UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 
Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024; để chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, nhất là bão mạnh, lũ lớn có thể xảy ra liên tiếp, kéo dài trong thời gian tới, ngày 14 tháng 6 năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4088 /UBND-KT chỉ đạo triển khai thực hiện

Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình phát biểu nhận nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình năm 2023 (Ảnh: qdnd.vn)

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, tập trung triển khai các nội dung chính sau:

1. Kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp và cơ quan tham mưu, hỗ trợ ra quyết định cho Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự theo quy định của Luật phòng thủ dân sự, Luật phòng, chống thiên tai và các quy định pháp luật khác có liên quan, trong đó lưu ý phải đảm bảo nguyên tắc tổ chức mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, kịp thời, tránh chồng chéo, lúng túng trong thực hiện, kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có, không để gián đoạn trong tham mưu chỉ đạo, điều hành ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nhất là những tháng tới là thời kỳ cao điểm về bão, mưa lũ.

- Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh kiện toàn tổ chức, quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh theo quy định của Luật phòng thủ dân sự, Luật phòng, chống thiên tai và văn bản hướng dẫn thi hành.

 

Đ/c Đoàn Ngọc Lâm, Phó Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn ngư dân gặp nạn trên biển (Ảnh: baoquangbinh.vn)

2. Quán triệt và tổ chức thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” đặc biệt là ở cấp địa phương, cơ sở; nâng cao trách nhiệm chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn có nghiệp vụ chuyên môn, trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn, chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết.

3. Rà soát các phương án phòng, chống thiên tai năm 2024 (phương án phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; phương án điều tiết, vận hành hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện; phương án kêu gọi, hướng dẫn, tránh trú, neo đậu an toàn, cứu hộ, cứu nạn cho tàu thuyền hoạt động trên biển khi thiên tai xảy ra; kế hoạch dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm...), đặc biệt là phương án ứng phó với tình huống mưa lũ cực đoan, kéo dài tương tự năm 2020; chủ động phương án, kế hoạch hiệp đồng, huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn liên vùng, liên xã.

Diễn tập cứu hộ tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Lệ Thủy (Ảnh: Báo Quân khu bốn)

4. UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát kế hoạch, các địa điểm, khu vực sơ tán dân đối với khu vực thấp, trũng, ven biển, cửa sông, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực có các sông, suối xuyên biên giới (đặc biệt lưu ý đối với khu vực sạt lở có nguy cơ cao như thôn 1 Thanh Long, thôn 3 Thanh Long, Tiểu khu 4 và TDP3 Thị trấn Quy Đạt; thôn Liên Sơn, bản Đá Chát, Thượng Sơn, xã Trường Sơn; công trường thi công đường dây 500KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đoạn qua Quảng Bình...).

5. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, công trình bị hư hỏng, nhất là các hồ chứa nhỏ, xung yếu (hỗ Dạ Lam, huyện Lệ Thủy; hồ Troóc Vực, Khe Su, huyện Bố Trạch; hồ Khe Cái, Eo Hụ huyện Minh Hóa...); chỉ đạo vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du; tập trung đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là tiến độ vượt lũ đối với các công trình đang thi công để an toàn cho công trình và khu vực dân cư. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa, lũ.

6. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu bảo đảm đủ phục vụ người dân khi có yêu cầu, có tính đến khả năng mưa lũ, ngập úng, chia cắt kéo dài, đặc biệt là những khu vực vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống. Sẵn sàng các điều kiện, phương tiện y tế, dự trữ thuốc men; phòng, chống bệnh dịch trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

7. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức người dân và nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành, ứng phó thiên tai, sự cố, lưu ý tình huống thiên tai có thể xảy ra liên tiếp và kéo dài.

8. Tổ chức trực ban nghiêm túc, bố trí lực lượng để kịp thời xử lý đảm bảo thông tin liên lạc, điện sản xuất, sinh hoạt thông suốt trong mọi tình huống.

9. Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình theo dõi sát tình hình để dự báo sớm, chính xác diễn biến thiên tai, kịp thời thông tin đến UBND tỉnh, Ban Chỉ huy tinh và các sở, ngành, địa phương liên quan biết, chủ động triển khai ứng phó. 

VP (Phòng Tổng hợp)