Vi phạm quy định về bảo vệ hành lang đê điều: Nhiều địa phương chưa xử lý dứt điểm 

 Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực đê điều, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý đê điều trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện pháp luật về đê điều tại một số địa phương chưa nghiêm.

 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Hoài Nam cho biết: Hệ thống đê điều của tỉnh góp phần quan trọng trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, chống lũ tiểu mãn, lũ sớm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, kết hợp giao thông, bảo vệ dân sinh-kinh tế. Xác định được tầm quan trọng đó, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực đê điều, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý đê điều trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, Sở NN-PTNT đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố, thị xã có đê thực hiện, tuân thủ pháp luật về quản lý đê điều. Nhờ đó, đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đê điều cơ bản đáp ứng cho công tác quản lý nhà nước.
Một công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê điều chưa được xử lý dứt điểm.
Một công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê điều chưa được xử lý dứt điểm.
Tuy nhiên, mới đây, qua kiểm tra Sở NN-PTNT phát hiện việc thực hiện pháp luật về đê điều tại nhiều địa phương vẫn chưa nghiêm và công tác quản lý đê điều chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể, việc xử lý các trường hợp vi phạm đê điều đã được liệt kê, có kết luận thanh tra còn chậm. Điều này thể hiện rõ qua việc trong 38 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê điều tại Kết luận thanh tra số 2092/KL-SNN, ngày 9/9/2020 của Sở NN-PTNT đến nay vẫn còn 29 trường hợp chưa được xử lý (Quảng Ninh 14 trường hợp, TX. Ba Đồn 9 trường hợp, Quảng Trạch 4 trường hợp; Bố Trạch 2 trường hợp).
 
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời các vụ vi phạm phạm vi bảo vệ đê điều dẫn đến một số hoạt động liên quan đến đê điều chưa được cấp phép; tình trạng tập kết vật tư, vật liệu, cơi nới, xây dựng công trình trái phép còn diễn ra... Các hoạt động này đã gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của các tuyến sông có đê.
 
Lý giải về việc là địa phương có nhiều trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê điều đã có kết luận nhưng chưa được xử lý, ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) cho hay: Hiện toàn xã có 14 trường hợp vi phạm (chủ yếu là các hộ dân lấn chiếm đất, mỗi hộ vài chục mét vuông đất ở hành lang bảo vệ đê điều) chưa xử lý dứt điểm được mặc dù qua quá trình tuyên truyền, vận động người dân đã đồng tình không tiếp tục vi phạm, không thực hiện các hoạt động tại đây.
 
Tuy nhiên, do xã không có kinh phí để giải tỏa các công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều nên các công trình vi phạm vẫn tồn tại. Đáng nói có một bãi tập kết cát sạn vi phạm hành lang bảo vệ đê điều vẫn đang hoạt động do hộ dân này được huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên địa phương chưa thể xử lý được...
 
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm chất lượng nước phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt trong mùa mưa lũ 2024, UBND tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan và Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình vi phạm công trình thủy lợi về hình thức, số lượng và mức độ ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Bãi tập kết cát sạn đang hoạt động vi phạm hành lang bảo vệ đê điều tại xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) nhưng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước.
Bãi tập kết cát sạn đang hoạt động vi phạm hành lang bảo vệ đê điều tại xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) nhưng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước.
UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT đẩy mạnh việc tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương có công trình thủy lợi và đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, đặc biệt là Công an tỉnh trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm công trình thủy lợi; công khai tình hình, kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên phương tiện truyền thông; kịp thời biểu dương tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ an toàn công trình thủy lợi; kiểm tra, đôn đốc việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn...
 
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải vào công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật; triển khai giải pháp, tổ chức thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của khu đô thị, khu dân cư tập trung, nước thải từ các làng nghề, cơ sở chăn nuôi.
 
Cùng với việc thực hiện chỉ đạo nói trên của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương có đê phải tăng cường thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước theo các quy định; tập trung xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ vi phạm đang tồn đọng; thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm để ngăn chặn từ khi mới phát sinh-ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết thêm.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, đôn đốc UBND cấp xã có đê thực hiện nghiêm Quyết định số 33/2016/QĐ-UBND, ngày 26/10/2016 của UBND tỉnh; tổ chức quản lý chặt chẽ công trình đê điều, đất trong hành lang bảo vệ đê điều, bãi sông theo đúng quy định pháp luật về đê điều; tổ chức thống kê, phân loại vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, làm rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân nhằm xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn theo quy định; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra các vụ vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn mình quản lý.

Cùng đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, các văn bản pháp luật liên quan cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đê điều tuân thủ nghiêm các quy định liên quan đến việc cấp phép đối với các hoạt động phải được cấp phép theo quy định pháp luật về đê điều.
 
Đối với các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, UBND tỉnh yêu cầu cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ; thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm, ngăn chặn, lập biên bản trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; rà soát lập danh sách trường hợp vi phạm, kiến nghị, phối hợp ngay với chính quyền địa phương để xử lý kịp thời...
Theo Báo Quảng Bình