Triển khai rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình 

Thực hiện Chương trình số 30-CTr/TU, ngày 29/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ban Thường vụ Tỉnh năm 2024, ngày 26/02/2024, Ban Nội chính Tỉnh ủy (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh) đã ban hành văn bản thực hiện việc rà soát các cuộc thanh tra, kiểm tra kinh tế - xã hội năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

   

Ảnh. Hội nghị triển khai Kế hoạch rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội 

Theo đó, yêu cầu việc rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội năm 2023 trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả. Để thực hiện đảm bảo yêu cầu đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm nội dung báo cáo các cuộc rà soát theo quy định gồm: (1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý qua thanh tra kinh tế - xã hội; (2) Việc lãnh đạo, chỉ đạo và xử lý các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong các kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán tại cơ quan, đơn vị, địa phương đã được chỉ ra trong năm 2020, 2021, 2022; (3) Việc thực hiện rà  soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội năm 2023, các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiến hành tự rà soát và báo cáo kết quả thực hiện; (4) Việc khắc phục sai phạm về kinh tế qua thanh tra; việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (về đảng, chính quyền) và xử lý khác; (5) số vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ chưa chuyển cơ quan điều tra; đã chuyển cơ quan điều tra...

Việc rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội được thực hiện thường xuyên hằng năm, năm này rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội đã tiến hành vào năm trước đó liền kề. Mục đích thông qua công tác này để xem xét, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế; đồng thời, xác định những khó khăn, vướng mắc, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế (nếu có); đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với nhiệm vụ thanh tra kinh tế - xã hội. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra; kịp thời phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

Lê Văn Mạnh – Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình