"Về miền Trung" 
Trong căn nhà nhỏ khiêm nhường tại thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) là một thế giới tĩnh lặng và đầy sắc màu. Những ngày này, nữ họa sĩ-bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy (SN 1962) đang dành hết tâm huyết để hoàn thiện những bức tranh chuẩn bị cho triển lãm chào mừng kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình với chủ đề “Về miền Trung”.
 
Đường đến hội họa
 
Chị Ngô Thị Thanh Thủy kể, bố mẹ chị quê ở Nghệ An, nhưng chị và 6 anh, chị em được sinh ra và lớn lên tại ngôi nhà số 12, đường Lâm Úy (nay là phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới) nên Quảng Bình chính là quê hương thứ hai gắn bó, thân thương của gia đình chị. Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, cả gia đình sơ tán lên xã Hiền Ninh (Quảng Ninh), rồi sau đó trở về quê hương ở tỉnh Nghệ An. 
 
Những năm tháng học cấp 3, chị ấp ủ ước mơ trở thành họa sĩ và dự định thi vào Trường cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp, nhưng bố chị là một thầy thuốc đã động viên chị theo nghề y. Vâng lời bố, sau khi tốt nghiệp đại học, chị trải qua nhiều vị trí công tác trong ngành Y, cả y học lâm sàng và y học dự phòng.
 
“Những năm tháng ấy, niềm say mê hội họa của tôi khuất lấp giữa bộn bề công việc, gia đình, cho mãi đến năm 2018, tôi dường như tỉnh giấc. Trong một lần thấy bạn bè đến quán cà phê vẽ, tôi chợt nảy ý định cũng thử vẽ...”, chị Thủy chia sẻ.
Nữ họa sĩ Ngô Thị Thanh Thủy đang hoàn thiện tác phẩm về quê hương Quảng Bình.
Nữ họa sĩ Ngô Thị Thanh Thủy đang hoàn thiện tác phẩm về quê hương Quảng Bình.
Để trở về trọn vẹn với ước mơ những tháng năm tuổi trẻ, chị tìm thầy để học nhưng cuối cùng lại chọn cách tự nghiên cứu, tự học hỏi. Tác phẩm đầu tay của chị là ngôi nhà thơ ấu trên một ngọn đồi được hoàn thành trong hai giờ đồng hồ từ những hồi ức. Lúc vẽ xong, chị gửi cho anh, chị em trong gia đình xem, mọi người đều thốt lên ngỡ ngàng, xúc động khi nhận ra ngôi nhà xưa cũ đầy sống động trong tranh. Đó là khởi đầu quan trọng để chị thực sự chạm vào hội họa, trở lại với mơ ước của mình.
 
Duyên nợ với Quảng Bình
 
Những năm là sinh viên Trường đại học Y Hà Nội, chị Ngô Thị Thanh Thủy gặp gỡ và kết hôn với một chàng trai Quảng Bình. Chàng trai năm ấy, giờ là PGS.TS. Nguyễn Đại Bình, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K, giảng viên cao cấp bộ môn ung thư, Trường đại học Y Hà Nội, người đã cùng chị đi qua nhiều vùng đất, trong đó, Quảng Bình là chốn về thân thương của hai người. Qua mỗi chuyến trở về, hình ảnh Quảng Bình trong chị càng đậm nét hơn và những bức tranh về miền đất nắng gió này cứ thế ra đời.
 
Bức tranh đầu tiên chị vẽ về Quảng Bình là bức Vượt thác Tam Lu. Tỉ mẩn trau chuốt từng dáng hình viên sỏi, từng bóng cây, ngọn cỏ và thác tung bọt trắng, đặc biệt là hình ảnh người chèo thuyền đầy can trường, điêu luyện, nét vẽ của chị đã tái hiện hình ảnh Tam Lu quen thuộc vừa bình yên vừa mạnh mẽ.
Triển lãm “Về miền Trung” thu hút nhiều khán giả
Triển lãm “Về miền Trung” tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh thu hút nhiều khán giả.
“Trong những chuyến về thăm quê chồng, tôi bắt gặp rất nhiều hình ảnh đẹp. Đó là nhà thờ nằm tựa lưng vào ngọn núi, trầm mặc trên nền cỏ cây; là cảnh hoàng hôn ở Ngư Thủy khi mặt trời đang từ từ khuất sau rặng phi lao; là cây cầu sừng sững, duyên dáng bắc qua dòng Long Đại; là cuộc sống bình dị của những người dân làng biển... Tôi thường chụp lại những hình ảnh đó để làm “vốn liếng” cho hành trình sáng tác của mình”, chị tâm sự.
 
Sáu năm qua, có rất nhiều bức tranh về Quảng Bình ra đời bằng sự đam mê hội họa và tình yêu quê hương của nữ họa sĩ có tuổi nghề còn rất trẻ này. Với trường phái tả thực, mỗi bức tranh là một câu chuyện, một góc nhìn, dù quen thuộc hay mới lạ đều gợi cho người xem cảm giác gần gũi, đồng cảm.
 
Với trường phái trừu tượng, một số bức tranh được chị vẽ bằng cảm hứng từ thiên nhiên và vùng đất miền Trung. Mỗi tác phẩm sau khi hoàn thành luôn được chị chia sẻ với người bạn đời của mình, như một cách thử nghiệm tác phẩm với khán giả. 
Tác phẩm “Vượt thác Tam Lu”
Tác phẩm “Vượt thác Tam Lu”.
Để đưa tác phẩm đến với người yêu nghệ thuật, nhiều bạn bè đã khuyến khích chị mở triển lãm tranh nhưng chị vẫn chần chừ và do dự. Đến khi nhận được lời mời tham gia triển lãm trong khuôn khổ chương trình các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024), chị đã quyết định chia sẻ 23 tác phẩm của mình với quê hương Quảng Bình trong triển lãm có chủ đề “Về miền Trung”.
 
Với tình yêu đất, yêu người, đặc biệt là niềm đam mê hội họa, điều chắc chắn là tranh về Quảng Bình của nữ họa sĩ Ngô Thị Thanh Thủy sẽ không dừng lại ở con số trong triển lãm lần này. Sự hòa hợp trong cảm nhận thiên nhiên và tình yêu quê hương của hai vợ chồng chị là nền tảng để chị tiếp tục hành trình khám phá và sáng tác về nhiều vùng đất của Quảng Bình.
 
“Về miền Trung” là tên của triển lãm gồm 23 bức tranh về đất và người Quảng Bình mà họa sĩ Ngô Thị Thanh Thủy sáng tác từ năm 2018 đến nay. Đó là 23 câu chuyện, 23 góc nhìn thấm đẫm tình yêu và niềm tự hào dành cho những làng quê Quảng Bình chị đã đi qua. Mong ước giản dị của chị là những bức tranh mộc mạc về quê hương sẽ góp một chút không gian mới mẻ trong tổng thể chương trình và kết nối sự đồng điệu giữa những người Quảng Bình, người yêu hội họa.
Theo Báo Quảng Bình