Sai phạm tại dự án Khu nhà ở thương mại thị trấn Nông trường Lệ Ninh 
Qua công tác thanh tra đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai; việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước (NSNN) tại dự án Khu nhà ở thương mại thị trấn Nông trường Lệ Ninh, Lệ Thủy (gọi tắt là Dự án), Thanh tra tỉnh đã phát hiện có sai phạm trong thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và sử dụng kinh phí dự phòng.
 
Dự án nằm trong chủ trương xã hội hóa phát triển quỹ đất của tỉnh, giúp huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng khu nhà ở và đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ; hình thành khu dân cư mới, khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhà ở, bất động sản, góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho huyện Lệ Thủy.
 
Theo các văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và điều chỉnh Dự án của UBND tỉnh, Dự án có tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở thương mại khoảng 64.000 mét vuông (MV); diện tích sử dụng đất 66.170 MV (gồm đất ở 32.065,7 MV; đất trường mầm non 3.795,7 MV; đất cây xanh 3.000,9 MV; đất giao thông hơn 24.000 MV...) với tổng mức đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng. Nhà đầu tư thực hiện Dự án là Liên danh Công ty CP Xây dựng Địa ốc 501.9 và Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Linh Lân.
Một góc dự án Khu nhà ở thương mại thị trấn Nông trường Lệ Ninh (Lệ Thủy).
Một góc dự án Khu nhà ở thương mại thị trấn Nông trường Lệ Ninh (Lệ Thủy).
Sau quá trình triển khai thực hiện Dự án, ngày 28/12/2022, nhà đầu tư đã bàn giao các hạng mục hạ tầng kỹ thuật cho UBND huyện Lệ Thủy, UBND thị trấn Nông trường Lệ Ninh và Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh để quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng.
 
Qua thanh tra cho thấy, mặc dù nhà đầu tư đồng ý, cam kết thực hiện giá trị bồi thường, GPMB 5,795 tỷ đồng theo phương án sơ bộ trong hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư, tuy nhiên, trên thực tế nhà đầu tư đã hoàn thành việc thanh toán tiền bồi thường, GPMB và tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa với tổng số tiền 2,992 tỷ đồng. Trong đó, chi trả tiền đền bù, bồi thường, GPMB hơn 1,489 tỷ đồng, kinh phí phục vụ công tác GPMB 62,632 triệu đồng; tiền bảo vệ, phát triển trồng lúa 1,44 tỷ đồng.
 
Như vậy, số tiền chênh lệch giá trị bồi thường, GPMB theo đề xuất của nhà đầu tư với giá trị bồi thường, GPMB thực tế khoảng hơn 2,802 tỷ đồng. Theo quy định, nhà đầu tư phải nộp phần chênh lệch hơn 2,802 tỷ đồng vào NSNN, song đến thời điểm thanh tra nhà đầu tư chưa thực hiện.
 
Về việc sử dụng kinh phí dự phòng, Dự án có khoản chi phí dự phòng hơn 1,526 tỷ đồng (giá trị trước thuế). Tại thời điểm thanh tra, Dự án đã hoàn thành, tuy nhiên, nhà đầu tư không có văn bản đề xuất sử dụng kinh phí dự phòng của Dự án. Cùng với đó, phía Sở Xây dựng cũng không có văn bản thẩm định việc sử dụng kinh phí dự phòng trình UBND tỉnh; UBND tỉnh không có văn bản cho phép nhà đầu tư sử dụng kinh phí dự phòng của Dự án.
 
Trong quá trình thanh tra, ngày 28/11/2023, Công ty CP Xây dựng Địa ốc 501.9 đã nộp vào NSNN số tiền hơn 2,802 tỷ đồng theo yêu cầu của đoàn thanh tra. Đây là số tiền chênh lệch giá trị bồi thường, GPMB trong thực hiện Dự án.

Do đó, Thanh tra tỉnh yêu cầu nhà đầu tư nộp khoản kinh phí dự phòng nói trên qua tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra tỉnh.

Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thành việc rà soát, xác định lại chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật tối thiểu sử dụng trong hồ sơ xác định giá đất của Dự án; Sở Tài nguyên-Môi trường tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh lại tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho NSNN tại Quyết định số 2371/QĐ-UBND, ngày 10/7/2020 của UBND tỉnh và triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.
Theo Báo Quảng Bình