Khó khăn trong quá trình chi trả tín chỉ carbon ở Quảng Bình
Bên cạnh những thuận lợi, Quảng Bình đang gặp một số khó khăn trong quá trình chi trả tín chỉ carbon. Nội dung mới, thí điểm Quảng Bình là 1 trong 6 tỉnh được lựa chọn tham gia thí điểm bán tín chỉ carbon vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị định số 107 của Chính phủ. Trong năm 2023, Quảng Bình được phân bổ 82,476 tỉ đồng. Đối tượng hưởng lợi gồm: 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 UBND cấp xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 9 chủ rừng là tổ chức khác được giao quản lý rừng. Vừa qua, tỉnh Quảng Bình được phân bổ 80% kinh phí từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho đối tượng rừng tự nhiên với trên 235 tỉ đồng, cao thứ 2 trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Bên cạnh những thuận lợi được chính phủ hỗ trợ, tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình chi trả tiền cho việc bán tín chỉ carbon. Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Bình thừa nhận, kế hoạch chi trả cho việc bán tín chỉ carbon là nội dung mới, thực hiện thí điểm, nên trong quá trình triển khai có phát sinh một số khó khăn đang vướng mắc trong Nghị định số 107 của Chính phủ. Đơn cử, tại điểm c khoản 2 Điều 3 quy định nguyên tắc “chi không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách Nhà nước”. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo các chính sách hiện hành thông qua các chương trình, dự án. Nếu thực hiện theo quy định nêu trên thì sẽ có rất ít diện tích để thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng. “Hay tại khoản 2 Điều 5 quy định về đối tượng tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng tổ chức là cộng đồng dân cư, trong khi đó, thực tế tại tỉnh Quảng Bình diện tích rừng tự nhiên chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, dọc biên giới Việt - Lào là những nơi có rất ít hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống. Do vậy, chủ rừng là tổ chức không thể thực hiện khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư” - ông Tuấn nêu rõ hai điểm khó khăn trong quá trình thực hiện. Khai thác tiềm năng rừng Nhằm khai thác tiềm năng tạo tín chỉ carbon rừng, ông Tuấn đã đưa ra các giải pháp chính cho vấn đề này. Nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng, suy thoái rừng, tăng cường trữ lượng carbon rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng và quản lý rừng bền vững cần tiếp tục bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng tự nhiên theo hướng nâng cao chất lượng rừng. “Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý bảo vệ rừng theo tinh thần Chỉ thị 13; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng; bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái; triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch của Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, gắn với xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng” - ông Tuấn nói. Ông Tuấn cho rằng, cần tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện chi trả các năm tiếp theo cho các đối tượng hưởng lợi từ thỏa thuận chi trả tín chỉ carbon vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị định số 107 của Chính phủ. Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch tài chính hằng năm; đôn đốc, kiểm tra, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chi trả tín chỉ carbon theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Hợp tác, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc thực hiện các hoạt động trồng rừng mới theo tiêu chuẩn quốc tế… Theo laodong.vn |