Về chế định trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 

Phát huy vai trò của người đứng đầu, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực là một trong giải pháp căn cơ nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN, TC trong giai đoạn hiện nay. Do đó, cần phải hiểu, thống nhất nhận thức về nội hàm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức trong chế định trách nhiệm người đứng đầu trong PCTN, TC tại các văn bản của Trung ương cũng như những nội dung quan trọng trong chế định trách nhiệm người đứng đầu trong PCTN, TC.

Tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) đã xác định giải pháp quan trọng trong PCTN là “Thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng”. Trong Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) tiếp tục nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác PCTN. Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã dành Mục 3 với 04 Điều quy định “Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” và dành Chương 4 với 04 Điều quy định “Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN”. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN; Nghị định số 211/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Bên cạnh đó, Trung ương Đảng cũng đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm người đứng đầu, như Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và đảng viên; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những kiến nghị của dân; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của đảng; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm;… Như vậy, có thể khẳng định các văn bản của Đảng, Nhà nước về PCTN, TC đã chú trọng xác định, quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác PCTN, TC.

 

 

Ảnh: Đ/c Vũ Đại Thắng - UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị quán triệt Cuốn sách của đ/c Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 

Theo Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW ngày 22/03/2018 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị (Quy định số 102-QĐ/TW nay đã được thay thế bằng Quy định số 69-QĐ/TW) thì “Người đứng đầu” là người chịu trách nhiệm cao nhất trong các tổ chức (cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị) trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức đó theo chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; “Cấp phó của người đứng đầu” là người được phân công giúp người đứng đầu phụ trách lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức (cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị) phải chịu trách nhiệm như người đứng đầu về chức trách, nhiệm vụ được giao. Tại Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW ngày 22/11/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW  ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đã quy định rõ trách nhiệm của đảng viên (kể cả cấp ủy viên) gồm: (1)Trách nhiệm của người đứng đầu là trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của tổ chức, cơ quan, đơn vị được giao lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện; (2)Trách nhiệm trực tiếp là trách nhiệm của đảng viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện mà có vi phạm; (3)Trách nhiệm liên đới là trách nhiệm của đảng viên cùng chịu trách nhiệm về vi phạm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc khi trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới trực tiếp phụ trách, cán bộ dưới quyền trực tiếp quản lý phụ trách có vi phạm. Như vậy, chúng ta cần phải hiểu, về Đảng, người đứng đầu là Bí thư Đảng ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bí thư đảng đoàn (gọi chung là Bí thư cấp ủy); đảng viên thuộc tổ đảng do cấp ủy đó quản lý trực tiếp, bị xử lý về hành vi tham nhũng, tiêu cực thì Bí thư cấp ủy đó phải chịu trách nhiệm (trực tiếp hoặc liên đới) và bị xử lý theo quy định của Đảng. Trường hợp đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực và cấp ủy viên hoặc không phải là cấp ủy viên nếu thuộc diện Đảng ủy cấp trên trực tiếp quản lý thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức phải chịu trách nhiệm ở đây là Bí thư đảng ủy cấp trên đó. Về chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức được hiểu là người có thẩm quyền quản lý trực tiếp người có hành vi tham nhũng, tiêu cực bị xử lý theo phân cấp quản lý nhà nước đối với từng bộ, ngành, địa phương.

Cũng từ quy định tại các văn bản của Đảng, Nhà nước, chúng ta thấy Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ. Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực trong những lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình trực tiếp phụ trách; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách. Người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị do mình quản lý.

Có thể thấy rằng, công tác PCTN, TC là lĩnh vực khó, rộng, phức tạp, nhạy cảm; phải “phòng, chống” thường xuyên, lâu dài và cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Vậy nên, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực sự coi trọng công tác PCTN, TC là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp đi đầu trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; sẵn sàng nhận và chịu trách nhiệm khi tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và quyết tâm sửa chữa, khắc phục”. Song hành với đó là tăng cường công tác kiểm tra của Đảng nhằm phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng nhằm làm cho người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp nhận thức rõ trách nhiệm và phải cam kết về sự kiêm khiết, kiên quyết đấu tranh PCTN, TC./.

 

Lê Hà Anh Tâm, Phòng TDCT PCTN