Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng 

Những năm gần đây, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) bằng các phần mềm: FRMS, QGIS, Google Earth, vTools Survey… Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN đã và đang hỗ trợ tích cực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác QLBVR hiệu quả, góp phần thúc đẩy xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

 
Hiện nay, nhiều phần mềm KHCN đã được lực lượng Kiểm lâm tích hợp lên máy tính bảng, điện thoại thông minh nhằm hỗ trợ cho cán bộ trong quá trình thực thi công việc. Việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào công tác QLBVR trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần tích cực ngăn chặn những biến động xấu xâm hại đến tài nguyên rừng, đẩy lùi tình trạng phá rừng trái phép, bảo vệ động vật hoang dã, giúp lực lượng Kiểm lâm tham mưu Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh quyết định công bố hiện trạng rừng toàn tỉnh và có nhiều chỉ đạo sâu sát, hiệu quả…
 
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã Thượng Hóa (Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa) Trần Anh Chung chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần đi tuần rừng, cán bộ ở trạm phải đem theo bản đồ giấy, máy định vị, la bàn… và phụ thuộc khá nhiều vào quan sát bằng mắt thường, nguồn tin, kinh nghiệm của quần chúng nên rất bất tiện, mất thời gian, công sức, hiệu quả công việc chưa cao. Giờ đây, nhờ ứng dụng KHCN vào công tác QLBVR, tất cả đều được tích hợp trên điện thoại thông minh. Mỗi ngày, cán bộ ở trạm chỉ cần truy cập vào phần mềm cập nhật diễn biến rừng đã được cài đặt trên điện thoại là có thể theo dõi các điểm nghi ngờ thay đổi rừng từ ảnh vệ tinh cung cấp. Nói chung, việc ứng dụng KHCN đã giúp lực lượng Kiểm lâm địa bàn, các chủ rừng rất nhiều trong việc xác minh, thu thập thông tin biến động rừng tại hiện trường, hỗ trợ quá trình kiểm tra, tuần rừng, đo đạc vị trí cụ thể ở ngoài thực địa nhanh, chính xác, hiệu quả cao…”.
Nhiều phần mềm khoa học công nghệ đã được lực lượng Kiểm lâm tích hợp trên điện thoại thông minh để hỗ trợ quá trình thực thi nhiệm vụ.
Nhiều phần mềm khoa học công nghệ đã được lực lượng Kiểm lâm tích hợp trên điện thoại thông minh để hỗ trợ quá trình thực thi nhiệm vụ.
TP. Đồng Hới hiện có tổng diện tích rừng gần 5.800ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên hơn 2.450ha, rừng trồng trên 3.320ha, độ che phủ rừng đến hết năm 2023 đạt 30,35%.
 
Ông Mai Song Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Đồng Hới cho biết: Những năm gần đây, nhờ áp dụng KHCN vào công tác QLBVR nên việc kiểm tra, giám sát rừng thuận lợi, giúp phát hiện, ngăn chặn sớm các hành vi khai thác, phá rừng trái pháp luật. Được sự quan tâm đầu tư của UBND TP. Đồng Hới, trong tháng 5/2024, đơn vị đã được trang bị thêm máy tính, màn hình tivi, camera chuyên dụng nhằm thực hiện theo dõi, phát hiện, cảnh báo sớm các điểm phát lửa, cháy rừng. Trước mắt, UBND thành phố đang triển khai thi công thí điểm 1 camera chuyên dụng tại Trạm Kiểm lâm Phú Quý (Hạt Kiểm lâm TP. Đồng Hới) và xúc tiến lắp đặt thêm 2 camera tương tự tại chòi canh lửa Dốc Vọt (phường Đồng Sơn) và một đỉnh đồi tại xã Nghĩa Ninh. Khi có các camera chuyên dụng để theo dõi, cảnh báo cháy rừng, lực lượng Kiểm lâm sẽ giảm được việc tuần tra, canh gác lửa rừng vào thời điểm nắng gắt, dự báo cháy rừng từ cấp IV đến cấp V… Việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào công tác QLBVR này còn giúp lực lượng Kiểm lâm địa bàn đỡ tốn công sức, chi phí đi lại…
 
“Trước đây, khi chưa ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám, việc kiểm tra hiện trạng, diễn biến rừng cũng như nắm thông tin về các vụ việc phá rừng, cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nhờ áp dụng ảnh viễn thám, phần mềm FRMS, hàng ngày, lực lượng Kiểm lâm và các chủ rừng có thể rà soát, phát hiện được các biến động ngay tại nơi làm việc, sau đó mới tổ chức kiểm tra, xác minh các nguyên nhân biến động ngoài thực địa, cập nhật vào phần mềm kịp thời...”, ông Lê Trung Hiền cho biết thêm.

Toàn tỉnh hiện có tổng diện tích đất lâm nghiệp là 650.534,31ha, trong đó, rừng đặc dụng 144.310,85ha, rừng phòng hộ 151.761,28ha, rừng sản xuất 318.086,18ha và diện tích ngoài ba loại rừng trên là 36,375,53ha. Tỷ lệ che phủ rừng 68,70%. Có thể nói, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào công tác QLBVR trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt, tích cực. Hiện, lực lượng Kiểm lâm và rất nhiều đơn vị chủ rừng đã chú trọng ứng dụng các phần mềm theo dõi diễn biến rừng, như: FRMS, Mapinfo, Microstation, QGIS…; các thiết bị khảo sát, kiểm tra, đo vẽ thực địa như GPS, máy tính bảng, điện thoại di động được cài đặt phần mềm FRMS mobile; các ứng dụng bản đồ, ảnh vệ tinh để cập nhật diễn biến rừng, khảo sát thực địa, kiểm tra, đo vẽ, cập nhật các thông tin hiện trường. Việc sử dụng ảnh vệ tinh kết hợp phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp còn giúp cho lực lượng Kiểm lâm tỉnh điều chỉnh, cập nhật diễn biến rừng qua từng tháng vào cơ sở dữ liệu FRMS, đồng bộ hóa dữ liệu theo dõi diễn biến rừng hàng năm.

Trưởng phòng QLBVR và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lê Trung Hiền chia sẻ: “Hiện nay việc ứng dụng KHCN vào công tác QLBVR được lực lượng toàn ngành triển khai và đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Thời gian tới, chi cục sẽ đề xuất lên cấp trên đầu tư thêm các máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho công việc, như: Máy định vị GPS, máy tính bảng, máy tính có cấu hình cao, trang bị các phần mềm chuyên dụng, máy bay không người lái, lắp đặt những bộ giám sát có thể phát hiện tiếng cưa máy ở những khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại...”.
Theo Báo Quảng Bình