Cái giá của "tự do ngôn luận" 
Bản án 24 tháng tù giam mà hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thu Hằng (SN 1963, cán bộ hưu trí, ở tổ dân phố 8, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) là bài học đắt giá về thể hiện quyền tự do ngôn luận của công dân.
Ngày 24/4/2024, Tòa án nhân dân TP. Đồng Hới đã mở phiên tòa hình sự trực tuyến xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thu Hằng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015.
 
Trình bày tại tòa, bị cáo Hằng cho rằng, do bức xúc cá nhân và không am hiểu luật pháp nên đã có những hành vi không đúng chuẩn mực. HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo Hằng đã xâm phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với các tổ chức và cán bộ, công chức nhà nước.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Đồng Hới thi hành lệnh bắt giam bị can Nguyễn Thu Hằng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Đồng Hới thi hành lệnh bắt giam bị can Nguyễn Thu Hằng.
Trước đó, do không đồng tình với kết quả xét xử của HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh liên quan vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, trong tháng 4/2023, bà Hằng đã nhiều lần dùng tài khoản facebook cá nhân “Nguyễn Thu Hằng” phát trực tiếp lên mạng xã hội có những lời lẽ chửi bới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân chủ tọa phiên tòa. Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ tháng 3-5/2023, bà Hằng còn nhiều lần đến trụ sở các cơ quan trực thuộc TP. Đồng Hới, như: UBND phường Nam Lý, Phòng Giáo dục-Đào tạo, Thanh tra thành phố… có lời lẽ to tiếng, chửi bới, gây mất trật tự; đồng thời sử dụng tài khoản facebook cá nhân nói trên liên tục đăng tải các video clip tự quay xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân Phó Chủ tịch UBND phường Nam Lý, Chánh Thanh tra thành phố và một số cán bộ, nhân viên của các cơ quan này...
 
Sau quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 13/9/2023, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Đồng Hới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với bà Nguyễn Thu Hằng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 2, Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015.
 
Cần phải hiểu rằng, tự do ngôn luận là quyền cơ bản của công dân đã được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Điều 69, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Quyền tự do ngôn luận là quyền của con người trong việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, thể hiện quan điểm, chính kiến của bản thân đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc dưới các văn bản điện tử, như: Thư điện tử, tài khoản mạng xã hội hoặc dưới các hình thức khác, như: Tranh vẽ, biểu diễn nghệ thuật…
 
Tuy nhiên, cũng như các quyền khác của công dân, việc thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cũng phải trong khuôn khổ luật pháp và bị điều chỉnh bằng các quy định của pháp luật khác có liên quan, như: Luật Báo chí, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin… Điều này có nghĩa, khi thực hiện quyền tự do dân chủ, tự do báo chí, công dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ Nhà nước, không được gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 9, Luật Báo chí và Điều 8, Luật An ninh mạng…
 
Đáng tiếc, hiện có không ít người hiểu nhầm, hiểu không đầy đủ, thậm chí “lạm dụng” khái niệm tự do ngôn luận. Chính vì vậy, khi có mắc mớ cá nhân, hay mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt, việc giải quyết vấn đề trong đời sống hàng ngày, không ít người đánh mất sự tỉnh táo, thiếu kiềm chế cảm xúc nên ứng xử một cách tùy tiện, không kiểm soát hành vi, cách xử sự, phát ngôn. Dẫn tới có các hành vi, lời nói, hình ảnh… trên mạng xã hội để chửi bới, vu khống, xúc phạm uy tín, của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, khi công nghệ thông tin có sự phát triển vượt bậc, nhất là mạng xã hội thì việc lạm dụng mạng xã hội để thể hiện chính kiến, giải quyết mâu thuẫn, bức xúc cá nhân diễn ra ngày càng phổ biến, có chiều hướng phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy về trật tự xã hội.
 
Bản án 24 tháng tù giam là bài học xương máu không chỉ dành riêng cho bị cáo Nguyễn Thu Hằng mà còn là lời cảnh tỉnh cho những ai tham gia mạng xã hội. Cần phải tuân thủ và ứng xử đúng chuẩn mực theo khuyến cáo tại Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin-Truyền thông ban hành. Bởi suy cho cùng, mục đích của quá trình tham gia trên mạng xã hội là nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử đúng mực, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.
Theo Báo Quảng Bình