực tư pháp.

Thứ ba, công tác phối hợp giữa các cơ quan ở cấp tỉnh chặt chẽ, kịp thời, hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, ở cấp huyện việc phối hợp có lúc, có nơi chưa được xem trọng, còn có biểu hiện “quyền anh, quyền tôi” dẫn đến quan điểm giải quyết không thống nhất, ý kiến trái chiều. Trách nhiệm của Viện KSND tỉnh là sẽ phối hợp với Công an tỉnh, TAND tỉnh để chỉ đạo các cơ quan tư pháp cấp huyện rút kinh nghiệm, tăng cường công tác phối hợp. Viện KSND tỉnh đồng tình với ý tưởng của Ban Nội chính Tỉnh ủy về chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Hội nghị giao ban thường kỳ các cơ quan tố tụng cấp huyện để tháo gỡ những khó khăn, vứng mắc ngay từ cơ sở.

Để thực hiện tốt việc giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong thời gian tới, Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp chủ động lựa chọn, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền những vụ việc cần phải đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Chủ động phối hợp trao đổi thông tin, báo cáo tiến độ, kết quả giải quyết; trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì chủ động báo cáo cấp ủy để kịp thời tháo gỡ hoặc xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy. Tăng cường phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, tiêu cực, những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc.

Đồng thời, Ban Cán sự đảng Viện KSND tỉnh kiến nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng về trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, tiêu cực, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong các giai đoạn xác minh tin báo, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử giúp cho việc xử lý vụ án, vụ việc được nhanh chóng, kịp thời; quy định về trách nhiệm và chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu vì thực tế hiện nay có nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến kinh tế, tham nhũng, tiêu cực phải kéo dài thời gian giải quyết để chờ kết quả trả lời của các cơ quan chuyên môn có liên quan, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc của các cơ quan tiến hành tố tụng.

(Lược trích phát biểu tham luận của đồng chí Nguyễn Tiến Hùng - Bí thư BCS đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ủy viên BCĐ PCTN, TC tỉnh, Thành viên BCĐ CCTP tỉnh tại Hội nghị triển khai công tác nội chính Đảng năm 2024)