Mẹ, con và… mảnh đất 

Khó có thể nói hết uẩn khúc đằng sau những vụ việc này. Bởi, ai cũng có cái lý và cách giải thích của riêng mình. Cứ như thể, họ chẳng hề mong điều đó xảy ra, mà là do tình thế bắt buộc.

 
 1. Gần 80 tuổi, bà Liên nộp đơn kiện người con trai ra tòa để lấy lại phần đất của mình. Bà bảo, chuyện đến nước này cũng là vạn bất đắc dĩ, chứ bà không hề mong nó xảy ra, bởi dù sao cũng là mẹ con với nhau. Mảnh đất bà đòi chia đó cũng chính là mảnh đất từ xưa, ông bà đã tạo lập được sau khi kết hôn. Đó là nơi ông bà đã sinh ra 5 người con và trải qua hết những ngày tháng khổ cực lẫn hạnh phúc. Rồi các con lớn lên, thành gia lập thất, ai cũng có gia đình và tổ ấm hạnh phúc của riêng mình. Riêng anh Châu, vì là con trai duy nhất (4 người còn lại đều là con gái) nên sống cùng ông bà.
 
Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, có thời gian, do vợ chồng già không hợp tính hợp nết, bà đã đến ngôi nhà người quen (không ai ở để trông coi) để sống riêng một mình. Giờ đây, bà muốn về sống trên mảnh đất của mình, vì tuổi già sức yếu và lỡ khi trái gió trở trời. “Nhưng có lẽ, nó giận tôi vì không trọn nghĩa vẹn tình với cha con nó”, bà chia sẻ. Vì vậy, nay bà yêu cầu tòa án phân chia thửa đất gần 1.900m2 cho mình một nửa. Nửa còn lại, bà cũng đề nghị tòa chia 6 phần cho bà và 5 người con.
 
Anh Châu đồng ý với đề nghị của mẹ mình. Nhưng anh không chấp nhận chia nửa còn lại thành 6 phần. Bởi từ năm 1998, bố mẹ đã sống ly thân. Kể từ đó, anh một mình chăm sóc cha, cho đến ngày người cha qua đời. Nguyện vọng của anh là được hưởng một nửa thửa đất. 4 người chị em gái, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ban đầu đồng ý để hội đồng xét xử (HĐXX) phân chia theo quy định của pháp luật. Nhưng sau khi thấy, anh Châu tỏ thái độ dứt khoát, không nhân nhượng, các chị đồng ý giao lại phần tài sản mà các chị được hưởng cho anh, mà không kèm theo điều kiện gì.
 
Lần này, đến lượt bà Liên “xuống nước”, chỉ yêu cầu nhận một phần diện tích đất, cụ thể chiều ngang 15m, chiều dài hơn 38m, tổng diện tích là 561,7m2. Toàn bộ diện tích đất còn lại, bà giao hẳn cho anh Châu. Tưởng chừng sự việc đã được giải quyết êm đẹp, thấu tình đạt lý. Bất ngờ, anh Châu lại tiếp tục không đồng ý giao cho mẹ mình 15m chiều ngang mà chỉ giao 14m. Thế nhưng, sự nhân nhượng nào cũng có giới hạn của nó.
Ban đầu, HĐXX phiên tòa hôm ấy tưởng rằng vụ việc sẽ không đến mức căng thẳng, khi những người có quyền lợi liên quan thuận tình không nhận phần đất thừa kế, mà tự nguyện nhượng lại cho người anh em của mình. Giờ nghị án, vị chủ tọa nói riêng với tôi: “Chuyện nội bộ gia đình, nhất là chuyện phân chia, tranh chấp di sản thừa kế, nói dễ mà không phải dễ. Đành rằng trong những vụ việc này, người ta không tự thỏa thuận được mới đâm đơn ra tòa án. Trách nhiệm của mình là làm theo quy định của pháp luật, còn nội tình chuyện nhà người ta, người ta tự giải quyết. Cứ như trong vụ việc trên, may sao, 4 chị em gái không làm “căng lên”, đòi chia và nhận tất cả thì chuyện sẽ còn bị đẩy đi xa hơn. Bởi, một khi con người ta đã chọn lợi ích làm đầu với ý muốn tranh giành bằng được, thì họ sẽ không bao giờ từ bỏ mục đích của mình”.
 
2. Một vị thẩm phán từng tham gia xét xử nhiều vụ tranh chấp di sản thừa kế cho biết: “Thực ra, nhiều người không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, “chuyện bé xé ra to”, và cũng không hẳn tranh giành để được “ăn hơn”, mà là vì có những người sống với người thân ruột thịt quá đáng, nên họ mới đâm đơn để nhờ tòa án phân định rạch ròi”.
 
Anh vẫn còn nhớ rất rõ, hình ảnh mấy người con cháu dẫn một bà cụ đã gần 90 tuổi ra hầu tòa hôm đó. Bà tham gia phiên tòa với vai trò là bị đơn của chính người con trai. Bà có 10 người con, trong đó 5 người đã mất. Chồng bà mất cách đó đã hơn 5 năm. Trước khi phiên tòa diễn ra, mấy người con của bà đã nhiều lần bàn bạc, phân chia di sản thừa kế hơn 1.000m2 đất. Đa số những người con đều thống nhất không lấy phần tài sản thừa kế mà chuyển lại cho bà. Chỉ có ông Hiệu trước sau như một khăng khăng muốn lấy phần đất thừa kế cho riêng mình.
 
Một điều lạ nữa trong vụ việc này là người đứng đơn kiện không phải ông Hiệu mà là ông Thiết, một người con trai khác. Tại phiên tòa, ông Thiết trình bày rằng, ông đâm đơn ra tòa, không phải để tranh giành đất thừa kế, mà toàn bộ đất của ông sẽ nhường lại cho mẹ của mình. Ông Thiết trình bày xong, đến lượt những người con trai, con gái và cả con dâu, cháu nội ngoại cũng đều đồng ý nhường lại toàn bộ phần tài sản thừa kế của mình cho bà toàn quyền sử dụng.
 
Riêng ông Hiệu, người khăng khăng đòi đất thừa kế, lại không có mặt tại phiên tòa hôm ấy, do đang đi làm ăn xa, mặc dù tòa đã nhiều lần triệu tập nhiều lần. Đương nhiên, ông Hiệu vắng mặt nhưng HĐXX vẫn xem xét chia phần di sản thừa kế theo đúng quy định của pháp luật. Điều này cũng là mong muốn của nguyên đơn, bị đơn và những người liên quan. Trả lời HĐXX, bà cụ 90 tuổi chỉ bình thản, nhẹ nhàng bảo: “Thôi thì, con nào cũng là con. Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Thằng Hiệu muốn như vậy thì tôi cũng không hẹp hòi gì. Chỉ mong sau, anh em chúng nó đoàn kết, yêu thương nhau là được”. 
 
Phiên tòa hôm ấy kết thúc nhẹ nhàng và chóng vánh. Dường như với họ, nộp đơn kiện ra tòa là lựa chọn không mong muốn, nên ai cũng muốn kết thúc thật nhanh. Bởi, dù sao họ cũng là tình mẫu tử, anh em ruột thịt với nhau. Sau phiên tòa, ông Thiết buông lời như trút nhẹ gánh nặng bấy lâu: “Dù là tình thân ruột thịt, cũng phải rõ ràng, rành mạch với nhau, để không phải đôi co, tranh cãi mãi, gây mất tình cảm gia đình. Ra tòa cũng là để cho chú ấy được thỏa mãn mà thôi”.
Theo Báo Quảng Bình