Tạo đột phá trong tổ chức thực hiện các phiên tòa trực tuyến 

Năm 2023, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp tỉnh Quảng Bình thụ lý 3.260 vụ, việc và đã giải quyết 2.923 vụ, việc. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 263 vụ, việc. Tổng số án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của thẩm phán 44 vụ, chiếm tỷ lệ 0,75%, thấp hơn so với quy định của TAND tối cao. Đặc biệt, theo đánh giá của Chánh án TAND tối cao, TAND tỉnh Quảng Bình là một trong những đơn vị dẫn đầu về tổ chức thực hiện các phiên tòa trực tuyến toàn ngành Tòa án.

 
Bảo đảm giải quyết các loại án
 
Về án hình sự, TAND hai cấp thụ lý 852 vụ án với 1.545 bị cáo; giải quyết, xét xử 842 vụ án với 1.513 bị cáo. Nhiều tòa án có tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt tỷ lệ 100%, như: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa.
 
Các loại tội phạm xảy ra nhiều trên địa bàn tỉnh liên quan đến các tội danh: Ma túy (199 vụ, 358 bị cáo); trộm cắp tài sản (148 vụ,184 bị cáo); đánh bạc, tổ chức đánh bạc (97 vụ, 404 bị cáo); vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (57 vụ, 57 bị cáo); cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (31 vụ, 50 bị cáo); về tham nhũng, chức vụ (8 vụ, 8 bị cáo).
Một phiên tòa dân sự trực tuyến kết nối từ điểm cầu TAND tỉnh đến TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
Một phiên tòa dân sự trực tuyến kết nối từ điểm cầu TAND tỉnh đến TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
Công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan người không phạm tội và không bỏ lọt tội phạm. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục bảo đảm theo hướng thực chất, hiệu quả. Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội.
 
Về án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động, TAND hai cấp thụ lý 2.371 vụ, việc các loại; giải quyết, xét xử 2.049 vụ, việc. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 267 vụ việc. Trong đó, án dân sự thụ lý 945 vụ, việc, giải quyết 800 vụ, việc; án hôn nhân và gia đình thụ lý 1.299 vụ, việc, giải quyết 1.142 vụ, việc; án kinh doanh thương mại thụ lý 121 vụ, việc, giải quyết 102 vụ, việc; án lao động thụ lý 6 vụ, giải quyết 5 vụ, việc.
TAND tỉnh tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử.
TAND tỉnh tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử.
Trong giải quyết các loại án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động, TAND hai cấp chú trọng đến công tác hòa giải, đối thoại tại tòa, đã hòa giải, đối thoại thành theo thủ tục tố tụng 1.039 vụ, việc. Công tác hòa giải, đối thoại tại tòa góp phần giải quyết nhanh chóng các tranh chấp, đồng thời giảm áp lực cho đội ngũ thẩm phán, thư ký và tạo nhiều thuận lợi về thi hành án.
 
Đột phá trong tổ chức các phiên tòa trực tuyến
 
Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Hữu Tuyến cho biết: Năm 2023, TAND tối cao giao chỉ tiêu cho TAND hai cấp của tỉnh Quảng Bình tổ chức 19 phiên tòa trực tuyến, trong đó TAND tỉnh xét xử 3 phiên tòa trực tuyến; mỗi đơn vị TAND cấp huyện, thị xã, thành phố tổ chức xét xử 2 phiên tòa trực tuyến. Thực tế đã tổ chức xét xử thành công 70 phiên tòa trực tuyến (TAND tỉnh xét xử 20 phiên tòa; TAND cấp huyện, thị xã, thành phố xét xử 50 phiên tòa) vượt chỉ tiêu TAND tối cao giao 51 phiên tòa trực tuyến.
 
Không những kết nối trực tuyến xét xử giữa các điểm cầu trong tỉnh, TAND tỉnh còn kết nối thành công những điểm cầu thành phần để TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử trực tuyến 68 phiên tòa hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại và hành chính. Ngoài ra, TAND tỉnh còn phối hợp tổ chức xét xử trực tuyến 3 vụ án hình sự với TAND các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Đà Nẵng.
Một phiên tòa tổ chức theo tinh thần cải cách tư pháp.
Một phiên tòa tổ chức theo tinh thần cải cách tư pháp.
Việc xét xử trực tuyến bảo đảm đúng trình tự, thủ tục tố tụng; tín hiệu đường truyền, âm thanh, hình ảnh giữa các điểm cầu thông suốt, không có phiên tòa nào bị gián đoạn do đường truyền hoặc sự cố kỹ thuật. Đối với các vụ án hình sự, việc xét xử trực tuyến làm giảm bớt chi phí đi lại cho Trại tạm giam Công an tỉnh trong việc trích xuất, dẫn giải bị cáo về địa điểm xét xử; giảm số lượng cán bộ, chiến sĩ đến bảo vệ phiên tòa tại tòa án. Đặc biệt, đối với các vụ án lớn, trọng điểm, bị cáo phạm tội nguy hiểm, khi xét xử trực tuyến bảo đảm tuyệt đối độ an toàn. Đối với các vụ án dân sự và hành chính, xét xử trực tuyến làm giảm bớt được chi phí đi lại cho các đương sự, người dân và chính quyền địa phương khi tham gia các phiên tòa xét xử phúc thẩm ở TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
 
Tại hội nghị triển khai công tác ngành Tòa án năm 2024, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu nhấn mạnh: TAND hai cấp tỉnh cần tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của tòa án hướng đến xây dựng tòa án điện tử. Đối với các phiên tòa xét xử trực tuyến hành chính, dân sự, các cơ quan tố tụng và chính quyền các cấp cần quan tâm phối hợp để bảo đảm chất lượng giải quyết, xét xử.

Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Văn Bường khẳng định: Ngoài việc tổ chức xét xử 77 phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp thì TAND tỉnh Quảng Bình còn tổ chức xét xử thành công 70 phiên tòa trực tuyến, vượt xa chỉ tiêu do TAND tối cao giao. Bên cạnh đó, còn tổ chức điểm cầu thành phần giúp TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử trực tuyến 68 phiên tòa hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại và hành chính... Đây chính là bước đột phá mạnh mẽ của toàn ngành TAND tỉnh Quảng Bình.

Trong điều kiện khó khăn chung về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đường truyền internet..., TAND tỉnh đã khắc phục và tổ chức các phiên tòa trực tuyến thông suốt, không có phiên tòa nào bị gián đoạn do đường truyền hoặc sự cố kỹ thuật. Đây là một điều đáng ghi nhận. Việc tổ chức thành công các phiên tòa trực tuyến thể hiện sự quyết tâm của TAND tỉnh về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách tư pháp, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo Báo Quảng Bình