Giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn “lợi ích nhóm” trong xây dựng văn bản QPPL ở địa phương
Đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dụng văn bản đó sau khi được ban hành. Các quy phạm pháp luật trong văn bản QPPL được Nhà nước đặt ra nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong một hoặc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trên một địa bàn hoặc nhiều địa bàn ở địa phương, bắt buộc mọi chủ thể thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh phải tuân theo. Theo đó, văn bản QPPL có thể ràng buộc đối với nhóm đối tượng này, nhưng cũng có thể tạo điều kiện “lợi thế” cho nhóm đối tượng khác, chẳng hạn như: các QPPL có thể đặt ra các chế độ, định mức, tiêu chuẩn cho một nhóm đối tượng; hỗ trợ hoặc ưu đãi cho một số đối tượng, nhóm đối tượng ngành nghề nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hay là việc đặt ra các định mức đền bù, bồi thường, hỗ trợ khi tài sản bị tác động bởi yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương (thu hồi đất, thu hồi dự án đầu tư, mở rộng đường giao thông, giải phóng mặt bằng…) hoặc đặt ra các yêu cầu, điều kiện để quản lý của ngành; cũng có thể phân công, phân cấp, ủy quyền thực hiện chức năng quản lý theo ngành, lĩnh vực v.v… Việc lồng ghép, tác động vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL có thể bằng nhiều hình thức như: tài trợ tổ chức nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý; vận động, gợi ý trong quá trình soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý; định hướng trong quá trình góp ý, thẩm định, thẩm tra v.v… nhằm tạo ra lợi ích cho một nhóm đối tượng hoặc lợi ích thuận lợi cho ngành, lĩnh vực mà mình quản lý. Vì vậy, quá trình xây dựng văn bản QPPL ở địa phương cần có các giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng, trục lợi, “lợi ích nhóm” có thể xảy ra. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật nói chung, xây dựng văn bản QPPL ở địa phương nói riêng góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa kịp thời, đồng bộ các quy định của Hiến pháp, văn bản pháp luật cấp trên, phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của chính quyền địa phương bằng pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng văn bản QPPL là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Kết luận số 21- KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra nhiệm vụ “Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã nêu nhiệm vụ, giải pháp trong đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng “Đặc biệt coi trọng xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trọng tâm; chống tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật”; Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 quy định một trong những nguyên tắc trong xây dựng văn bản QPPL đó là “Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra một trong những nhiệm vụ trong công tác nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật đó là “tăng cường tham vấn ý kiến chuyên môn của các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và tham vấn ý kiến rộng rãi của người dân, tổ chức và xã hội trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính minh bạch, tính nhất quán, ổn định và dự đoán được của pháp luật”; Chỉ thị 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong nghiên cứu xây dựng, đề xuất chính sách và soạn thảo, trình văn bản quy phạm pháp luật. Chú trọng kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, trục lợi chính sách””. Nhằm thể chế hóa chủ trương trong các văn kiện của Đảng, cụ thể hóa các quy định về nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong tham mưu xây dựng, trong quyết định ban hành văn bản QPPL góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL; phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, ban hành văn bản QPPL cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả, với nhiều biện pháp, giải pháp: Thứ nhất, tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc hoạch định, định hướng ban hành cơ chế, chính sách của địa phương một cách toàn diện, tổng thể, phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn ở địa phương. Xác định rõ sự cần thiết, mức độ tác động đến nguồn lực và hướng đến sự cân bằng lợi ích của các chủ thể trong xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền; hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực của các cấp, các ngành, của các tổ chức, cá nhân trong cả quá trình xây dựng chính sách từ khi soạn thảo cho đến khi ban hành. Thứ hai, việc đề xuất ban hành văn bản QPPL phải đảm bảo cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; dự liệu được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện; tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, nội dung, các chính sách trong đề xuất xây dựng văn bản, đảm bảo tính hợp lý, tình khả thi. Việc đánh giá tác động đối với dự thảo phải được thực hiện thực chất, toàn diện, khẳng định được ưu điểm, hạn chế trong từng chính sách, cần thiết hay không cần thiết ban hành chính sách đó. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo trong suốt quá trình xây dựng văn bản từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi thông qua; trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung, chất lượng, tiến độ trình các dự thảo do cơ quan mình chủ trì. Thứ ba, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu trong công tác thẩm định, thẩm tra nhằm kịp thời phát hiện những quy định trái, mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản cấp trên hoặc tình hình kinh tế xã hội; những quy định có dấu hiệu lồng ghép lợi ích cục bộ hoặc “thiên vị” trong dự thảo văn bản để loại bỏ ngay từ khâu dự thảo. Kiện toàn đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo về số lượng, có chất lượng. Tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham mưu về ban hành văn bản QPPL, đảm bảo có kỹ năng xây dựng, nhận diện, phân tích chính sách hiệu quả. Thứ tư, phát huy dân chủ, nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhất là trong việc nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, hoạch định chính sách, góp ý xây dựng pháp luật ở địa phương. Tôn trọng, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia tham gia ý kiến góp ý xây dựng pháp luật. Xác định việc tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo văn bản QPPL là một quy định bắt buộc trong trình tự, thủ tục soạn thảo ban hành văn bản QPPL. Việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân sẽ giúp cho người dân phát huy quyền tham gia xây dựng, hoạch định và giám sát việc ban hành chính sách. Đồng thời, đây cũng là dịp để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận ý kiến phản hồi, xem lại việc tham mưu, ban hành chính sách, từ đó có hướng nghiên cứu, soạn thảo ban hành chính sách phù hợp hơn, hạn chế việc ban hành văn bản chi mang tính chủ quan từ phía cơ quan Nhà nước, áp đặt quyền lực, từ đó sẽ khó kiểm soát được tính công khai, minh bạch trong ban hành văn bản pháp luật./. Luật gia: Trà Đình Huân (Chi hội Sở Tư pháp) |