Áp dụng quy trình khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng 

Lý do áp dụng

          Thông thường cách thức tốt nhất để xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng mà các quốc gia lựa chọn là điều tra và truy tố hình sự. Tuy nhiên, biện pháp hình sự này cũng có một số giới hạn, bao gồm yêu cầu tiêu chuẩn cao về bằng chứng buộc tội và chi phí liên quan đến các nguồn lực và thời gian, điều tra mang tính liên quốc gia. Ngoài ra, truy tố hình sự sẽ không có giá trị hoặc gặp trở ngại lớn trong trường hợp người phạm tội chết hoặc bỏ trốn hoặc được hưởng quyền lợi miễn trừ.

          Hơn nữa, biện pháp hình sự thường không giải quyết được một số hậu quả tham nhũng. Chắc chắn rằng, người vi phạm phải xử lý hình sự và chịu trách nhiệm cá nhân về những thiệt hại người này gây ra cho xã hội. Tuy nhiên, tham nhũng còn là nguyên nhân gây thiệt hại rõ ràng cho các chủ thể và các chủ thể này có quyền đòi lại các tài sản đã mất và/hoặc nhận bồi thường đối với thiệt hại bị ảnh hưởng. Trong khi cung cấp biện pháp trực tiếp và hiệu quả để bồi thường cho các nạn nhân về những thiệt hại mà họ phải chịu, khởi kiện dân sự còn chứng tỏ giá trị trong việc ngăn chặn các hành vi tham nhũng tiếp diễn. Để thành công trong các mục đích thu hồi tài sản và bồi thường thiệt hại, các biện pháp dân sự thường là cần thiết và là yếu tố bổ sung hữu ích cho biện pháp hình sự. Thậm chí, biện pháp dân sự có thể được áp dụng khi các thủ tục hình sự đã kết thúc.

          Việc thu hồi tài sản bị đánh cắp, tham nhũng có hai lý do cơ bản, thứ nhất, người có hành vi phạm tội sẽ không được thụ hưởng những lợi ích từ các tội phạm của họ gây ra. Tiền tội phạm cần thu hồi và sử dụng để đền bù cho nạn nhân, có thể là nhà nước hoặc cá nhân; thứ hai, các hành vi phạm tội cần được ngăn chặn. Loại trừ những lợi ích kinh tế khỏi tội phạm sẽ ngăn cản việc thực hiện hành vi phạm tội. Thu hồi các phương tiện của tội phạm đảm bảo các phương tiện này sẽ không được sử dụng cho các mục đích phạm tội tiếp theo; đây được xem như một biện pháp ngăn chặn.

Ý nghĩa của biện pháp

          Lưu ý, áp dụng kiện dân sự để thu hồi tài sản không có nghĩa làm giảm đi vai trò quan trọng của biện pháp hình sự trong việc xử lý hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Việc này thể hiện rằng, bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự có thể bổ sung hiệu quả cho các chế tài hình sự bởi việc tấn công vào nền tảng kinh tế của các hoạt động tham nhũng trong cả khu vực công và tư.

          Thực tế, từ những thách thức đặt ra (trong vấn đề thu hồi tài sản), tất cả các biện pháp thu hồi tài sản, gồm cả hình sự và dân sự, cần được đồng thời xem xét kỹ càng để giải quyết tham nhũng từ mọi khía cạnh và đạt được các mục đích ngăn chặn và thực thi hiệu quả. Trong khi luật hình sự thể hiện sự phản ứng của xã hội đối với các hành vi tham nhũng và mục tiêu hướng tới ngăn chặn, trừng phạt và tịch thu tiền bất hợp pháp, thì luật dân sự tập trung vào các lợi ích của nạn nhận và mục tiêu là bồi thường thiệt hại và hoàn trả. Thủ tục dân sự có thể xảy ra đồng thời với thủ tục hình sự, nhưng cũng có thể tiến hành sau thủ tục hình sự. Bởi vậy, xử lý hiệu quả tham nhũng sẽ thường cần sử dụng đồng thời cả hai biện pháp thu hồi tài sản bằng thủ tục hình sự và dân sự để đạt được kết quả mong muốn.

Các phương thức khởi kiện thu hồi tài sản tham nhũng

          Theo kinh nghiệm quốc tế, có nhiều cách khởi kiện về tài sản trong tố tụng dân sự, trong đó có kiện khẳng định quyền sở hữu đối với tài sản và kiện đòi bồi thường, khởi kiện căn cứ trên tính vô hiệu của hợp đồng hay sự vi phạm hợp đồng, làm giàu bất hợp pháp hoặc không công bằng, hay sự vi phạm hợp đồng, làm giàu bất hợp pháp hoặc không công bằng.

          Một là, khởi kiện khẳng định quyền sở hữu.

          Hai là, khởi kiện đòi bồi thường

          Ba là, khởi kiện dựa trên tính vô hiệu lực của hợp đồng hoặc vi phạm hợp đồng

          Bốn là, khởi kiện căn cứ trên hành vi làm giàu bất hợp pháp hoặc làm giàu không công bằng

Một số kiến nghị cho Việt Nam

          Thực tiễn đấu tranh chống tội phạm, nhất là các tội phạm tham nhũng đã đặt ra những thách thức rất lớn với các cơ quan tố tụng trong việc chứng minh thiệt hại của tội phạm, cũng như khả năng thu hồi tài sản cho ngân sách. Số tài sản thực tế bị thiệt hại là rất lớn nhưng số chứng minh thiệt hại chưa đầy đủ so với thiệt hại đã xảy ra, đồng thời, khi thi hành án, kết quả thu hồi đạt tỷ lệ rất thấp. Trong khi đó, Bộ Luật hình sự và Bộ Luật tố tụng hình sự mới chủ yếu tập trung vào việc xử lý người phạm tội, chưa chú trọng xây dựng các cơ chế, thủ tục để khắc phục hậu quả của tội phạm.

          Trong bộ luật dân sự Việt Nam không có các quy định trực tiếp về thu hồi tài sản tham nhũng. Các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng được thể hiện trong các điều luật quy định về quyền của chủ sở hữu đối với tài sản; xác định quyền của chủ sở hữu trong việc đòi lại các tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp; đòi bồi thường thiệt hại về tài sản do hành vi xâm phạm gây ra; nghĩa vụ hoàn trả tài sản do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, giúp cho tài sản bị tham nhũng được hoàn trả về đúng chủ sở hữu.

          Như vậy, trong các trường hợp tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp, bị thiệt hại do hành vi xâm phạm trái pháp luật gây ra (trong đó có hành vi tham nhũng) bị chiếm hữu, sử dụng, được lợi không có căn cứ pháp luật (trong đó có những tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng), thì chủ sở hữu có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các quy định của Bộ Luật dân sự để đòi lại các tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp; đòi bồi thường thiệt hại về tài sản do hành vi xâm phạm gây ra; yêu cầu hoàn trả tài sản do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

          Về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về tài sản, Bộ Luật tố tụng dân sự Việt Nam quy định những loại tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền gải quyết của Tòa án, trong đó có tranh chấp về quyền sở hữu tài sản. Như vậy, trong các trường hợp phát sinh các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản nói chung, trong đó có các tài sản tham nhũng thì thẩm quyền giải quyết là của Tòa án.

          Về quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước, Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 (khoản 4, điều 187) quy định: "Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật". Như vậy, khi bị các hành vi tham nhũng xâm phạm tới quyền, lợi ích có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ.

          Nhìn chung, những quy định liên quan tới việc thu hồi tài sản tham nhũng được quy định trong Bộ Luật tố tụng dân sự chủ yếu là các quy định về thẩm quyền khởi kiện các vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước khi bị các hành vi tham nhũng xâm phạm; trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời; cũng như việc giải quyết các tranh chấp về tài sản nói chung, trong đó có tài sản tham nhũng, nhằm trả lại tài sản về cho chủ sở hữu hợp pháp.

          Như vậy, qua rà soát Bộ Luật dân sự và Bộ Luật tố tụng dân sự, chúng ta có thể vận dụng quy định pháp luật hiện hành để khởi kiện dân sự nhằm thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, chưa có ai (cơ quan thẩm quyền, thế nhân hay pháp nhân) khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng. Có lẽ, bởi tính chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và linh hoạt của các quy định pháp luật trong bảo đảm việc kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng. Hoặc việc khởi kiện chủ yếu liên quan đến lợi ích công cộng và Nhà nước, mà chưa tính đến lợi ích cá nhân. Hoặc đơn giản là tâm lý và cách hiểu rằng, việc xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng cần được xử lý bằng biện pháp kinh điển là thông qua quy trình tố tụng hình sự.

          Do vậy, để khắc phục tình trạng trên, trước mắt Việt Nam cần hoàn thiện các quy định pháp luật về khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng trong các trường hợp nếu áp dụng quy trình tố tụng hình sự để thu hồi sẽ không thể hoặc quá khó khăn và tốn kém, như các trường hợp sau đây:

          - Người phạm tội bỏ trốn. Đưa ra phán quyết buộc tội là không thể nếu người phạm tội bỏ trốn.

          - Người phạm tội chết hoặc chết trước khi ra phán quyết buộc tội. Sự kiện này dẫn đến việc kết thúc tiến trình tố tụng.

          - Không xác định được người phạm tội nhưng phát hiện được tài sản phạm tội (ví dụ, tài sản phạm tội được phát hiện khi đang vận chuyển bởi nhân viên dịch vụ, người này không liên quan tới hoạt động phạm tội). Nếu tài sản có nguồn gốc từ tội phạm, chủ sở hữu hoặc người phạm tội có thể không sẵn sàng bảo vệ theo thủ tục dân sự đòi lại tài sản bởi lo sợ việc này sẽ dẫn đến truy cứu hình sự. Do vậy, việc buộc người phạm tội sẽ là không chắc chắn, hoặc là không thể.

          - Tài sản liên quan (đến tội phạm) được nắm giữ bởi bên thứ ba, người này không bị chịu trách nhiệm hình sự nhưng biết- hoặc có trách nhiệm phải biết - tài sản họ nắm giữ là bất hợp pháp. Trong khi thu hồi tài sản qua truy tố hình sự không đạt được bởi tài sản được nắm giữ bởi bên thứ ba ngay tình, thì kiện dân sự có thể thu hồi được tài sản từ bên thứ ba không được hưởng quyền bào chữa ngay tình (theo dân sự).

          - Không đủ bằng chứng để tiếp tục tiến trình truy cứu hình sự./. 

(Trích từ bài viết "Thu hồi tài sản tham nhũng theo quy trình khởi kiện dân sự - Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị cho Việt Nam", trong Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số quốc gia trên thế giới, Ban Nội chính Trung ương, NXB Hà Nội năm 2022)